Cũng như tên gọi, cháo lòng không có gì là cầu kỳ, đơn giản là cháo nấu lòng. Tuy nhiên, để có một tô cháo ngon đòi hỏi người nấu phải tuân thủ nhiều nguyên tắc từ khâu chọn nguyên liệu đến các công đoạn chế biến.
|
Nguyên liệu đặc trưng của cháo lòng là đầy đủ các thành phần phủ tạng lợn gồm các loại tim, gan, ruột non... Tất cả phải còn tươi nguyên (lòng vừa mới mổ lại càng ngon), làm sạch bỏ vào nồi đang sôi ùng ục; đổ bỏ nước luộc này, xả nước lạnh rửa sạch lại. Luộc thêm lần nữa với chanh, muối, vớt bọt; lòng vừa chín tới thì đổ ra rửa lại. Xong nấu nồi nước sôi thả lòng vô trụng vài phút cho sạch rồi xả nước ấm rửa lại. Luộc lòng đòi hỏi người nấu phải tỉ mỉ từ công đoạn làm sạch đến luộc chín.
Những người sành nấu cháo lòng thường tận dụng nước luộc lòng lợn để nấu cháo (hoặc có thể dùng xương lợn hầm lấy nước để tăng thêm vị ngọt cho cháo). Gạo nấu cháo là loại tẻ lúa mới, thơm dẻo, không quên cho thêm một ít gạo nếp giúp nồi cháo dẻo hơn. Thường người Quảng giữ nguyên hạt gạo chứ không giã dập gạo như một số nơi. Khi nấu canh lửa vừa phải, để dễ nhìn thấy hạt gạo vì nước không sôi mạnh, kèm theo một lượng nước nóng để châm khi cạn, và canh chừng lúc gạo vừa nở bung thành hoa là nhấc xuống.
Người ta cắt lòng lợn đã luộc chín thành miếng nhỏ, thả vào tô cháo trước khi ăn. Nhìn tô cháo đầy đặn, nóng hổi, điểm vài cọng ngò xanh xanh, dăm ba hạt tiêu rừng là đã muốn ăn ngay. Và đúng là phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng kia. Cháo lòng mà để nguội sẽ mất ngon, cái mùi thơm đặc trưng của tô cháo sẽ không còn nguyên vẹn. Đấy là chưa kể đĩa ruột non, vài ba miếng dồi cùng chén nước mắm đậm đà được đặt ngay bên cạnh.
Khách ăn cháo lòng cũng không thể thiếu bánh tráng. Hương vị giòn tan của bánh tráng nướng vàng chìm trong vị cay, ngọt, bùi của từng muỗng cháo, thực khách vừa được ấm bụng, vừa thấm cái chất mộc mạc, dân dã.
Phan Thị Thanh Ly
Bình luận (0)