Trên website chính thức Nobelprize.org, Hội đồng Nobel thuộc Viện Hàn lâm Karolinska của Thụy Điển ngày 3.10 tuyên bố chủ nhân của giải Nobel Y học năm nay là các nhà khoa học Bruce Beutler của Mỹ, Jules Hoffmann (Luxembourg) và Ralph Steinman, người Canada đang sống tại Mỹ. “Những người đoạt giải năm nay đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về hệ miễn dịch với những phát hiện then chốt về cơ chế hoạt động của nó. Công trình của họ mở ra những đường hướng mới trong việc phát triển sự phòng ngừa cùng liệu pháp trị các bệnh truyền nhiễm, ung thư và viêm”, thông cáo của Hội đồng Nobel viết.
Ông Beutler, 54 tuổi, và ông Hoffmann, 70 tuổi, sẽ chia phân nửa giải thưởng trị giá 10 triệu kroner (1,5 triệu USD) và phần còn lại thuộc về ông Steinman. Theo thông cáo, hai nhà khoa học Beutler và Hoffmann được tôn vinh vì “những phát hiện liên quan đến việc kích hoạt hệ miễn dịch bẩm sinh” hồi thập niên 1990 còn ông Steinman, 68 tuổi, vào năm 1973 đã khám phá tế bào tua và vai trò của nó đối với miễn dịch thích ứng.
Hai ông Beutler và Hoffmann phát hiện các protein thụ thể với khả năng nhận biết vi sinh vật lạ xâm nhập cơ thể và kích hoạt tuyến phòng thủ đầu tiên. Ông Steinman thì phát hiện các tế bào tua trong hệ miễn dịch. Những tế bào này có chức năng lưu lại thông tin về những “kẻ tấn công” để cơ thể có cách ứng phó nhanh và hiệu quả hơn nếu gặp lại. Hội đồng Nobel nhận định những phát hiện nói trên mở đường phát triển những phương pháp mới điều trị và ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm các loại vắc-xin hiệu quả cao hơn.
Xôn xao Hòa bình, Văn chương
Theo thông lệ, giải Y học đã mở màn mùa giải Nobel năm nay. Giải Vật lý sẽ được công bố vào ngày 4.10 và tiếp theo sẽ lần lượt là Hóa học, Văn chương, Hòa bình và cuối cùng sẽ là Kinh tế.
Trong số này, có lẽ giải Nobel Hòa bình được chú ý và thường gây tranh cãi nhiều nhất. Năm 2009, nhiều ngỡ ngàng khi Tổng thống Mỹ Barack Obama được xướng tên dù ông khi đó bắt đầu nhiệm kỳ chưa lâu. Đến năm ngoái, Trung Quốc phản ứng quyết liệt về quyết định trao giải cho nhà văn đang thụ án tù Lưu Hiểu Ba. Reuters ngày 29.9 dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland nhận định giải Nobel Hòa bình năm nay cũng sẽ “rất quan trọng và thú vị”.
Ủy ban này cho biết có đến 241 ứng viên, một con số kỷ lục do tình hình thế giới vừa qua có nhiều sự kiện nổi bật. Tuy danh sách được giữ tuyệt mật, những người theo dõi giải Nobel dự đoán giải năm nay có thể về tay các nhà hoạt động tham gia vào đợt nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông. “Tôi chắc ủy ban sẽ làm việc cật lực để tìm ra người xứng đáng liên quan đến chuyện ở Bắc Phi và Trung Đông”, AP dẫn lời ông Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình ở Oslo phát biểu.
Giới quan sát đang chú ý đến một trong những gương mặt là blogger Tunisia Lina ben Mhenni, người tường thuật rất sống động và liên tục cập nhật những biến động của nước mình trên internet. Một ứng viên khác là Israa Abdel Fattah của Ai Cập và “Phong trào 6 tháng 4” mà cô cùng sáng lập với Ahmed Maher năm 2008. Ông Harpviken nói rằng phong trào này “đã đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì phương hướng và tính chất không bạo lực của cuộc nổi dậy ở Ai Cập”.
Được chú ý không kém là nhà sáng lập Julian Assange của website WikiLeaks với “quả bom” hàng trăm ngàn thư tín ngoại giao mật của Mỹ, gây chấn động thế giới vừa qua. Những cái tên nổi bật khác là Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai, cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl...
Một giải Nobel không kém “ầm ĩ” khác là giải Văn chương. Giới quan sát cho rằng tình hình Trung Đông có thể tác động đến quyết định của Hội đồng Nobel, trong đó nhà thơ Adonis người Syria là ứng viên sáng giá. Vào tháng 6, Adonis, tên thật là Ali Ahmed Said và sống ở Pháp, đã gửi một lá thư ngỏ đến Tổng thống Bashar al-Assad để thúc giục ông ngừng trấn áp biểu tình. Các ứng viên khác bao gồm Ngugi wa Thiong’o (Kenya), Nuruddin Farah (Somalia), Peter Nadas (Hungary), nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc), và “người quen” Haruki Murakami (Nhật Bản)...
Chuyên gia Steinman đã qua đời Đến tối qua (theo giờ VN), Đại học Rockefeller cho biết ông Steinman đã qua đời vì ung thư tuyến tụy vào ngày 30.9. AFP dẫn thông báo của trường này cho biết ông Steinman được chẩn đoán mắc bệnh cách đây 4 năm, nhưng có thể kéo dài sự sống bằng liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào tua do chính ông thiết kế. Chủ tịch Hội đồng Nobel Goeran Hansson cho biết vẫn không thay đổi quyết định trao giải cho ông Steinman. Theo ông Hansson, hội đồng cũng chỉ mới biết tin buồn về chuyên gia người Canada sau khi công bố giải. |
Trùng Quang
Bình luận (0)