Đó là Trần Xuân Hòa - gương mặt đoạt giải thưởng Lương Định Của 2011.
Kinh doanh cây cảnh là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, hiểu biết và đặc biệt là nguồn vốn. Từ nhỏ, khi thấy ba mình uốn cây thì anh đã rất hứng thú theo dõi. Đi chơi hay đi học bắt gặp những cây hoang ở ven đường có hình dáng hay hay, anh lại mang về chăm bón. Rồi một ngày, với số tiền khởi nghiệp gần 3 triệu đồng, anh bắt đầu đến với thú chơi cây cảnh. “Lúc đó, tiền ít nên chỉ dám mua cây khoảng vài trăm ngàn. Ban đầu cứ nghĩ là chơi cây cảnh cho vui, sau thấy một số người đến và hỏi mua lại, thấy bán có lời nên đầu tư dần dần”, anh Hòa cho biết.
Tuy tốt nghiệp trung cấp điện, nhưng nhận thấy thị trường cây cảnh đang “nóng”, cùng với vốn hiểu biết của mình, anh rẽ sang ngả khác với việc kinh doanh cây cảnh sau khi đã bôn ba qua nhiều nghề như bốc vác, thợ nề... Năm 2003, với lợi thế đất vườn nhà, anh quyết định phát triển vườn cây cảnh trong nhà trở thành một mô hình kinh tế mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Ban đầu, anh đầu tư chủ yếu vào cây mai. Nhưng mấy năm trước, do ở Huế thường xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên không riêng gì anh mà những chủ mai lớn ở Huế cũng điêu đứng. Không chịu thua cuộc, anh Hòa quyết định đầu tư vào nhiều loại cây khác để lấy “cây này bù lỗ cây kia”. Hằng ngày, bằng chiếc xe máy cũ, anh đi khắp những vùng quê của Thừa Thiên - Huế để tìm mua cây, chủ yếu là sanh, lộc vừng, mai… Anh Hòa cho biết: “Tìm được cây đẹp không đơn giản. Mua được nó càng khó hơn. Nhưng đã thích nó rồi mà không mua được là buồn lắm. Thậm chí, về nhà không ngủ được”.
Để có một cây có giá trị thẩm mỹ là cả một nghệ thuật. Mình phải tẩn mẩn tỉ mỉ từng chút. Trời nóng hay lạnh đều sợ nó... cảm. Nó như là đứa con của mình vậy
|
|
Trần Xuân Hòa |
Cây mua về được chăm bón, tạo dáng ít nhất phải vài năm. “Để có một cây có giá trị thẩm mỹ là cả một nghệ thuật. Mình phải tẩn mẩn tỉ mỉ từng chút. Trời nóng hay lạnh đều sợ nó… cảm. Nó như là đứa con của mình vậy”, anh Hòa tâm sự. Hiện anh đang sở hữu vườn cây cảnh diện tích 1.400m2 với tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng.
Với đồng vốn ban đầu ít ỏi, những loại cây kiểng như lộc vừng, sanh, bồ đề... không thể một sớm một chiều mà cho giá trị cao, phải đầu tư công sức vào “sửa sang”, cắt tỉa, uốn lượn trong một thời gian dài. “Cái khó ló cái khôn”, anh quyết định mở xưởng đúc chậu, vừa phục vụ cho việc trồng cây của mình vừa cung ứng ra thị trường để quay vòng vốn. Hiện tại xưởng của anh Hòa giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm trừ tất cả các chi phí anh thu được gần 200 triệu đồng.
Hầu như mọi thứ anh đều tự học, từ kỹ thuật chăm bón, tạo dáng đến kỹ thuật đúc chậu... Sinh ra trong một gia đình nghèo với chín anh em, cộng với quãng thời gian lang bạt đi làm thuê kiếm sống nên hầu như ở người thanh niên này đã “dư thừa” tinh thần tự lập và ý chí vươn lên.
Minh Phương - Tuyết Khoa
Bình luận (0)