Chỉ trong buổi khám hôm qua, bác sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Khám bệnh (bệnh viện Lão Khoa, Hà Nội) đã khám cho 50 người cao tuổi. Con số này tăng hơn 10 người so với tuần trước khi thời tiết chưa trở lạnh.
Bác sĩ Long cho biết, mùa rét lượng bệnh nhân cao huyết áp gặp các tai biến nhập viện sẽ tăng lên. Đặc biệt là tai biến mạch máu não.
Bác sĩ Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Lão Khoa) cho hay, thời tiết không phải là căn nguyên gây các biến chứng ở người bệnh cao huyết áp, nhưng là yếu tố khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng và các biến chứng xuất hiện. Các bệnh nhân phình tắc động mạch chủ sẽ có biểu hiện cây động mạch chủ bị xé, nếu vết xé lớn bệnh nhân có thể tử vong, trường hợp nhẹ hơn có thể đột quỵ hoặc hôn mê.
Do đó trong những ngày trời rét bác sĩ khuyến cáo người bệnh cao huyết áp cần giữ ấm cơ thể. Ngoài mặc đủ ấm, người bệnh cần được bổ sung nhiệt bằng các biện pháp như sưởi ấm, cung cấp đủ dinh dưỡng. Người bệnh cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn và đo huyết áp thường xuyên.
Bác sĩ Long khuyên người cao tuổi không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ trong nhà, cần cảnh giác bị tai biến khi đang ở trong phòng ấm, mở cửa và bị gió lùa, hoặc bị tai biến sau khi ra khỏi chăn đột ngột.
Vào thời điểm này, khí hậu đang giai đoạn chuyển mùa, độ ẩm cao, nhiệt độ không khí luôn thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ngoài ra, cũng nhiều người cao tuổi bị các bệnh viêm đường hô hấp. Phần lớn các bệnh nhân này bị viêm họng, một số trường hợp bị viêm phổi.
Thời tiết rét cũng khiến nhiều bệnh nhân cao tuổi bị các bệnh về xương khớp. Vào mùa lạnh, các mạch máu trở nên kém tuần hoàn máu. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gập duỗi cẳng chân, bước lên cầu thang…
Người bệnh ít khi sốt, trong các trường hợp này, nên vận động chân từ từ, sau một vài động tác sẽ giảm đau cho khớp. Có thể dùng một số loại rượu thuốc để xoa bóp nhằm làm tăng lượng máu lưu thông tại chỗ. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
|
Trẻ em mắc các bệnh viêm đường hô hấp
Trời mưa lạnh khiến khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) có đông bệnh nhân đến khám hơn bình thường. Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó khoa khám bệnh cho biết, phần lớn bệnh nhi đến khám bị bệnh viêm đường hô hấp, sốt.
Viêm đường hô hấp trên gồm viêm họng, hầu mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang. Tuy là bệnh không gây nguy hiểm tức thời nhưng đôi khi hậu quả của nó gây phiền phức cho người bệnh. Vi khuẩn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng huyết, màng não. Bệnh được chia thành hai dạng mãn tính và cấp tính.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến, có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần trong năm (3-5 lần) do đó gây ảnh hưởng sức khoẻ và tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Hiền cho biết, phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là do virus. Trên thực tế, các bệnh do virus gây ra không cần dùng đến thuốc kháng sinh điều trị. Dùng thuốc kháng sinh có hại cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em. Việc điều trị kháng sinh kéo dài (từ một tuần đến 10 ngày) vừa tốn kém lại dễ gây ra sự kháng thuốc.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, nhịp thở nhanh, co rút lõm lồng ngực... là viêm phổi nặng. Nếu trẻ có 1 trong các dấu hiệu nguy hiểm như không uống được, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít khi nằm im, suy dinh dưỡng nặng là biểu hiện của viêm phổi rất nặng cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay để điều trị cấp cứu và chăm sóc đặc biệt.
Cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp là đảm bảo chế độ dinh dưỡng: cho trẻ bú sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý các thực phẩm giàu dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi. Giữ ấm cho trẻ nhất là mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi. Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá, than bụi trong nhà, tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Đặc biệt khi trẻ bị bệnh cần phát hiện sớm và chăm sóc tốt.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)