Chính phủ “bắt bệnh” lạm phát

27/09/2011 01:08 GMT+7

Với 3 bản báo cáo độc lập của NHNN, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT, Chính phủ khẳng định đã tìm ra được nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao và kéo dài suốt thời gian qua.

Thủ phạm chính đã được tái khẳng định là chính sách tiền tệ, bên cạnh yếu tố đầu tư công kém hiệu quả, nhập siêu gây ra…

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra chiều ngày 26.9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết kỳ họp này Chính phủ bàn rất sâu về lạm phát. Thủ tướng đã giao cho NHNN, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cùng nghiên cứu độc lập, phân tích thực trạng, nguyên nhân của lạm phát suốt những năm vừa qua để có thể đưa ra giải pháp kiểm soát hiệu quả. “Nội dung đều thống nhất lạm phát ở VN rất cao so với thế giới và kéo dài, nguyên nhân chính là do chính sách tiền tệ”, ông Đam nói.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã xem xét dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 với 3 khâu đột phá là nâng cao chất lượng toàn diện, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhấn mạnh đến việc “dạy người”, đồng thời với “dạy chữ” và dạy nghề… Tiếp tục đổi mới về quản lý giáo dục, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học.
Bên cạnh đó, còn có một số tác nhân khác gây ra lạm phát cao. Thứ nhất, do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm dẫn đến tăng trưởng tín dụng cao. Thống kê từ 2001 đến 2010, tăng tín dụng trên 30%, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng cao, trong khi trên thế giới nước cao nhất cũng chỉ hơn 10%. Nhu cầu đầu tư công quá lớn, tiền ít nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao, chi nhiều hơn thu dẫn tới bội chi. Thứ hai, lạm phát có nguyên nhân của chi phí đẩy. Nền kinh tế với độ mở lớn, tỷ lệ nhập khẩu có năm bằng 90% GDP, do đầu tư lớn nên phải nhập nhiều nguyên vật liệu, máy móc, khi giá thế giới tăng, đẩy chi phí tăng, tạo ra lạm phát. “Suốt thời gian qua lạm phát dài, đồng tiền VN mất giá. Vì vậy, Chính phủ khẳng định phấn đấu quyết liệt để kiểm soát chỉ số giá năm nay ở mức 18%”, ông Đam nói thêm.

Bộ trưởng Đam cho biết, tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua có tín hiệu tích cực, quý 1 đạt 5,43%, quý 2 là 5,67%, quý 3 lên 6,11%, nếu quý 4 cùng tốc độ với quý 3 cả năm sẽ đạt xấp xỉ 6%. “Nhưng điều đó không có nghĩa dễ dàng đạt được, phải cơ cấu lại đầu tư”, ông nhấn mạnh.

2 tuần nữa công bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu

Trả lời báo chí về những bất đồng quan điểm giá xăng của liên Bộ Tài chính và Công thương, Bộ trưởng Đam nói, đó chỉ là ý kiến tranh luận tại cuộc hội thảo, Chính phủ vẫn nhất quán điều hành giá xăng dầu cũng như một số mặt hàng thiết yếu khác. “Tới đây, tất cả giá các mặt hàng thiết yếu sẽ được công khai, minh bạch giá, nhập vào giá bao nhiêu, bán giá nào, sử dụng quỹ bình ổn giá ra sao, kinh doanh lỗ lãi thế nào phải công bố hết”, ông khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp bổ sung, lãi lỗ của xăng dầu được tính đơn giản theo nguyên tắc doanh thu trừ đi chi phí ra con số lãi, còn cụ thể như thế nào 2 tuần nữa sẽ công bố sau khi có kết quả của 3 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đối với vấn đề nợ nước ngoài của quốc gia, đại diện Bộ Tài chính cho biết hiện nợ nước ngoài của quốc gia chiếm 42,2% GDP, trong đó 62% nợ nước ngoài là của Chính phủ, còn lại của doanh nghiệp. Trong khoản nợ của Chính phủ có 93% nợ ODA và ưu đãi còn lại nợ thương mại. “Nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là dài hạn, lãi suất thấp. Nợ vẫn ở trong giới hạn an toàn”, ông Nghiệp khẳng định.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.