Thanh Niên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Toán - Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản của Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ (gọi tắt là trung tâm) về nghi vấn trên.
Căn cứ vào những khối đá vuông vức tìm thấy ở An Tôn, trung tâm cho rằng đây chính là công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học lại cho rằng, với cấu tạo trầm tích xếp ngang từng lớp ở đây, lại thêm việc An Tôn từng là công trường khai thác đá suốt các giai đoạn 1964-1967, 1980-1990, 1995-2003… những khối đá lớn vuông vức có thể là của chính những công trường hiện đại. Ông nói thế nào về lập luận này?
Việc tìm thấy đá xây thành nhà Hồ tại núi An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thoạt tiên chính là do việc làm đường. Khi ấy, máy xúc đào đường đã làm xuất lộ những phiến đá rất lớn tương đương với những phiến đá thành nhà Hồ. Dùng từ tương đương cũng chưa đủ, thực ra nó gần như không có sự khác biệt. Điểm đặc biệt là chúng có dấu vết chế tác rất rõ ràng - những vết đục đẽo tạo thành các đường song song. Dấu vết này khác biệt hẳn với mặt phẳng tuyệt đối do cắt, mài, hoặc vết nổ mìn của việc khai thác hiện đại.
Mở rộng tìm kiếm trên sườn núi, chúng tôi đã phát hiện 24 khối đá giống đá xây thành nhà Hồ tại đây. Có khối nổi hẳn lên, có khối chỉ nổi một phần, song đều tương đương với đá thành nhà Hồ về cả kích thước và kỹ thuật. Nếu đó là công trường hiện đại, không có lý gì những viên đá với kích thước lớn như thế lại bị bỏ lại. Nhưng với những lỗi sứt cạnh, sứt góc của những viên đá vừa tìm thấy, chúng rất thích hợp với giả thiết là đá có lỗi nên bị bỏ lại.
|
|
Chúng tôi cũng đã mời Viện trưởng Viện Khảo cổ PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia GS Lưu Trần Tiêu trực tiếp khảo sát công trường đá. Họ cũng bước đầu khẳng định đây là khu vực khai thác, chế tác đá để xây dựng thành nhà Hồ. Vì thế, hai GS đề nghị có khai quật khảo cổ ở khu vực này để khẳng định, phát hiện thêm đặc điểm, tính nguyên gốc hơn. Bộ VH-TT-DL đã thống nhất chủ trương, ký quyết định. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thêm được các công cụ thủ công khi khai quật mở rộng cuối năm nay.
Có giả thiết cho rằng chính núi Rú Thần (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - cách thành 3,5 km về phía nam) mới chính là công trường khai thác đá. Các ông đã tính đến việc khảo sát khu vực này chưa?
Sau khi đọc ý kiến này trên báo chí, trung tâm đã cho cán bộ đến Rú Thần khảo sát. Qua một tuần khảo sát, chúng tôi cũng phát hiện những khối đá. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy các dấu vết chế tác thủ công như các đường bóc tách song song trên khối đá. Thêm vào đó, các viên đá ở đây không vuông thành sắc cạnh, thể hiện rõ mục đích sử dụng như ở công trường An Tôn.
Cách đây mười năm, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã khảo sát thành nhà Hồ và các vùng phụ cận. Họ đưa ra giả thiết gì về địa điểm có thể là công trường khai thác đá?
Từ 2004, các chuyên gia của Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã có ý định tìm công trường khai thác đá cho thành nhà Hồ. Họ đã khai quật trong thành nội và khảo sát các vùng phụ cận. Trong các khảo sát đó, họ đã lấy mẫu đá của các vùng ở Thanh để so sánh với đá xây thành nhà Hồ. Do chưa tìm thấy các dấu vết khảo cổ về công trường nên các chuyên gia chưa đưa ra được khẳng định chính xác. Tuy nhiên, họ đưa ra giả thuyết có tới 4 điểm có thể là công trường đá. Thứ nhất là núi Nhồi, cách di sản khoảng 40 km. Thứ hai là địa điểm Rú Thần vừa nêu. Thứ ba, núi An Tôn chính là khu vực chúng tôi đã phát hiện công trường đá. Thứ tư là núi Bông, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) cách di sản khoảng 20 km. Có điều, chúng ta vẫn phải chờ khai quật khảo cổ để khẳng định thêm.
Ngô An
(thực hiện)
Bình luận