Nhà thầu nội bị ra rìa vì quy định cứng nhắc
“Thị trường thầu ở VN rất “bở”, một năm cả chục tỉ USD, cứ 5 tỉ đồng (tương đương với 250.000 USD) đã phải đấu thầu, đến trụ sở ủy ban cũng đấu thầu. Trong khi chủ đầu tư lại đưa ra những tiêu chí chỉ quốc tế mới đáp ứng nổi, thiệt thòi rất nhiều cho nhà thầu nội”, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng nhìn nhận.
|
Chia sẻ cách nhìn trên, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu cho rằng, mấu chốt khiến nhà thầu nội dễ thua là do tư tưởng thích “gọn nhẹ” của chủ đầu tư. “Giao bài thầu, hồ sơ minh bạch, nhưng chỉ cần một điều kiện nhỏ không nương tay, nhà thầu nội cũng khó lòng thắng được. Ví dụ như toàn bộ dự án hệ thống đường ống cấp nước của TP.HCM trước kia, chỉ có một dòng là nhà thầu phải có kinh nghiệm làm đường ống phi 200, trong khi nhà thầu VN chưa có”.
Một thành viên khác của Hiệp hội Nhà thầu, TS Vũ Gia Quỳnh cho rằng, rà soát luật phải xác định thêm yếu tố tư cách chủ đầu tư và nhà thầu. “Phải xác định thêm một chủ đầu tư như thế nào thì được mời thầu? Trước hết phải đáp ứng được vốn. Dự án vốn ngân sách phải có bảo lãnh ngân hàng mới được đem ra đấu thầu, vì nhiều khi nhà thầu phải chạy vốn cho một ông chủ đầu tư nào đó, rất dễ tiêu cực. Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng xong mới được đấu thầu, tránh dự án chậm hàng năm trời do không giải phóng được mặt bằng”, ông Quỳnh đặt vấn đề.
Trả lời cho câu hỏi tại sao nhà thầu nội dễ thua, theo ông Quỳnh, các nhà thầu ngoại khi sang VN đều có Chính phủ hoặc ngân hàng bão lãnh. Nhà thầu ngoại theo mô hình quản lý chung, có nhà thầu chỉ đi đấu thầu, rồi chia lại các gói nhỏ cho nhà thầu phụ theo hướng chuyên môn hóa, tận dụng được năng lực. Ông Quỳnh cho rằng, chủ đầu tư khi chọn thầu phải thay đổi suy nghĩ nhà thầu phải có sẵn máy móc, thiết bị, vốn… làm khó cho nhà thầu nội.
Bỏ cơ chế giá rẻ
Cũng theo ông Dương Văn Cận, chiến lược của nhà thầu ngoại là trong gói thầu EPC, thiết bị tính giá trị rất cao, nhưng giá trị lắp đặt gồm cả chi phí nhân công… rất thấp, nên tổng giá trị gói thầu thấp. Cơ chế đấu thầu hiện nay chưa phân tách cụ thể tiêu chí, nên không phân loại được nhà thầu, giá rẻ bao giờ cũng thắng. Rất nhiều dự án EPC đưa tiêu chí đáp ứng vốn lên đầu, trong khi nhà thầu VN yếu vốn, càng khó cạnh tranh hơn với nhà thầu ngoại.
Luật Đấu thầu hiện hành chọn nhà thầu dựa trên hai yếu tố chính là kỹ thuật và giá. Nhưng theo ông Cận, đạt yêu cầu kỹ thuật rất dễ do bị cào bằng, “không có sự phân loại giữa anh đạt điểm kỹ thuật 100% và anh 60-70%. Phải tính thêm điểm về mặt kỹ thuật khi đánh giá, có các hệ số cụ thể. Mặt khác, cần xem lại tiêu chí dùng giá thấp nhất để xét thầu”.
Chia sẻ cách nhìn của ông Cận, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu cho rằng, giá đánh giá (nhà thầu khi chào thầu sử dụng vật liệu, biện pháp kỹ thuật khác nhau nên giá dự thầu khác nhau, nên khi chấm thầu đưa về một mặt bằng để có tiêu chí đánh giá) là cần thiết, nhưng thực tế việc quy về một mặt bằng đang không rõ ràng nên khó thực hiện.
Cụ thể hơn, theo ông Hiệp, các gói thầu sử dụng vốn vay ODA hay vốn FDI, ngay cả dự án vốn ngân sách, cơ hội của nhà thầu nội đều rất nhỏ, thậm chí không có, bởi chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất xứ của thiết bị, vật tư. “Cần bổ sung tiêu chí xuất xứ với các gói thầu dùng vốn trong nước để hạn chế các nhà thầu ngoại phá giá chiếm ưu thế”, ông Hiệp đề xuất.
Còn theo ông Phan Vũ Anh, Ban Pháp chế Tổng công ty CP Vinaconex, luật sửa đổi cần siết chặt quy định nhà thầu ngoại khi vào VN phải liên danh với nhà thầu trong nước, nêu rõ nhà thầu VN chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị gói thầu. Ông Vũ Anh cũng cho rằng, “phải có chế tài răn đe, xử lý mạnh mới ngăn chặn được hành vi gian lận trong đấu thầu, nhiều khi đấu thầu công khai nhưng đằng sau đó là chạy thầu, xin thầu, từ thu xếp vốn cho chủ đầu tư đến bán thầu…”.
Mai Hà
Bình luận (0)