Theo phương án của bộ này, để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến 2020 sẽ giữ lại khoảng 3,8 triệu ha đất trồng lúa, giảm 308 nghìn ha so với 2010. Chủ tịch QH tỏ ra lo ngại về khả năng vỡ quy hoạch đất đến 2020, vì Bộ TN-MT không chỉ ra được 308 nghìn ha trên sẽ được dùng vào mục đích gì và Chính phủ có giải pháp gì để thực hiện. “Nếu để làm khu công nghiệp (KCN) lại kéo theo đất giao thông, đất dành cho dịch vụ giáo dục, y tế, kể cả nhà ở. Lấy đất ở đâu để làm KCN chứ không được lấy đất lúa, bởi sẽ làm vỡ quy hoạch, sẽ không giữ được chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha”, Chủ tịch QH nói.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý cho rằng phải kiên quyết không được đụng đến đất lúa, “đất bờ xôi, ruộng mật” để làm KCN. “Chúng ta giao đất nào, chỉ ở đâu thì nhà đầu tư phải làm ở đấy, chứ không thể làm theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tỉnh Hà Nam ngày xưa đất trồng lúa rất tốt, 3-4 năm nay, dọc hai bên quốc lộ người ta đổ đầy đất rồi bỏ trống, mọc lên lèo tèo vài cái nhà rất lãng phí. Cứ đà quy hoạch không nghiêm, sử dụng tùy tiện như thế này thì không thể giữ được đất lúa”, ông Lý nói.
Một số chỉ tiêu quy hoạch đất đến 2020 (so với 2010): - Đất trồng lúa: 3,812 triệu ha, giảm 308 nghìn ha. - Đất ở tại đô thị: 202 nghìn ha, chiếm 4,14% tổng diện tích, tăng 68 nghìn ha. - Đất KCN: 200 nghìn ha, chiếm 4,1% tổng diện tích, tăng 128 nghìn ha. - Đất phát triển hạ tầng: 1,578 triệu ha, tăng 397 nghìn ha. |
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UBTVQH đồng ý với chỉ tiêu giữ lại đất lúa khoảng 3,8 triệu ha, nhưng yêu cầu Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để giữ cho bằng được.
Xử phạt vi phạm còn nhẹ tay
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về tình hình chấp hành chính sách môi trường tại các làng nghề, khu kinh tế (KKT).
Qua kiểm tra 54 làng nghề, 15 KKT ven biển, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đánh giá hầu hết các KKT đều “coi nhẹ” đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải. “Xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các KKT rất chậm. Với tốc độ phát triển các KKT, trong tương lai nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu”, Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo UBTVQH.
Một thực tế đáng buồn là tiêu chuẩn khí thải, chất thải tại nhiều KKT đã vượt tiêu chuẩn cho phép, ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn khu nào cũng có… nhưng số vụ xử phạt rất ít và nhẹ tay. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, năm 2010 trong hàng trăm cơ sở được kiểm tra tại các KKT, cơ quan chức năng chỉ xử phạt 33 cơ sở với tổng số tiền 513 triệu đồng, năm 2009 phạt 192 triệu đồng đối với 24 cơ sở. Quảng Ninh là địa phương “đi đầu” về ô nhiễm, khi năm 2009 có 18 cơ sở bị xử phạt trên 142 triệu đồng, năm 2010 tiếp tục có 18 cơ sở bị xử phạt hơn 493 triệu đồng.
Đua nhau lấy đất mở KCN Đánh giá về hiệu quả sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết quy hoạch và phát triển các KCN dàn trải, quy định tỷ lệ lấp đầy KCN 60% mới được mở KCN mới nhưng nhiều địa phương tỷ lệ thấp vẫn đề nghị mở thêm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng trong 10 năm qua đất dành cho KCN tăng quá nhanh. Hiện cả nước có 267 KCN, theo quy hoạch đến 2020 sẽ có 547 khu với tổng diện tích 200.000 ha. “Tốc độ phát triển nhanh các KCN đã để lại nhiều tồn tại, bất cập, đầu tư dàn trải. Cần phải thực hiện nghiêm quy định, có tỷ lệ lấp đầy 60% mới cho mở KCN mới”, ông Giàu nói. |
Anh Vũ
Bình luận (0)