Kỹ thuật của môn trượt ván phức tạp và đòi hỏi sự sáng tạo nên nhiều người xem nó như nghệ thuật của các nghệ sĩ đường phố. Ván trượt thường có dạng hình ê-líp và các họa tiết, màu sắc trên ván thể hiện cá tính và phong cách của chủ nhân.
Trượt ván đã lôi cuốn người chơi và người xem bởi những cảm giác thật đặc biệt. Đinh Thanh Tùng - sinh viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM được mệnh danh là một tay chơi “ván” có tiếng cho biết: “Trượt ván đem lại cho người chơi cảm giác phóng khoáng, mạo hiểm, tự khẳng định mình. Người chơi cảm nhận trong đó sự khéo léo về kỹ thuật, sức mạnh trong từng bước nhảy”.
|
Thấy tôi lóng ngóng với cái ván, Tùng phì cười: “Nhìn thì dễ nhưng đi được rất khó”. Anh chàng này giải thích một vài chiêu căn bản. Động tác căn bản nhất của môn nghệ thuật này là bay trên ván (còn có tên là Ollie). Chỉ riêng việc “bay” này đã có 4 kiểu, như Ollie Fakie thì chân thuận trên ván, chân không thuận đặt phía sau hay kiểu đi lùi thì chân không thuận làm trụ… Để đi được phần căn bản phải mất 2 tháng và còn tùy vào năng khiếu của người chơi. Cấp độ cao hơn là chiêu nhảy qua các chướng ngại vật và bạn phải mất thêm từ 2 - 3 tháng. Đặc biệt, động tác vừa lướt vừa bay lên lề, bay lên lan can, nhảy xuống đường, chuyển đường, quay đầu… phải tập thêm 4 tháng sau khi hoàn tất các động tác căn bản. Môn thể thao này đòi hỏi người chơi phải chăm chỉ tập luyện, như vậy mới chơi được nhiều kiểu, nhiều động tác đẹp, thậm chí sáng tạo những động tác mới.
Còn Dương Hoàng Anh - học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình đã mê môn này khi xem các đoạn clip trên YouTube. Dành dụm tiền mãi, Hoàng Anh mới mua được một chiếc ván xịn và tập luyện cùng các bạn tại Công viên Lê Thị Riêng. Lúc mới chơi, Hoàng Anh không thể làm cho ván dính vào chân hay làm thế nào để quay người. Sau đó nhờ được các bạn hướng dẫn cho vài chiêu rồi tập tành nên mê luôn đến giờ. “Lúc mới tập mình bị đau bắp chuối, xây xát ống quyển vì bị ván đập trúng, nhưng nhờ chơi nó mà mình trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn. Đặc biệt, môn chơi này còn giúp mình rèn luyện thể lực tốt, chân và tay linh hoạt hơn”.
Để chơi môn này, người chơi phải tự trang bị ván và giày thể thao đế bằng. Ván bình thường có giá khoảng 1,5 triệu đồng/cái, còn loại tốt hơn thì giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.
Tuyết Vân
Bình luận (0)