Vào hôm 23.9, tại New York, ông Abbas đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ một nhà nước Palestine với đường biên giới trước năm 1967.
|
Theo tờ New York Times, hàng ngàn người Palestine đã tụ tập quanh văn phòng của ông Abbas ở Ramallah, vẫy cờ, giương cao ảnh ông Abbas và hô to những cam kết trung thành trong hôm 25.9.
Ông Abbas đã nói với đám đông người ủng hộ rằng họ là một phần của “mùa xuân Palestine” và cam kết sẽ không quay trở lại đàm phán với Israel trừ phi nước này ngưng việc xây dựng các khu định cư Do Thái.
“Chúng ta nhấn mạnh với mọi người rằng chúng ta muốn giành lấy quyền của mình thông qua những con đường hòa bình, thông qua đàm phán song không phải là bất kỳ cuộc đàm phán nào”, ông Abbas nói.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel đã bị cắt đứt vào tháng 9.2010. Người Palestine đã rời khỏi bàn đàm phán nhằm phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Vào thứ sáu tuần trước, nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu u, Nga và Mỹ đã thúc giục người Palestine nối lại các cuộc hòa đàm vô điều kiện trong vòng một tháng với mục tiêu đạt được một thỏa thuận vào cuối năm 2012.
Vì lời kêu gọi này gần giống với lập trường của Israel, các lãnh đạo của nước này đã hoan nghênh kế hoạch. Vào hôm qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiếp tục lên tiếng thúc giục nối lại đàm phán, theo BBC.
Tuy nhiên, tại Bờ Tây, một số người tỏ ra bi quan rằng cuộc đấu tranh hòa bình sẽ không mang lại một nhà nước độc lập cho người Palestine.
Abdullah Hawaja, một người dân tại làng Nilin ở Bờ Tây, nói với tờ New York Times: “Chúng tôi không chống lại một giải pháp hòa bình song chúng tôi không tin vào nó. Israel sẽ không từ bỏ. Mảnh đất này sẽ không được giải phóng trừ phi thông qua chiến tranh. Những gì bị tước lấy bằng vũ lực chỉ có thể được lấy lại bằng vũ lực”.
Các nhà bình luận người Israel cũng hoài nghi về những bước đột phá trước mắt. Một trong số đó, nhà báo Nahum Barnea của tờ Yediot Aharonot nói rằng, ông Netanyahu và ông Abbas “mang về cho người dân của họ những va-li chất đầy các ngôn từ đao to búa lớn và đanh thép. Chỉ có một từ mà họ đã quên không mang về theo: Hi vọng”.
Sơn Duân
Bình luận (0)