Phá vườn dừa để nuôi tôm

29/09/2011 09:45 GMT+7

Mặc dù giá mỗi trái dừa đã tăng lên hơn 10.000 đồng, nhưng thu nhập so với nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) thì…thua xa nên hiện có ít nhất 500ha dừa ở H.Bình Đại (Bến Tre) bị đốn hạ để nhường đất cho tôm TCT.

Hình ảnh ao tôm xen vườn dừa xuất hiện ngày càng nhiều trong vùng ngọt hóa bắc Bến Tre đã khiến cho lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học hết sức lo ngại.


Người dân trong vùng ngọt hóa huyện Bình Đại, Bến Tre thuê xe cuốc phá vườn dừa đào ao nuôi tôm - Ảnh: H.Ph

Dứt tình với cây dừa

Ông Lê Minh Hùng, Bí thư chi bộ ấp 2 (xã Bình Thới, H.Bình Đại), cho biết phong trào nuôi tôm TCT chỉ mới phát triển hơn 1 năm trở lại đây, khi một số hộ dân nuôi “lén” nhưng thu được lợi nhuận cao ngoài mong đợi. Ưu điểm của con tôm TCT là thời gian nuôi chỉ bằng ½ so với con tôm sú,  giá thành sản xuất chỉ khoảng từ 50-60 ngàn đồng/kg, trong khi chi phí nuôi tôm sú trên 80.000 đồng/kg. Chính vì vậy mà người dân thi nhau đốn dừa lấy đât nuôi tôm, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng.

Cây dừa Bình Đại từng che chở bom đạn cho dân làng trong chiến tranh, giúp họ thoát nghèo sau giải phóng, vậy mà giờ đây, khi giá dừa đang cao chất ngất,  người ta vẫn đốn dừa để nuôi tôm TCT, chẳng chút luyến tiếc. “Để dừa làm chi, bán có được bao nhiêu tiền đâu? Nuôi tôm TCT chỉ có 2,5 tháng hốt bạc trăm triệu, ngon hơn không?”, ông Trần Văn Hoàng (ngụ  xã Phú Long, H.Bình Đại) thẳng thừng tuyên bố.

Ông Võ Thành Công (ngụ ấp 1, xã Phú Long) đã thắng đậm vụ tôm TCT đầu tiên trên diện tích 3.000 m2 đất vườn dừa. Sau 75 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 60 con/kg, thu hoạch được 3,5 tấn, giá bán 115.000 đồng/kg, tổng thu hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Do nuôi tôm TCT đạt lợi nhuận cao như vậy nên nhiều hộ dân ở các xã trong vùng quy hoạch ngọt hóa của H.Bình Đại, như: Phú Vang, Phú Long, Lộc Thuận…đã mạnh tay phá vườn dừa, khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm TCT. Ông Trần Thanh Hùng (ngụ ấp Lộc Hòa, xã Lộc Thuận) vừa đốn hạ 5 công dừa, thuê kobe đào ao để nuôi tôm TCT, cho biết tiền công phá 1 công dừa để đào ao nuôi tôm tốn 14 triệu đồng, tiền khoan giếng lấy nước mặn 12 triệu đồng, cộng với con giống, dàn quạt…tốn khoảng gần 70 triệu đồng/công. “Thấy bà con nuôi tôm TCT lời mắc ham nên tôi chạy đi vay tiền khắp nơi về đầu tư nuôi tôm để mong được đổi đời. Chớ cứ bám cây dừa hoài cùng lắm chỉ đủ ăn,  không khá nổi”, ông Hoàng nói.

Chính quyền… lúng túng

Trước khi phá 4 công dừa lấy đất nuôi tôm TCT, ông Lê Văn Tám (ngụ xã Lộc Thuận) cũng biết rằng làm như thế là không đúng vì đất ông nằm trong vùng ngọt hóa. Nhưng “thấy người ta nuôi tôm TCT lời quá xá”, nên ông “không thể không theo”! Mặc dù cán bộ địa phương đã nhiều lần xuống lập biên bản, rồi tuyên truyền vận động mọi người không nên ồ ạt đốn dừa đào ao nuôi tôm TCT trong vùng quy hoạch ngọt hóa, nhưng không vì thế mà tình trạng phá vườn dừa đào ao nuôi tôm được ngăn chặn. Ông Mai Thiên Phụng, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận, cho biết xã này thuộc tiểu vùng 2 - vùng ngọt hóa của dự án cống đập Ba Lai. Dừa, lúa, mía, hoa màu, thủy sản nước ngọt…là những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có trên 10 ha dừa trong xã bị triệt hạ để chuyển sang nuôi tôm TCT. Theo ông Phụng, việc  nuôi tôm TCT trong vùng ngọt hóa phát sinh nhiều mâu thuẫn do nước mặn sẽ làm ảnh hưởng đến các loại cây- con sinh sống trong hệ nước ngọt. Mặt khác, khi nuôi tôm TCT đan xen trong vườn dừa, nếu bà con phun xịt thuốc hóa học trừ bọ dừa lan sang ao nuôi gây chết tôm sẽ xử lý ra sao?. Theo một nguồn tin, lãnh đạo ngành nông nghiệp Bến Tre cũng đang rối về chuyện nuôi tôm TCT trong vùng ngọt hóa. “Nuôi tôm TCT mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, tỉnh không khuyến cáo người dân phá vườn dừa đào ao nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Kiểu phát triển tràn lan, ngoài vùng quy hoạch không kiểm soát được sẽ xảy ra nhiều hậu quả khó lường”, một cán bộ ngành nông nghiệp, cho biết.

Theo qui hoạch,  đến năm 2015, diện tích nuôi tôm TCT của H.Bình Đại là 800 ha và đến năm 2020 phát triển lên 1.000 ha. Thế nhưng ngay trong năm nay, diện tích nuôi tôm TCT đã vượt ngưỡng qui hoạch của 10 năm tới. Vùng  ngọt hóa 1.000 ha ở xã Thạnh Trị đang đứng trước nguy cơ bị con tôm TCT tấn công. “Chúng tôi đang phối hợp với Sở NN - PTNT xác định chủng loại cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tiềm năng của đất, bởi trong vùng ngọt hóa có khoảng 450-500 ha đất đang nuôi tôm. Nếu để người dân đào giếng lấy nước mặn nuôi tôm sú hoặc tôm TCT thì ảnh hưởng xấu đến cả vùng ngọt hóa”, một vị lãnh đạo huyện, lo lắng.

Hoài Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.