Trồng cây ngoại lai có nguy cơ xâm hại

10/10/2011 00:16 GMT+7

Sò đo cam (tên khoa học Spathodea Campanulata, có nguồn gốc từ châu Phi) là loài cây đã được cảnh báo có nguy cơ xâm hại. Nhưng ở Lâm Đồng, người ta đã nhân giống và trồng hàng ngàn cây…


Nhiều cây sò đo cam trên đường cao tốc Liên Khương - Prenn - Ảnh: G.B

Từ năm 2003, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt loài sò đo cam trong danh sách 100 loài sinh vật xâm lăng thầm lặng, có thể gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới (ảnh nhỏ). Loài này có thể xâm lấn các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang và rừng rậm; hạt phát tán theo gió và nảy mầm nhanh. Tháng 2.2010, phát hiện sò đo cam có ở TP Đà Lạt, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT xem xét.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sò đo cam còn có các tên gọi khác là phượng hoàng đỏ, chuông đỏ, đỉnh phượng hoàng, hồng kỳ, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi… đã được trồng khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Thống kê sơ bộ, từ năm 2010-2011, trên địa bàn 9/12 huyện, thành ở Lâm Đồng đã trồng đến 5.368 cây sò đo cam. Dù ở Lâm Đồng đã có hàng ngàn cây sò đo cam, thậm chí có cây được trồng cách đây cả chục năm, nhưng trong Thông tư 22/2011/TT-BTNMT (có hiệu lực ngày 15.8.2011) quy định về tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, thì cây hoa tulip châu Phi (cây uất kim hương châu Phi - Spathodea Campanulata) thuộc loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa xuất hiện ở VN(!).

Ông Hoàng Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP công trình đô thị Bảo Lộc (TP Bảo Lộc) cho rằng: “Thấy đẹp mà xứ lạnh mình chưa có nên tôi đã mang về trồng ở Bảo Lộc từ năm 1997. Sau đó, chúng tôi nhân giống trồng ở TP Bảo Lộc và bán cây giống cho một số nơi khác. Trong quy hoạch trồng cây xanh đô thị được UBND tỉnh phê duyệt có danh mục cây này. Tôi tìm hiểu trên mạng thì không thấy thông tin nào nói về loài cây này là cây xâm hại cả”. Ông Nguyễn Đức Thuần - Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật, Công ty TNHH MTV dịch vụ đô thị Đà Lạt cũng cho hay, đơn vị đã mua cây sò đo cam giống từ Bảo Lộc về trồng ở Đà Lạt, theo đề án trồng cây xanh đường phố đã được UBND TP Đà Lạt phê duyệt. Ông Thuần nói, chưa nghiên cứu về đặc tính sinh lý của loài cây này; hơn nữa chỉ trồng ở đường phố, hạt ra bao nhiêu rụng xuống thì quét hết bấy nhiêu, làm gì còn…(!)

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.