Sân khấu dựng nép mình bên lăng còn ướt đẫm sau cơn mưa to, muốn đi lên sân khấu các diễn viên phải bươn qua đám cỏ oặt nước, vì vậy các ông vua bà chúa trên sân khấu mũ áo xênh xang nhưng giày dép thì dính đầy... bùn đất. Dưới sân khấu, khán giả ngồi chật khuôn viên lăng, một số khác cứ bám vào hàng rào mà xem mải miết câu chuyện về vị công thần khai quốc...
Lẫn trong hàng ghế khán giả là hai mẹ con chị Hoa nhà ở gần khu vực lăng, cô con gái 6 tuổi cứ hỏi mãi và bà mẹ trẻ phải liên tục trả lời. “Ông mặc áo đỏ là ai vậy?”. “Là ông Lê Văn Duyệt đó con, ông nằm trong lăng nè!”. “Phải ông mà mình hay đốt nhang không mẹ?”. “Cái ông gì mặt dữ quá vậy?”. “Ông Huỳnh Công Lý, là cha vợ vua nhưng ổng ác, ăn hiếp người dân nên bị ông Duyệt bắt đó thấy không”... Những câu chuyện lịch sử cứ thế được hai mẹ con chị Hoa “giao lưu” sôi nổi. Không nhộn nhạo bằng, Thu Tuyết - học sinh lớp 10 - chỉ nói: “Hồi nào giờ nghe nói Lăng Ông linh lắm nên em thường hay tới đốt nhang, khấn vái, bữa nay coi kịch mới biết ông khổ quá trời, tội nghiệp ông quá!”.
Ngồi sát bên xem chăm chú không kém là khán giả Ngọc Quang: “Tui đi xem kịch ở nhiều sân khấu rồi nhưng ở đây cảm giác đặc biệt quá, tự nhiên thấy xúc động và linh thiêng, diễn viên ở trển (trên sân khấu - NV) nói mà cứ như “ông” nói làm mình nghẹt thở từng chặp”. Say sưa theo dõi đoạn Lê Văn Duyệt bắt và chém đầu Huỳnh Công Lý vì tội vơ vét của dân, một vị khán giả lớn tuổi vỗ đùi đen đét: “Ông hay thiệt, trị là trị tới nơi tới chốn, chẳng kiêng sợ gì cả, chém chết cái lũ mọt dân hại nước! Người vậy mà bảo sao ông bà tổ tiên của mình hổng thờ hoài”.
Đã diễn trên sân khấu lớn, lần này diễn lại ở Lăng Ông, nghệ sĩ Quyền Linh (vai tả quân Lê Văn Duyệt) cũng thấy bồi hồi: “Nhiều phân đoạn ông bày tỏ nỗi lòng oan ức, lúc học lại thoại cứ sợ vấp, vậy mà lúc diễn lại trơn tru. Có lẽ ông đã tiếp sức để thế hệ con cháu nói thay nỗi lòng của tiền nhân. Cảnh cuối khi Lê Văn Duyệt ra đi, các diễn viên tham gia cảnh ấy đều khóc hết... Cảm xúc đó khiến tôi cứ bần thần mãi...”.
Đêm diễn kết thúc, diễn viên cúi chào và thẫn thờ bước vào bên trong sân khấu. Khán giả cũng lặng im ra về. Trên tay một khán giả nam, cậu con trai 5 tuổi đã gật gà ngủ, cũng cậu bé ấy khi giữa vở diễn đã nhất quyết đòi ba “Cho con ở lại xem ông” khi được nhắc phải về ngủ để mai sớm còn đi nhà trẻ...
Nhân kỷ niệm 179 năm ngày giỗ đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Khu di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt phối hợp cùng Nhà hát kịch TP.HCM tổ chức hai đêm diễn (không bán vé) vở Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) vào ngày 26 và 27-9 tại lăng. Đây là vở diễn được Nhà hát kịch TP.HCM đầu tư tiền tỉ với 100 diễn viên, ra mắt lần đầu vào tháng 9-2008. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)