Bão mạnh đổ bộ
TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trưa nay, bão số 5 đã đi sát vào khu vực phía đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Cường độ bão vẫn mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.
|
Theo ông Tăng, trong 24 giờ tới, bão di chuyển tương đối ổn định, chủ yếu theo hướng giữa tây và tây tây bắc. Chiều và tối nay, bão sẽ vượt qua đảo Hải Nam và tối cùng ngày đi vào vịnh Bắc Bộ.
Lũ tại ĐBSCL làm 3 người chết. Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, tính đến chiều nay, lũ lớn đã cướp đi mạng sống của 3 người tại An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Thứ trưởng Đào Xuân Học cho biết, một đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã vào An Giang và Đồng Tháp để hỗ trợ địa phương hộ đê, cứu đê. |
“Khoảng trưa và chiều mai 30.9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta, sớm thì khoảng 12 giờ trưa, muộn thì khoảng 18 giờ chiều. Tâm bão sẽ đi vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình, với cường độ lúc đổ bộ mạnh cấp 8 - cấp 10. Vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão rộng hơn, từ Quảng Ninh đến Nghệ An”, ông Tăng nói.
Nhận định đây là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh, ông Tăng cho biết, bão sẽ gây mưa to và gió lớn trên đất liền. Từ đêm nay, gió ở vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 11, cấp 12. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị cũng có gió mạnh cấp 6, cấp 7 và tăng dần vào ngày mai.
Hồng Kông “tê liệt” vì bão Nesat. Các trường học, công ty, thị trường tài chính… tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạm đóng cửa vào hôm nay 29.9, khi bão Nesat gây gió mạnh và mưa lớn ở đây. BBC đưa tin, chính quyền Hồng Kông đã đưa ra cảnh báo bão trước 5 giờ sáng nay (tức 4 giờ sáng cùng ngày, giờ VN). Tất cả dịch vụ phà và một số dịch vụ xe buýt tại đây đã bị hủy. Do gió mạnh, tới 100 km/giờ nên rất ít người đi lại trên đường phố ở Hồng Kông. Theo đài phát thanh địa phương, hai người đã bị thương do một giàn giáo đổ sập xuống xe taxi. Nhiều chuyến bay đã bị trì hoãn. Đến trưa nay (giờ địa phương, khoảng 11 giờ trưa ở VN), bão Nesat còn cách Hồng Kông 370km và đang di chuyển về phía đảo Hải Nam ở Trung Quốc. Bão Nesat làm 35 người chết tại Philippines. Tính đến sáng nay 29.9, số người chết vì bão Nesat tại Philippines đã lên đến ít nhất 35 với hơn 60.000 hộ gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Theo hãng tin AP dẫn nguồn từ giới chức địa phương, ước tính thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và vụ mùa lên đến gần 1 tỉ peso (tương đương 22,8 triệu USD). Ngày 29.9, ông Benito Ramos, người đứng đầu Cơ quan phòng vệ dân sự Philippines cho hay số người bị thương cũng khoảng từ 34 - 45 người. Theo ông Ramos, số thương vong còn có thể tăng cao do công tác cứu hộ vẫn đang tiếp diễn. Lở đất, tai nạn giao thông, cây đổ... là những nguyên nhân chính gây ra số tử vong trên, ông Ramos cho hay. Bão Nesat ập vào miền bắc Philippines vào hôm 27.9 đã gây lở đất và lũ lụt ở nhiều nơi. Tại thủ đô Manila, Nesat gây mưa lớn khiến nhiều con đường ngập sâu trong nước, phá hỏng nhiều cửa hàng và làm đổ nhiều cây cối. Ở vùng Cordillera, miền bắc Philippines, nhiều tuyến đường đã bị tê liệt do lở đất và lũ lụt. Huỳnh Thiềm |
Về mưa, theo ông Tăng, mưa sẽ kéo dài liên tục trong 3 ngày, từ 30.9 đến 2.10 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lượng mưa tương đối đều, phổ biến trong khoảng 100 - 400 mm. Mưa sẽ cấp tập từ trưa và chiều mai cho đến sáng ngày 1.10, sau đó giảm dần.
Một điểm đáng lưu ý, đêm 30.9, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh sẽ tràn xuống nước ta, kết hợp với ảnh hưởng của bão sẽ gây mưa trên diện rộng.
Trong đó, chịu ảnh hưởng muộn hơn của gió mùa đông bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 1 - 3.10 sẽ có mưa với lượng từ một trăm đến vài trăm mm.
Khẩn cấp di dời dân
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đây là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm, các bộ ngành liên quan, địa phương và người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của bão phải chủ động, quyết liệt đề phòng, hạn chế đến mức thấp nhấp có thể thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó thủ tướng yêu cầu cấm biển từ chiều nay đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tại các nơi neo đậu, nếu không đủ chỗ cho tàu thuyền trú tránh bão, địa phương phải tổ chức kéo tàu lên bờ.
“Phải kiên quyết đưa người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ lên bờ an toàn trước 20 giờ tối nay. Việc sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm, chậm nhất phải hoàn thành trước 9 giờ sáng mai”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa bão, quyết định cho học sinh nghỉ học trong ngày mai, tiến hành tiêu nước đệm trên đồng ruộng, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, chuẩn bị lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn… sẵn sàng “đón” bão.
Phó thủ tướng quyết định thành lập 3 đoàn công tác của trung ương, sau cuộc họp sẽ lên đường về các địa phương trọng yếu để chỉ đạo và tham gia phòng chống bão.
Theo đó, một đoàn do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư chủ trì sẽ về Quảng Ninh, một đoàn do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ về Nam Định và Thái Bình, đoàn còn lại sẽ về Hải Phòng.
Thêm 4 đê bị vỡ tại An Giang |
||||
Sáng nay 29.9, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh An Giang cho biết, tiếp theo những vụ vỡ đê nghiêm trọng trong mấy ngày qua, từ tối qua đến sáng nay, dưới áp lực dữ dội của lũ, đã có thêm 4 đê xung yếu bị vỡ, nhấn chìm 1.210 ha lúa chưa thu hoạch của người dân, nâng tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh lên trên 5.000 ha. Ngoài đê bao tại xã Vĩnh Trung bị vỡ, địa phương đã huy động trên 200 người kịp thời khắc phục. 3 vụ vỡ đê còn lại xảy ra trên địa bàn huyện Châu Phú đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và tiếp tục đe dọa đến các khu vực lân cận.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, diện tích đã bị ngập gần như không có khả năng để khắc phục. Tại điểm đê bị vỡ trên tuyến Kinh 7, xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú đến sáng nay, nước lũ đã tràn vào tiểu khu Kinh 8, Kinh 9 gây ngập 500 ha lúa tại vùng này. Tại điểm đê bị vỡ đã lan rộng ra trên 40m. Trưa nay, các lực lượng địa phương đã hoàn thành việc đóng cừ tràm lên vùng bị bể, bao lưới B40 trước khi tiến hành thả vật liệu để ngăn dòng nước đang chảy xiết. Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, vấn đề cấp bách hiện nay là thiếu vật liệu cho công tác ngăn lũ. Hiện cừ tràm, bạch đàn, cát lấp… đã trở nên khan hiếm. Huyện đã chỉ đạo cho mỗi xã thành lập tổ 10 người, 2 cưa máy để mua cừ tràm, bạch đàn trong dân. Bên cạnh đó, tổ chức cho lực lượng công an, Phòng TN-MT túc trực tại các mỏ cát trên địa bàn kịp thời gom cát đưa đến các điểm nóng. Về vấn đề này, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho tỉa thưa rừng tràm Trà Sư để lấy gỗ tràm cung cấp cho việc chống lũ. Thiếu tướng Lê Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu 9 cho biết, các lực lượng bộ đội chủ lực của quân khu đang sẵn sàng, và cần thiết Quân khu 9 có thể điều động thêm quân từ các tỉnh khác đến giúp đối phó với lũ. Một sự cố xảy ra cho lực lượng chống lũ, tối qua, anh Huỳnh Văn Tùng (SN 1985), dân quân tự vệ thuộc xã đội Thới Sơn (H.Tịnh Biên) trong lúc giúp dân gia cố đê đã bị rắn độc cắn chết. Đây là trường hợp thứ 3 trên địa bàn tỉnh An Giang tử vong liên quan đến lũ lụt.
Tiến Trình |
||||
Quang Duẩn
Bình luận (0)