Bất thường giá vàng

27/09/2011 02:31 GMT+7

Thị trường vàng thế giới với những “cơn giật” giảm mạnh vài chục USD/ounce chỉ trong 5 - 10 phút đã đổ vào thị trường vàng VN ngày 26.9. Dù vậy giá vàng VN vẫn cao hơn thế giới đến 4 triệu đồng/lượng.

 

Người dân xếp hàng mua vàng tại SJC ngày 26.9 - Ảnh: Đ.N.Thạch

Thị trường vàng thế giới với những "cơn giật" giảm mạnh vài chục USD/ounce chỉ trong 5 - 10 phút đã đổ vào thị trường vàng VN ngày 26.9. Mức giảm 128 USD/ounce được đánh giá là mức giảm sâu nhất trong vòng 30 năm trở lại đây của vàng thế giới.

Hỗn loạn

Vượt dự báo

Ông Hồ Văn Minh - Phó phòng Phân tích Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng VN (VGB) cho rằng hiện tượng giảm giá mạnh trong 3 ngày gần đây hoàn toàn vượt quá dự báo của giới đầu tư, vì theo các căn cứ về tình hình lạm phát hay nguồn cung tiền mạnh từ Mỹ gần đây, cùng việc liên tục mua vàng vào của Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR, Ấn Độ, và cả VN trong 2 tháng gần đây liên tục tăng cho thấy nhu cầu về vàng vẫn đang rất mạnh và sẽ còn mạnh hơn trong tháng 11 và 12 khi mùa lễ hội bắt đầu.

Ông Phan Dũng Khánh nhận xét các nhà đầu tư bán tháo đã gây tổn thương cho giá vàng trong 2 ngày qua. Giá 1.920 USD/ounce mà vàng đạt được vừa qua là đỉnh của năm nay, trong thời gian còn lại của năm,giá vàng sẽ biến động trong biên độ 1.500 - 1.800 USD/ounce.

T.X

Mở cửa thị trường vàng ngày 26.9, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố giá giảm 350.000 đồng/lượng so với giá cuối tuần qua. Giá mua - bán vàng miếng SJC còn 44,9 - 45,4 triệu đồng/lượng. Lực bán vàng trên thị trường xuất hiện nhiều khi giá vàng thế giới giảm từ 1.656 USD/ounce xuống 1.610 USD/ounce. Giá vàng SJC về 43,8 - 44,2 triệu đồng/lượng trước khi đóng cửa phiên sáng.

Thị trường trở nên hỗn loạn vào buổi trưa khi giá thế giới lao thẳng xuống 1.532 USD/ounce, giảm tới 128 USD/ounce. Thể hiện đầu tiên là việc niêm yết loạn xạ giá ở các công ty. Đến 13 giờ 30, bảng giá của SJC tắt. Giá mua - bán vàng SJC do Eximbank công bố ở mức 41,5 - 42,8 triệu đồng/lượng, ACB để 39 - 42 triệu đồng/lượng. Giá giảm mạnh ngay lập tức đã "kích" lực mua trên thị trường tăng mạnh. Tại trụ sở SJC trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, cảnh người dân xếp hàng mua vàng lại tái diễn.

Tại Hà Nội, ngay từ sáng sớm, các khu phố vàng Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Hà Trung… khách hàng đã chen chúc nhau xếp hàng. Tại một trong những trung tâm mua bán vàng đông nhất Hà Nội - phố Trần Nhân Tông, khoảng 9-10 giờ dù trời mưa to, nhưng lượng người xếp hàng giao dịch đã tăng đột biến, gây ùn tắc cả tuyến phố. Đại diện Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI cho biết, số lượng người đi bán áp đảo khách đến mua vàng.

Nghi án làm giá

Bỏ xa giá thế giới tới gần 4 triệu đồng/lượng dù mới đây NHNN đã cho phép nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng và lượng vàng trong dân ước tính cũng lên tới vài trăm tấn khiến nghi án "bắt tay" làm giá vàng từ các nhà đầu tư tổ chức được đặt ra. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng không đơn vị nào có thể đủ lực để làm giá vàng, để giá trong nước lên cao hơn so với giá thế giới, kể cả các đơn vị có quota nhập khẩu vàng. Trong 3 ngày qua, lượng vàng tiêu thụ trên thị trường khoảng 50.000 lượng, tương đương 2 tấn vàng. Nếu doanh nghiệp muốn làm giá thì phải trữ được 4 tấn vàng mà không đơn vị nào đủ lực như vậy.

Một đơn vị không đủ lực, nhưng theo giới chuyên gia, nhiều đơn vị cùng "bắt tay" nhau, có thể "neo" được giá vàng ở mức cao so với giá thế giới như hiện nay. Ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia vàng cho rằng, về mặt lý thuyết, đối với các đơn vị nhập vàng, ngay tại thời điểm mua ở nước ngoài sẽ thực hiện bán trong nước để tránh rủi ro về biến động giá. Tuy nhiên không ngoại trừ một số đơn vị ôm hàng giá cao nên phải treo giá cao hoặc “ém hàng” tạo tình cảnh khan vàng.

Ngay chính người trong cuộc cũng nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên thị trường vàng. Một trưởng phòng kinh doanh vàng đặt vấn đề, giá vàng ngày 26.9 biến động rất khó hiểu. Nhiều đơn vị niêm yết giá cao hơn đơn vị khác tới 200.000 đồng/lượng nhưng người dân vẫn tập trung mua tạo ra "vùng trũng” khi đơn vị đó không đủ nguồn hàng. Gây cảm giác khan hiếm giả tạo bởi hệ thống các cửa hàng vàng bạc, NH triển khai bán rộng rãi ở khắp nơi thì không mua mà lại đi xếp hàng ở một số nơi giá cao hơn.

Can thiệp thị trường bằng nội lực

Nhằm giải quyết cơn khát vàng của thị trường, mỗi lần vàng biến động mạnh, NHNN cấp khoảng 4 - 5 tấn vàng cho khoảng 10 đơn vị, mỗi đơn vị vài trăm ký. Lượng vàng nhập này chỉ mất khoảng 2 ngày là tiêu thụ hết. Nhiều ý kiến cho rằng, cấp hạn mức nhập vàng nhỏ giọt đã không thực hiện được mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới dù đã tiêu hao khoảng 1 tỉ USD. Đó là chưa kể, không thể mãi nhập vàng vì sẽ chảy máu ngoại tệ. Trong khi "nội lực" vàng trong nước là rất lớn. Ước tính, lượng vàng nằm trong các NH lên tới hàng trăm tấn. Chỉ cần bán một phần trong số này và được phép mua vàng tài khoản, thị trường vàng chắc chắn sẽ không rơi vào tình trạng điên loạn như hiện nay. Đó là lý do, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải nhanh chóng có các biện pháp dài hơi cho thị trường vàng.

Trên thực tế, cách đây vài tháng NHNN đã đưa ra một số biện pháp giải quyết các vấn đề trên thị trường vàng, đó là mua vàng của dân và can thiệp thị trường khi giá cách biệt. Thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, các chính sách trên thị trường vàng vẫn giậm chân tại chỗ. Thị trường vẫn tái diễn tình trạng “dập đám cháy” bằng cách cho nhập mà chưa có những giải pháp căn cơ.

Đẩy giá USD, neo giá vàng

Giá USD trên thị trường tự do những ngày qua liên tục tăng lên và hiện đang đứng ở mức 21.350 - 21.360 đồng/USD (cao hơn 500 đồng/USD tại Vietcombank). TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Ngân hàng (ĐH Mở TP.HCM) nhận xét, tỷ giá USD tự do gia tăng mạnh những ngày qua một phần có thể do hoạt động thu gom để nhập lậu vàng. Nhưng quan trọng nhất chính giới đầu cơ vàng cố tình đẩy giá USD tăng để duy trì giá vàng đứng ở mức cao nhằm thu được lợi nhuận cao. Dù không có số liệu chính thức nhưng hiện nguồn cung USD từ hệ thống NH vẫn chưa có dấu hiệu biến động. “Tôi nghĩ hiện nay chưa phải là thời điểm thiếu hụt nguồn cung USD để tỷ giá phải tăng lên liên tục như vậy. Nhất là cũng chưa đến lúc cao điểm để các doanh nghiệp phải thanh toán nợ nước ngoài hay nhập khẩu hàng hóa ồ ạt. Rõ ràng đây là hoạt động đầu cơ có tính toán liên thông giữa giá vàng với giá USD. NHNN nên thông báo về tình hình cung cầu ngoại tệ chính thức cũng như cảnh báo người dân không nên chạy theo mua USD với giá ngoài thị trường tự do vì làm điều đó là rơi vào bẫy đầu cơ”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không có biện pháp can thiệp, tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh kéo dài liên tục sẽ khiến cho tỷ giá chính thức trên hệ thống NH khó duy trì được ở mức hiện nay. Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM phân tích: Nếu cho phép nhập khẩu vàng thì nguy cơ thất thoát ngoại tệ và dự trữ quốc gia khó bù đắp nổi. Nhưng nếu mức chênh lệch này càng kéo dài khả năng nhập lậu vàng càng cao sẽ khiến giá USD thị trường tự do gia tăng. Vị chuyên gia này cho rằng trên thực tế, mỗi khi chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do với giá USD trong hệ thống NH lên gần 2.000 đồng/USD thì NHNN đều phải có những chính sách để ổn định tỷ giá. Đó có thể là việc bán ngoại tệ ra thị trường để làm hạ nhiệt giá USD, tăng lãi suất tiền đồng, sử dụng biện pháp hành chính hoặc tuyên bố phá giá tiền đồng... Nhưng điều quan trọng hiện nay là áp lực lên tỷ giá USD xuất phát từ giá vàng là nguyên nhân không đáng có. Vì vậy NHNN cần phải nhanh chóng có động thái nhằm ổn định tỷ giá ngoại tệ để không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nói chung của VN.

Mai Phương

Rủi ro

Áp dụng chiến thuật "tăng bán, giảm mua" nhưng người mua vàng trong nước đang đối mặt với các rủi ro lớn.

Rủi ro đầu tiên là khoảng cách quá xa giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. 90% vàng trong nước là nhập khẩu, nếu tỷ giá tương đối ổn định như hiện nay, lẽ ra giá vàng trong nước phải bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, độ chênh tới gần 4 triệu đồng/lượng được duy trì từ cuối tuần trước đến phiên ngày hôm qua đẩy người mua vàng trong nước vào thế rủi ro "sập hầm" nếu bỗng nhiên, giá trong nước trở về trạng thái tỷ lệ thuận tất yếu với giá thế giới. Mà điều này, không khó để dự báo. Bởi theo giới chuyên gia, và không ít nhà đầu tư vàng có kinh nghiệm, giá vàng trong nước được "neo" ở mức cao như nói trên là do nhiều đầu mối lỡ nhập khẩu vàng về với giá 1.800 USD/ounce trước đó nên đang cố ghìm đà giảm giá để hạn chế lỗ. Nhưng nếu giá vàng vẫn tiếp tục giảm, đến thời điểm nhất định, các đầu mối này cũng phải bán vàng ra để cắt lỗ. Lúc đó, giá vàng trong nước sẽ lao dốc và thiệt thòi thuộc về người đang xếp hàng mua vàng những ngày qua.

Rủi ro thứ 2 là biên độ mua- bán tại thị trường nội địa bị kéo quá xa. Đơn cử như trong phiên hôm qua, có thời điểm, giá mua - giá bán chênh nhau tới trên 2 triệu đồng/lượng. Nên nói giá vàng giảm xuống vùng 41 triệu đồng/lượng chỉ là giảm ở đầu mua vào của các công ty, còn người mua vàng, vẫn phải mua với giá 42 triệu đồng- 43 triệu đồng/lượng. Có nghĩa là, nếu giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng thì người mua ngay, bán ngay vẫn không có lời, hoặc chỉ lợi rất ít so với mức thực tăng. Còn nếu giá vàng tiếp tục giảm, mức lỗ của họ lại chạy nhanh hơn so với mức giảm của vàng.

Cảnh xếp hàng mua vàng đã tái diễn suốt từ tuần trước kéo dài sang đầu tuần này khi giá vàng giảm mạnh. Nhưng như phân tích trên, kể cả mua vào khi giảm giá, hàng loạt các rủi ro đang bủa vây người mua trong nước. Trước khi chờ cơ quan quản lý sử dụng các biện pháp điều tiết thị trường, người mua vàng hãy bình tĩnh để hạn chế tối đa những thiệt hại tài chính cho mình.

Nguyên Khanh

Thanh Xuân - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.