>> Kỳ 3: Ngôi sao lận đận Thúy An
Sinh ở hải ngoại, thành danh tại quê nhà
Ông bắt đầu câu chuyện: “Tôi gốc Hà Nội nhưng sinh ra tận Vientiane (Lào), lớn lên ở Bangkok (Thái Lan). Năm 1954, theo gia đình về VN. Năm 1963, tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Tôi tâm niệm nếu đã theo nghề phải đi đến tận cùng của sự đam mê. Bởi thế mà giờ đây, ở tuổi 70 tôi vẫn nguyên sơ một tình yêu điện ảnh, cứ như người tình chung thủy suốt đời. Điện ảnh là người đàn bà đẹp khiến tôi phải mắc nợ”.
|
Thời gian đóng Ván bài lật ngửa và nhiều phim khác trong giai đoạn từ 1975 đến 1985, theo Trần Quang, là sự hy sinh rất lớn của nghệ sĩ. “Cuộc sống lúc đó quá kham khổ. Tất cả đến với trường quay, được nung nấu bằng tình yêu và niềm đam mê nghề nghiệp đến nỗi quên đi cả chuyện áo cơm. Mỗi lần đóng phim là mỗi lần xa gia đình, phải thức khuya dậy sớm. Có ngày làm việc đến 18 tiếng là chuyện bình thường”.
Kỷ niệm ông nhớ mãi với người bạn “già” Lê Cung Bắc là lần đóng Con thú tật nguyền. Cả hai tưởng đâu đã về nơi chín suối. Cảnh quay trực thăng thả thang dây xuống một cánh rừng để Trần Quang và Lê Cung Bắc leo lên. Bất ngờ khi đang diễn thì thang dây bị đứt, xoắn lại, quăng đập cả hai vào những ngọn cây rừng. Phía dưới, mọi người nắm lấy sợi thang, bên trên hai thiếu tá phi công cố hết sức giữ trực thăng đứng yên bất động và hạ độ cao chỉ còn vài mét - điều rất khó trong kỹ năng lái giữa lúc gió mạnh.
Ở tuổi 70, tôi vẫn nguyên sơ một tình yêu điện ảnh, cứ như người tình chung thủy suốt đời. Điện ảnh là người đàn bà đẹp khiến tôi phải mắc nợ
|
|
Nghệ sĩ Trần Quang |
“Tôi nhảy xuống được, kéo Lê Cung Bắc khỏi thang dây mới biết anh đã ngất xỉu. Sau này, hai thiếu tá phi công tiết lộ chỉ chậm 5 hay 7 giây thôi, các anh buộc phải điều khiển trực thăng bay lên cao để không rớt đột ngột, chắc chắn tính mạng tôi và Lê Cung Bắc cực kỳ nguy hiểm”, Trần Quang kể lại quãng đời đầy oanh liệt của mình.
Đánh đổi hạnh phúc riêng lấy nghệ thuật
Nhiều lần kết hôn, con đàn cháu đống những tưởng Trần Quang sẽ yên bình từ khi sang Mỹ năm 1992. Ra đi, Trần Quang ôm ấp nhiều hoài bão, học hỏi nghệ thuật thứ bảy. Nhưng rồi thực tế cuộc sống nơi xứ người không đơn giản như ông nghĩ. Lăn lộn mưu sinh, ông càng thấm thía nỗi buồn viễn xứ.
Từ năm 2007 đến nay, Trần Quang đi về VN - Mỹ liên tục để rồi ông quyết định ở lại hẳn quê nhà từ đầu năm 2011. Cái giá cho quyết định này là cuộc chia tay vợ. “Tôi ly dị vì muốn chọn cho mình sự tự do để có thể tiếp tục làm nghệ thuật dù ở tuổi này chẳng dễ dàng gì. Mong muốn cuối đời là về đây truyền hết kinh nghiệm diễn xuất lại cho lớp trẻ, làm vài phim để thỏa chí tang bồng. Tạo nên tên tuổi đã khó, giữ được càng khó hơn. Chỉ cần đóng một phim không hay thôi là mất tất cả”.Chia tay tôi, Trần Quang chậm rãi bước trên con phố dài giữa Sài Gòn tấp nập người xe. Máu giang hồ lãng tử mãi chảy trong huyết quản. Ông cho biết đang thuê một căn phòng nhỏ, sống một mình để con cháu khỏi lo bởi thường bị than phiền: sao ông cứ mãi đi sớm về khuya, sống lang bạt như thế mất sức khỏe lắm! Trần Quang đang chờ đợi một cơ hội để tiếp tục dấn thân vào điện ảnh như hơn 40 năm trước ông đã từng. Sống giữa lòng quê hương với ông thật ấm áp. Rảnh rỗi, gọi bạn bè đi nhậu, đưa cháu đi xem phim, với ông như thế là mãn nguyện. Danh lợi giờ đây chỉ là phù du.
Clark Gable của Việt Nam Trần Quang không phải là diễn viên xa lạ với khán giả Sài Gòn trước năm 1975. Bước chân vào điện ảnh từ năm 1968, ông từng đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất qua vai Hoàng guitar trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang (1971) do Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Trần Quang được báo giới Sài Gòn cũ đặt cho biệt danh “Clark Gable Việt Nam” nhờ hàm râu đẹp và hôn quá điệu nghệ trên phim. Ông còn đoạt giải Ảnh đế do độc giả Tạp chí Trắng Đen bình chọn năm 1972, 1973 và 1974 (Ảnh hậu là Thẩm Thúy Hằng). Sau ngày hòa bình, Trần Quang tiếp tục khẳng định vị trí “kép độc” qua các phim: Cô Nhíp (1975), Tội lỗi cuối cùng (1978), Cầu Rạch Chiếc (1980), Ván bài lật ngửa (1982), Con thú tật nguyền (1985), Vết thù năm tháng (1991)... |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)