Chè lô hội

08/10/2011 16:02 GMT+7

Lô hội (nha đam) là thực vật mọc bụi như xương rồng, lá tựa hình lưỡi dao thép, mọc nhiều ở vùng khí hậu ấm, khô, có tên khoa học là Aloe vera L.var chinensis (Haw) Berger, thuộc họ hành tỏi. Trong dân gian, lô hội còn có nhiều tên gọi khác nhau như du thông, tượng tỵ thảo, la vi hoa, long miệt thảo, lưỡi hổ... Một số sách cổ như Khai bảo gọi nó là lô hội hay nô hội, quỷ đan. Người Huế lại gọi là long tu.

Từ thời văn minh cổ, con người đã biết dùng lô hội làm thuốc và thức ăn uống. Do loại cây này nhiều tính năng chữa trị nên cả thế giới đều biết đến. Người Huế đã trồng cây lô hội trong vườn như một loại cây cảnh. Lúc cần thiết lại dùng như một vị thuốc. Bài viết này ghi lại cách thức nấu món chè lô hội mà dân gian bao đời đã ăn để giải nhiệt, nhuận tràng, tiêu hóa, chữa đái tháo đường...

 
Ảnh: Như Huy 

Để có 10 chén chè, ta cần: 20 bẹ lô hội, 300g đường cát trắng, 1 ống vani. Gọt bỏ vỏ xanh, lấy phần nhân trắng trong, ngâm nước muối loãng một lúc để hết chất nhựa từ lá. Cắt lát mỏng, thả vào nước sôi, thêm đường. Nấu sôi nhẹ vài phút cho thấm vị nhưng vẫn giữ độ dòn. Cho vani vào lúc chè chín. Múc ra chén, ướp lạnh trước khi dọn ăn.

Là thức ăn vị thuốc nên việc ăn chè lô hội cần có hướng dẫn của thầy thuốc. Dùng quá liều lượng quy định có thể gây hại cho sức khỏe.

Hoàng Thị Như Huy
(Nghệ nhân Dân gian Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.