"Hãy đi đến cùng với đam mê"

11/10/2011 09:55 GMT+7

(TNO) Đó là lời khuyên mà anh Phan Văn Mãi, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn dành cho những bạn trẻ đam mê khám phá sáng tạo khoa học tại buổi giao lưu trực tuyến "Khơi nguồn sáng tạo" diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 11.10.

aaa

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ festival "Tuổi trẻ sáng tạo, Bảo vệ môi trường" toàn quốc (diễn ra trong hai ngày 10 và 11.10 tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do T.Ư Đoàn tổ chức nhằm tuyên dương những cá nhân đã có những phát minh, sáng tạo, đề tài xuất sắc. 68 đề tài, giải pháp, sản phẩm sẽ được vinh danh nhưng quan trọng hơn đó là nơi hội ngộ của tình yêu khoa học, đam mê sáng tạo và dấn thân vì cộng đồng của khoảng 100 bạn thanh niên. Buổi giao lưu là cơ hội để chính những nhà sáng tạo trẻ giải đáp những thắc mắc, tìm kiếm những cơ hội từ Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, các doanh nghiệp... để các phát minh sáng tạo của mình có thể được triển khai, ứng dụng vào thực tế.

Đến dự chương trình giao lưu có: Anh Phan Văn Mãi, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn; Chị Vũ Thị Giáng Hương, Phó trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn; Ông Lê Đăng Thọ, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC); Bà Lê Thị Vỹ Phượng, Trưởng Ban biên tập Website: Sanytuong.vn, Phụ trách Trung tâm sách ý tưởng Việt Nam...

Khuyến khích đề tài gắn với giải quyết những vấn đề thực tiễn

Ngay trước thềm cuộc giao lưu trực tuyến, Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn nhanh với anh Phan Văn Mãi, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

 * Thưa anh, để các dự án sáng tạo trẻ có điều kiện ứng dụng và đi vào đời sống thì bản thân tổ chức Đoàn mà trước hết là T.Ư Đoàn cần có những chính sách gì?

- Anh Phan Văn Mãi: Theo tôi trước hết là các cấp bộ Đoàn phải tiếp
tục khuyến khích động viên các bạn trẻ tham gia phong trào. Theo đó các cấp bộ Đoàn cần khuyến khích các bạn trẻ có đề tài, dự án sáng tạo trẻ gắn và giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh... Có như vậy thì đề tài mới có tính thiết thực cao.

Về phía T.Ư Đoàn, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn vận động nguồn lực để làm sao các đề tài được đi vào thực tế.

* Thưa anh để có nguồn kinh phí giúp các bạn trẻ thực hiện những dự án của mình theo anh chúng ta có nên thành lập Quỹ  sáng tạo trẻ hay không?

- Anh Phan Văn Mãi: Việc có nên thành lập một quỹ để hỗ trợ sáng tạo trẻ hay không là vấn đề đã được chúng tôi đặt ra, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của các dự án sáng tạo trẻ đối với sự phát triển đơn vị, doanh nghiệp của mình, qua đó có cơ chế tài chính đưa các dự án này từ nghiên cứu đến ứng dụng, từ đề tài đến công xưởng, mang lại hiệu quả kinh tế và các giá trị thiết thực cho đời sống.

Bên cạnh đó, sắp tới T.Ư Đoàn sẽ tổ chức sàn giao dịch ý tưởng sáng tạo để các bạn trẻ tìm hiểu tham khảo và các doanh nghiệp, tổ chức thông qua đó có thể tiếp cận, đặt hàng cho các bạn trẻ.

Phong trào sáng tạo trẻ được T.Ư Đoàn phát động từ năm 2004, và tính đến thời điểm hiện nay, hiệu quả của phong trào, ngoài việc khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong các bạn trẻ, hiện nay con số lợi ích mang lại mà có thể đo đếm được đó là hàng trăm đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế gần 700 tỉ đồng.

Bùi Ngọc Long - Gia Tân
(thực hiện)

 

Mở đầu buổi giao lưu, anh Phan Văn Mãi, Bí thư T.Ư Đoàn đánh giá phong trào sáng tạo trẻ do Ban bí thư T.Ư Đoàn phát động và triển khai suốt 7 năm qua đã lan rộng và có chiều sâu, thu hút được đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia. Ngoài ra, hàm lượng khoa học của phong trào cũng được đầu tư công phu hơn, tăng dần qua từng năm. Tính thực tiễn, áp dụng vào thực tế của đề tài ngày một cao hơn.

"Ngoài số lượng, đề tài, sáng kiến thì giá trị kinh tế của các đề tài mang lại mỗi lúc nhiều hơn, được nhiều doanh nghiệp triển khai, áp dụng mỗi lúc một nhiều. Giá trị cộng dồn của các đề tài hiện nay gần 700 tỉ đồng. Phong trào đang góp phần mạnh mẽ vào công cuộc hiện đại hóa đất nước", anh Mãi nhấn mạnh.


Anh Phan Văn Mãi (đứng) đến tham dự và giao lưu với các bạn trẻ - Ảnh Gia Tân

Một bạn đọc đưa ra câu hỏi cho ông Lê Đăng Thọ, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC): "Việc áp dụng các sáng kiến vào thực tế hiện nay thế nào và sức sáng tạo của các bạn trẻ hiện tại ra sao?".

"Sau 7 lần VIFOTEC tổ chức thành công các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc, chúng tôi nhận thấy sức sáng tạo của thanh thiếu nhi của chúng ta vô cùng phong phú và rất lớn. Mỗi năm chúng tôi tổ chức một lần, các ban tổ chức ở các tỉnh và thành phố nhận được hàng nghìn đề tài, mô hình, giải pháp các bạn trẻ gửi đến. Sau đó, ban tổ chức tìm ra mô hình, giải pháp hay để gửi thi cấp trung ương", ông Lê Đăng Thọ cho biết.

Theo ông Thọ, mỗi năm VIFOTEC nhận từ 400 - 500 đề tài của các em từ 16 - 19 tuổi ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, hải đảo luôn có nhiều đề tài hay, còn những tỉnh thành phố lớn thì có đề tài ít hơn. Các đề tài này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như phần mềm, dụng cụ học tập, đồ chơi, dụng cụ gia đình, giải pháp hoạt động môi trường... Ban giám khảo của cuộc thi đánh giá rất cao các đề tài sáng chế đó bởi các em đã chú trọng vào việc giải quyết những vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

Buổi giao lưu sôi nổi hơn khi một bạn đoàn viên đặt ra vấn đề là Ban tổ chức (BTC) giải thưởng dựa vào tiêu chí nào, chỉ trình ý tưởng đưa lên hay là có mô hình cụ thể hay không?

Anh Phan Văn Mãi cho biết, mỗi lần xét giải thì BTC thành lập hội đồng với các nhà khoa học và giáo sư để xét duyệt từng công trình, sản phẩm rõ ràng. Phong trào đã đi được 7 năm và đây là lần thứ 4 trao giải để vinh danh cho các bạn đoàn viên, thanh niên có công trình, phát minh, sản phẩm sáng tạo.

"Các bạn trẻ nhiều ý tưởng sáng tạo sẽ tiếp cận các thông tin hỗ trợ thực hiện việc áp dụng ý tưởng sáng chế vào thực tế như thế nào", một bạn đọc đặt câu hỏi.

Ông Lê Đăng Thọ khẳng định: Nhiều năm nay, Nhà nước đã dành một phần kinh phí tuy không nhiều nhưng cũng khá lớn cho hoạt động hỗ trợ sáng tạo, sáng chế nói chung. Từ năm 1981, Nhà nước đã ban hành Nghị định 31/CP về hoạt động sáng kiến, sáng chế, và nhờ đó hoạt động sáng kiến sáng chế tại các doanh nghiệp đã được phát triển và đẩy mạnh không ngừng. Ngày đó, các cơ sở sản xuất rất hăng hái phát huy những sáng kiến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội. Và tác giả của những sáng chế đó được trích phần trăm giá trị sáng chế mang lại để khen thưởng.

Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí lớn tổ chức các giải thưởng, cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ, dành cho cả với thiếu nhi, người lớn, công nhân, trí thức... Lãnh đạo Nhà nước cũng luôn động viên khuyến khích phong trào sáng kiến sáng chế.


Ông Lê Đăng Thọ (giữa) đang giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh Gia Tân 

Tại buổi giao lưu nhiều bạn đọc trực tuyến (thông qua Thanh Niên Online) cũng như tại hội trường rất quan tâm đến việc hỗ trợ của Quỹ VIFOTEC trong các hoạt động sáng tạo. Về vấn đề này ông Lê Đăng Thọ chia sẻ: Quỹ VIFOTEC được thành lập vào tháng 11.1992 với vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch danh dự; Giáo sư, viện sĩ Đặng Vũ Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là đồng chủ tịch hội đồng bảo trợ quỹ.

Hàng năm Quỹ VIFOTEC tổ chức rất nhiều sự kiện, giải thưởng sáng tạo liên quan đến vấn đề khoa học công nghệ tại Việt Nam. Sau gần 20 năm thành lập, Quỹ đã tổ chức thành công rất nhiều cuộc thi, hội thi sáng tạo trên toàn quốc.

Hàng năm Quỹ phối hợp với T.Ư Đoàn, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức giải thưởng dành cho các đề tài cấp Bộ, Ngành, Nhà nước có liên quan đến công nghệ khoa học kỹ thuật, có khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội, theo 6 lĩnh vực: Công nghệ Thông tin - Điện tử viễn thông; Cơ khí; Sinh học; Công nghệ vật liệu; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Bảo vệ môi trường.

"Song song đó, từ năm 1990 đến nay, cứ 2 năm/lần Quỹ tổ chức Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. Qua cuộc thi này, chúng tôi phát hiện tiềm năng sáng tạo của những khu vực vùng sâu vùng xa là rất lớn. Nếu chúng ta biết tận dụng những sáng tạo tiềm ẩn trên tất cả các vùng miền sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hộ", ông Thọ cho biết.

Bên cạnh đó, hàng năm Quỹ cũng tổ chức cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi nhi đồng toàn quốc (đến nay đã được 7 lần). Ngày 9.10 vừa qua, Quỹ đã tổ chức trao giải cho 76 đề tài cuộc thi tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cứ sau mỗi lần tổ chức, số lượng tham gia càng đông hơn (năm nay tăng 20% so với năm 2010). Qua đó thấy được sức sáng tạo của các em thanh thiếu niên là rất lớn.

"Đây là một mô hình chúng tôi học tập từ Nhật Bản. Những đề tại đoạt giải cao, được lựa chọn để tham gia các cuộc thi quốc tế. Quỹ cũng phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức Giải thưởng VIFOTEC dành cho SV nghiên cứu khoa học, thuộc các chuyên ngành: tin học, nông, lâm, ngư nghiệp...", ông Thọ khẳng định.


Trương Tấn Huệ, Tỉnh đoàn Quảng Bình đặt câu hỏi - Ảnh Gia Tân

* Xin cho hỏi nhóm tác giả nhà nổi ở ĐBSCL: khi các bạn bắt tay vào làm dự án này, các bạn mong muốn điều gì? Và các bạn đang hành động như thế nào để ý tưởng sáng tạo của mình được triển khai ứng dụng vào thực tế? (phuongantran@gmail.com)

Một bạn thay mặt nhóm sáng kiến nhà nổi ở ĐBSCL trăn trở rất nhiều về cuộc sống của người dân khi mùa lũ đến. Lũ mang về rất nhiều nguồn lợi nên bà con đa số đều không muốn di chuyển khỏi chỗ ở. Do vậy sáng kiến trên mong muốn giúp bà con không phải di chuyển ra khỏi chỗ ở mà vẫn đảm bảo tiện nghi sinh hoạt.

Hiện tại, đề án trên chỉ mới dừng lại ở mức ý tưởng, chưa bắt tay vào triển khai thực tế vì thiếu kinh phí. Vấn đề kinh phí là rào cản lớn nhất không chỉ riêng đề tài của nhóm mà còn với đa số với các đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện nhóm đang tích cực liên hệ với các tổ chức, ban ngành để có thể bắt tay trực tiếp vào nghiên cứu sâu hơn vào đề tài của mình.

Bạn đọc tiếp tục đặt câu hỏi cho nhóm tác giả nhà nổi ĐBSCL: Tôi từng đọc bài viết về mô hình nhà phao cho vùng lũ ở Quảng Bình của một bạn sinh viên Khoa kiến trúc ở Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Không biết mô hình nhà nổi của nhóm các bạn có giống với mô hình nhà nổi của bạn sinh viên trường ĐH Hồng Bàng không? Nếu đem ra so sánh, thì nhà nổi của các bạn có điểm gì ưu việt so với nhà nổi của sinh viên Hồng Bàng? (Dunghoang.gf@gmail.com)

Đại diện nhóm sáng kiến nhà nổi ở ĐBSCL cho biết: Với mô hình nhà phao cho vùng lũ ở Quảng Bình, thì nhóm cũng không nắm rõ cấu trúc nên không thể trả lời cụ thể được. Dự án của nhóm chủ yếu dựa vào xốp (nhựa EPS), có khả năng nổi rất cao. Khó khăn kinh phí của nhóm cũng được chương trình giao lưu ghi nhận.

Ông Lê Đăng Thọ cho rằng nếu như đề tài được áp dụng được sẽ rất tốt cho đa số bà con. Ông Thọ chia sẻ câu chuyện phát minh chiếc cặp phao nổi của một bạn tên Hiếu (Phủ Lý, Hà Nam) đã được Quỹ VIFOTEC trao giải. Sau đó, chủ nhân của phát minh trên đã tự lập công ty gia đình để tự sản xuất chiếc cặp phao đó. Phát minh trên sau đó đem dự thi ở Đài Loan (Trung Quốc) và đã đoạt giải đặc biệt. Do vậy, ông Thọ đề nghị các bạn trong nhóm sáng chế nhà nổi mạnh dạn hơn. 

Ông Thọ cho biết thêm Bộ Khoa học Công nghệ có một quỹ Khoa học công nghệ rất lớn nhằm hỗ trợ cho các đề tài ứng dụng. Các bạn có thể đăng ký đề xuất. 

Về đề tài Đèn bẫy côn trùng bạn Thúy Khanh hỏi: "Sản phẩm đèn bẫy côn trùng có đang áp dụng ở địa phương nào chưa? Do đâu bạn sáng tạo ra đề tài này và mất thời gian bao lâu để hoàn thành?".

Bạn Lê Bá Tư - người sáng chế ra đèn bẫy côn trùng trả lời: Sản phẩm được chế tạo sơ bộ từ tháng 3.2008, xuất phát từ nhu cầu của chính những nông dân trồng ngô tại Huế. Hiện sản phẩm đèn bẫy côn trùng đang được áp dụng tại 2 địa điểm: phường Xuân Phú (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) và xã Thành Hồ (tỉnh Bình Dương).

"Ban đầu khi tìm tòi ý tưởng, tôi đã vướng phải điều kiện thời tiết nhiều mưa phùn tại Huế. Khi đó, tôi đã nảy ra ý tưởng dùng ánh sáng đèn huỳnh quang để thu hút côn trùng. Giải pháp này đã thành công bất ngờ. Tuy nhiên, để thuyết phục bà con nông dân áp dụng kỹ thuật này, tôi đã phải tự áp dụng kỹ thuật này trên chính mảnh ruộng của mình", Lê Bá Tư tâm sự.


Đại biểu theo dõi buổi giao lưu trực tuyến trên iPad - Ảnh Gia Tân

Bạn Nguyễn Thanh Phong, Phó bí thư đoàn Liên doanh Việt Nga Vietsopetro đặt câu hỏi cho tác giả đề tài Đèn bẫy côn trùng: sản phẩm đã được doanh nghiệp nào đặt hàng để sản xuất hàng loạt nhằm cung ứng cho nông dân hay chưa?

Bạn Lê Bá Tư, tác giả của đề tài Đèn bẫy côn trùng cho biết: T.Ư Đoàn đã tạo điều kiện rất nhiều trong quá trình làm ra sản phẩm này. Khi làm ra sản phẩm, mình mong được nhiều người biết đến. Cũng có một số nông dân đặt hàng nhưng chúng tôi chưa có sản xuất hàng loạt được. Tính đến nay thì chưa có doanh nghiệp nào liên hệ với tôi để thương mại hóa sản phẩm này.

Bạn Nguyễn Thanh Phong cũng đề xuất ý kiến rằng T.Ư Đoàn nên làm cầu nối để các sáng tạo, ý tưởng sáng chế rất hữu ích đó có thể gặp được doanh nghiệp nhằm dễ dàng thương mại hóa để bán ra thị trường.

Sau khi ý kiến này được nêu lên, anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn khẳng định: T.Ư Đoàn luôn xem xét các ý tưởng sáng chế khoa học để sao cho gắn vào thực tiễn được hiệu quả. Trong quá trình triển khai, từng cấp cán bộ đoàn đã báo cáo với chính quyền địa phương hoặc các công ty, doanh nghiệp về những đề tài sáng chế để triển khai vào thực tiễn. Và nhiều đề tài đã triển khai được, thu hơn 700 tỉ đồng như tôi đã nói. Sàn ý tưởng cũng là cầu nối tốt để ý tưởng sáng chế của các bạn trẻ đến với nhiều người trong xã hội.

Tiếp lời anh Phan Văn Mãi, bà Lê Thị Vỹ Phượng, Trưởng Ban biên tập website Sanytuong.vn chia sẻ: Sàn ý tưởng thành lập năm 2006 và cho đến nay hoạt động rất sôi nổi. Các vị giám đốc điều hành, lãnh đạo công ty rất quan tâm đến sàn này. Các bạn chỉ cần gửi ý tưởng sáng chế đến trang web và chúng tôi sẽ chuyển chúng đến với lãnh đạo các công ty. Bà Vỹ Phượng cho biết thêm: "Nhiều người cũng gọi điện thoại tới sàn để hỏi về nguồn cung ý tưởng thiết thực và hiệu quả cao".

Hiện tại, không chỉ dừng lại ở công việc truyền thông ý tưởng qua sàn ý tưởng này, chúng tôi còn có ấn phẩm về ý tưởng cũng như một số hoạt động cầu nối khác để hỗ trợ hiệu quả cho các bạn trẻ đưa ý tưởng của mình đến với những người có nhu cầu mua ý tưởng đó.


Bà Lê Thị Vỹ Phượng chia sẻ thông tin với các đại biểu - Ảnh Gia Tân

Một đại biểu đặt câu hỏi: "Chị Phượng cho biết đề tài được đưa lên thì thông tin cơ bản ra sao để có thể giới thiệu tốt nhất ý tưởng của mình? Chuyển giao cho bên cần ý tưởng thì sẽ được điều gì?".

Bà Lê Thị Vỹ Phượng cho biết: Trước đây việc giao dịch được thực hiện offline tuy nhiên có gặp một số vấn đề về sở hữu trí tuệ nên tạm thời không thực hiện nữa. Sàn ý tưởng không thu bất kỳ một chi phí nào mà chỉ là hoạt động hỗ trợ để phong trào sáng tạo phát triển. Còn vấn đề đăng thông tin nào thì mỗi cá nhân hoặc tập thể nên tự chủ động để giới thiệu một cách khái quát và thiết thực nhất.

Bà Phượng cũng cung cấp thêm một số thông tin: Hiện tại sàn chưa có thống kê cụ thể về tuổi tác, nghề nghiệp của chủ nhân của các ý tưởng. Sắp tới, vấn đề này sẽ được chủ động. Nhưng bà Phượng khẳng định một điều rằng ý tưởng được giới thiệu trên sàn là những sản phẩm cụ thể, đã có bằng sáng chế để có thể triển khai, bán ý tưởng hoàn chỉnh.

Bạn Đoàn Quang Trọng, Bí thư chi đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Long (Bình Phước) đặt vấn đề: Thời gian qua, một bộ phận thanh niên nông thôn rất năng động trong vấn đề sáng tạo sáng chế, chẳng hạn như họ tạo ra máy gặt đập, máy tách đậu phộng, tách hạt điều..., có tính ứng dụng cao và rất thiết thực. Nhưng đa phần các sáng chế này là do người trực tiếp sản xuất tạo ra, mà cụ thể là các nông dân. Và những người này không thuộc đối tượng đoàn viên nên không có cơ hội trình bày ý tưởng của mình cũng như không nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng để phát triển ý tưởng. Đó là khó khăn của các bạn trẻ nông dân. T.Ư Đoàn có xây dựng cơ chế riêng để hỗ trợ cho các bạn nông dân sáng chế không?

Về thắc mắc này anh Phan Văn Mãi cho biết: Thông tin về việc hỗ trợ sáng chế khoa học được phổ biến rất nhiều thông qua các cơ sở đoàn địa phương. Họ phải là cầu nối thông tin cho các bạn trẻ vùng nông thôn. Lý do thiếu thông tin là do cơ sở đoàn chưa có hoạt động đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút các bạn trẻ, thanh niên nông thôn tham gia để qua đó có thông tin về các nguồn hỗ trợ phát triển ý tưởng sáng chế khoa học.

"Theo tôi biết, hiện có trên 80% các địa bàn xã tiếp cận được internet. Và qua internet họ có thể tiếp cận các thông tin hỗ trợ phát triển ý tưởng. Trên thực tế, cũng có những thanh niên có ý tưởng nhưng không biết cách cụ thể hóa nó thành đề án khoa học. Và đối với trường hợp này, cơ sở đoàn địa phương sẽ giới thiệu người có kinh nghiệm về lĩnh vực này để giúp bạn trẻ đó phát triển thành đề án chuyên nghiệp. Cơ sở đoàn có chỗ hoạt động mạnh, có chỗ hoạt động chưa tốt. Và có thể những trường hợp mà bạn nêu là do rơi vào chỗ có cơ sở đoàn hoạt động chưa tốt. T.Ư Đoàn cũng sẽ rà soát lại công tác thông tin về hỗ trợ sáng chế cho các bạn trẻ nông thôn tại các cơ sở đoàn địa phương", anh Phan Văn Mãi khẳng định.


Toàn cảnh buổi giao lưu - Ảnh Gia Tân

 

Bạn Đặng Văn Phong, cán bộ Ban Thanh niên Tổng cục CNQP - Bộ Quốc phòng đặt câu hỏi: Trong quá trình thực hiện các hoạt động sáng tạo trẻ tại đơn vị chúng tôi có nảy sinh mâu thuẫn về việc cân đối giữa chuyên môn và sáng tạo, vẫn còn xảy ra trường hợp bị trùng, chồng chéo giữa các bộ phận. Một trường hợp nan giải là những kỹ sư đang theo dõi một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh không thể sáng tạo trên chính những dây chuyền đó. Ngoài ra, hiện nay ngoài các bằng sáng chế thì những phát minh, phát hiện, ý tưởng vẫn chưa được pháp luật bảo hộ nên rất rủi ro cho những người chủ ý tưởng đó. Xin đề xuất những ý tưởng, phát minh đã được cụ thể hóa thành sản phẩm công nghiệp có thể liên hệ với Cục sở hữu bản quyền trí tuệ để xin bảo hộ.

Cùng với ý kiến đó, bạn Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, thực tế đơn vị tôi luôn gắn công việc chuyên môn với sáng tạo. Với chúng tôi, nếu bạn hợp lý hóa một quy trình sản xuất vẫn được coi là một công trình sáng tạo và được công nhận. Chúng tôi phát động đến các bạn đoàn viên, hãy mạnh dạn đưa ra ý tưởng, sáng kiến hợp lý hóa sản xuất

Về vấn đề này anh Phan Văn Mãi cho biết: Theo tôi trong trường hợp này có 2 cách giải quyết. Một là ngay khi phát hiện ra vấn đề, bạn có thể báo cáo ngay cho lãnh đạo. Hai là bạn có thể tiếp tục theo dõi, lên đề tài báo cáo hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo tôi, những sáng tạo mới nên đăng ký, để có một quỹ thời gian tiến hành. Quan trọng là làm sao các nghiên cứu, đề xuất sáng kiến phải gắn với yêu cầu thực tiễn đặt ra, qua đó mới có cơ sở thuyết phục.

Tiếp tục chương trình một bạn đoàn viên chia sẻ: Việc có ý tưởng sáng tạo thường có hai loại: từ một người có khả năng đến khâu cuối cùng hoặc có ý tưởng nhưng không thể thực hiện hoàn chỉnh. Do vậy, bạn này đề xuất T.Ư Đoàn nên tạo ra một trang web để thu thập các ý tưởng và phân loại rõ ràng. Với các ý tưởng chưa thể hoàn chỉnh, T.Ư Đoàn có thể phối hợp các trường ĐH hoặc viện nghiên cứu để có thể hoàn chỉnh những ý tưởng hay.

"Môi trường phát triển các ý tưởng luôn được Ban Bí thư T.Ư Đoàn rất quan tâm và rất trăn trở. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến sản phẩm hoàn chỉnh là một chặng đường vô cùng gian nan. T.Ư Đoàn đã có nghiên cứu và đề án về các mô hình "Vườn ươm doanh nghiệp" hay "Vườn ươm ý tưởng" để phục vụ các ý tưởng đủ cơ sở để phát triển", anh Phan Văn Mãi chia sẻ.

Anh Mãi cho biết thêm, T.Ư Đoàn hiện đang tính toán và bàn với lãnh đạo TP.HCM nếu được thì sẽ triển khai những vấn đề như đề xuất vừa nêu. Theo anh Mãi, vấn đề sáng tạo cần có nguồn lực và quyết đeo đuổi đến cùng.

Ông Lê Đăng Thọ bổ sung thêm: Rõ ràng, ở Việt Nam hiện thiếu những trung tâm hỗ trợ sáng tạo để có thể hoàn thiện và phát triển ý tưởng để tạo ra sản phẩm, ứng dụng cuối cùng. Ông Thọ cho rằng cần có một cơ quan Nhà nước đứng ra để thành lập dự án nói trên. Nếu như T.Ư Đoàn đảm trách vấn đề này thì rất khả thi và sẽ có nhiều điều kiện để phát triển vấn đề sáng tạo trong các bạn đoàn viên, thanh niên.


Rất nhiều ý kiến, đề xuất của các bạn trẻ được đưa ra tại buổi giao lưu - Ảnh Gia Tân

Một đại biểu dự buổi giao lưu đến từ tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi cho ông Lê Đăng Thọ: Sắp tới Nhà nước có đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động công tác sáng chế, sáng kiến hay không? Và ông suy nghĩ như thế nào thu nhập của các nhà sáng chế khoa học kỹ thuật so với các ca sĩ, người mẫu và vận động viên thể thao hiện nay?

Ông Lê Đăng Thọ: Trong suốt thời gian qua và hiện nay, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có những hỗ trợ nhất định trong hoạt động sáng tạo. Và sắp tới Nhà nước sẽ tiếp tục có nhiều đầu tư hơn cho các ý tưởng sáng chế mới, chẳng hạn như xây dựng dự án vườn ươm ý tưởng sáng chế.

Nếu nói với các bạn đam mê nghiên cứu khoa học tôi mong rằng các bạn hãy đi đến cùng với đam mê của mình. Có khát khao và thực hiện cho bằng được đam mê đó

Anh Phan Văn Mãi
Còn thu nhập của các nhà khoa học thì dựa trên chất xám họ bỏ ra, có nhà khoa học chỉ thuần túy nghiên cứu, nhưng có nhà khoa học tự đưa ý tưởng ra ứng dụng thực tế rồi thành lập công ty, kinh doanh rất thành công. Nên tôi nghĩ, các hoạt động sáng tạo là rất tốt nhưng phải gắn với việc đưa vào ứng dụng thực tế thì mới phát huy tối đa các ý tưởng đó.

Bạn Lê Bá Tư chia sẻ thêm: Đã là một nhà khoa học chân chính, không có lý do gì phải sợ nghèo. Bởi nếu những công trình nghiên cứu của chúng ta đáp lại đúng nhu cầu thiết yếu của xã hội, của người dân thì chắc chắn sẽ được xã hội lựa chọn, sử dụng. Để có một ý tưởng là cực kỳ khó bởi nhà khoa học phải trăn trở băn khoăn, trải qua một quá trình lao động thật sự.

Tiếp nối chương trình bạn Đoàn Kim Thành, Giám đốc trung tâm Công nghệ trẻ TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, cho biết môi trường sáng tạo hiện nay cho các bạn đã được Thành đoàn TP.HCM triển khai từ lâu.

Hiện tại, Thành đoàn TP.HCM đã có chương trình "Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" hỗ trợ vốn, kiến thức. Ngoài ra, còn có trung tâm "Vườn ươm khoa học, công nghệ trẻ" để tạo một sân chơi giúp các bạn thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên tham gia. Vườn ươm này, mỗi năm giải ngân 2 tỉ đồng cho khoảng 25 đề tài (khoảng 80 triệu đồng/đề tài) dùng để để nghiên cứu.

Theo anh Thành, đây là một sân chơi rất bổ ích, không đặt nặng mục đích tạo ra sản phẩm để kinh doanh thương mại mà đó là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ. Từ đó, nhận thức và ham muốn sáng tạo của các bạn sẽ được hình thành trong tương lai, giúp tạo ra những con người sáng tạo.

Anh Thành cho biết thêm, nếu các Tỉnh, Thành đoàn có thể triển khai và nhân rộng các mô hình trên thì bên trung tâm sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Ngay sau ý kiến của anh Kim Thành, bà Vỹ Phượng - Phụ trách Trung tâm Sách, ý tưởng Việt Nam đặt câu hỏi cho anh: Đã có bao nhiêu ý tưởng do vườn ươm của Trung tâm công nghệ trẻ TP.HCM đem lại hiệu quả xã hội thực tế và còn bao nhiêu đề tài có ứng dụng cao hơn? Hiện đã có trung tâm nào phát triển nguồn nhân lực sáng tạo khoa học hay không?

Anh Đoàn Kim Thành trả lời: số ý tưởng do trung tâm hỗ trợ được thương mại hóa thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mục đích của trung tâm là tạo vườn ươm cho các nhà sáng chế nghiên cứu. Hiện có khoảng từ 60 - 70% là giảng viên các trường đại học tham gia chương trình này. Cũng có một số công trình được thương mại hóa, chẳng hạn như công trình "Que thử hàn the"... Ngoài ra, cũng có nhiều người tham gia chương trình nghiên cứu vườn ươm đã đăng ký với chương trình hỗ trợ cấp thành phố để phát triển công trình tiến xa hơn.

Trung tâm cũng tạo ra sân chơi giao lưu, học hỏi và trao đổi cho các nhà khoa học sáng chế bằng cách lập ra CLB những nhà sáng tạo khoa học trẻ.


Bạn Đặng Văn Phong đặt câu hỏi với các khách mời giao lưu - Ảnh Gia Tân

Một bạn nữ đặt câu hỏi, làm thế nào để tiếp cận những ý tưởng đã được thương mại hóa, cụ thể hóa? Hiện nay, hầu hết các giải thưởng đều là các đoàn tỉnh, doanh nghiệp nhà nước nhưng không có doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa? Vậy một đề tài của doanh nghiệp tư nhân muốn được đăng ký thì phải làm sao?

Ông Lê Đăng Thọ cho biết: Hiện nay, thế giới công nghệ đang thay đổi hàng phút, hàng giờ. Mỗi giờ, rất nhiều sáng chế được tạo ra. Toàn bộ tất cả những sáng chế đều đã được tư liệu hóa và những tư liệu này được tập hợp tại các Cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia (tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ). Tất cả mọi người đều có thể đến tra cứu, khai thác... trung tâm tư liệu thông tin này.

Rất nhiều đề tài mới cấp Bộ, Ngành, Nhà nước trước khi tiến hành đều phải tra cứu thông tin về sáng chế để tránh những trường hợp trùng lặp. "Về thắc mắc những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ có đề tài nghiên cứu khoa học nhưng theo thể lệ của Giải thưởng KHCN phải có Hội đồng cấp Bộ, Nhà nước đánh giá nên không thể tham gia", ông Thọ cho biết.

Trong 2 - 3 năm gần đây, do có những hoạt động nghiên cứu khoa học mở rộng nên hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đề tài nghiên cứu tốt, có thể ứng dụng vào xã hội vẫn có thể tham gia bằng cách mời một hội đồng khoa học cấp tỉnh, thành phố hoặc liên hiệp hội khoa học tại thành phố đó đánh giá.

Trong trường hợp không xin được thẩm định, các doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể tham gia nhiều giải thưởng khác như Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.


Anh Phan Văn Mãi (phải): "Nếu nói với các bạn đam mê nghiên cứu khoa học tôi mong rằng các bạn hãy đi đến cùng với đam mê của mình. Có khát khao và thực hiện cho bằng được đam mê đó" - Ảnh Gia Tân

"Nếu có lời khuyên dành cho những bạn trẻ đam mê khám phá sáng tạo khoa học, xin hỏi anh Phan Văn Mãi sẽ nói gì với họ? Em đang ấp ủ ý tưởng sáng chế khoa học mà em tự cho là có tính ứng dụng rất cao trong cuộc sống thực tế. Vậy em nên bắt đầu từ đâu để được đoàn, hội hỗ trợ để phát triển ý tưởng đó?". Đây là câu hỏi rất hay của một bạn ở địa chỉ mail Congthanhnguyen-gh@yahoo.com gửi về cho chương trình.

Anh Phan Văn Mãi cho rằng: "Nếu nói với các bạn đam mê nghiên cứu khoa học tôi mong rằng các bạn hãy đi đến cùng với đam mê của mình. Có khát khao và thực hiện cho bằng được đam mê đó. Các bạn trẻ có đam mê hãy làm một cuộc leo núi, việc lên đỉnh sẽ rất vất vả và vấp ngã sẽ giúp chúng ta đứng dậy, lên đỉnh vinh vang mới cảm nhận được hết hạnh phúc đặc biệt của nó".

Để bắt đầu một nghiên cứu khoa học theo anh Mãi hãy bắt đầu bằng một kế hoạch hết sức nghiêm túc. Nên tham vấn với một nhà chuyên môn để có được sự tư vấn và chuẩn bị cần thiết để triển khai.

Anh Mãi khẳng định: Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội sẽ luôn đồng hành cùng các bạn và hỗ trợ hết mình để giúp các bạn thực hiện ý tưởng của mình. Ở T.Ư Đoàn hiện có trung tâm "Hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trẻ", các bạn có thể liên hệ với anh Phạm Tấn Công (số ĐT: 0903.446207).

Với các Tỉnh, Thành đoàn chưa có trung tâm thì các bạn có thể liên hệ trực tiếp với Tỉnh, Thành đoàn hoặc Sở Khoa học Công nghệ để được tư vấn và hỗ trợ rõ ràng.

Trước khi kết thúc, tất cả các đại biểu và bạn trẻ tham dự buổi giao lưu trực tuyến đã nhắn tin qua điện thoại di động và vào website www.new7wonders.com để bầu chọn cho Vịnh Hạ Long của Việt Nam trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới.


Nhắn tin bầu chọn cho Vịnh Hạ Long - Ảnh Gia Tân

 
Anh Phan Văn Mãi (phải) đang bầu chọn cho Vịnh Hạ Long qua website new7wonders.com - Ảnh Gia Tân

Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.