Hiểm họa từ vụ nổ tia gamma

11/10/2011 18:01 GMT+7

Sự sống trên trái đất có thể phụ thuộc vào những vụ nổ dữ dội bên kia thiên hà, theo lý thuyết mới của các chuyên gia người Mỹ.

Dường như những mối đe dọa từ tiểu hành tinh chưa đủ gây nguy hiểm cho hành tinh chúng ta, ngành khoa học vũ trụ vừa cho ra đời lý thuyết mới cho rằng những vụ nổ tia gamma (GRB) có thể góp phần làm tầng ozone của trái đất mỏng đi. Ước tính một vụ nổ tia gamma có thể phóng ra hàng tấn tia gamma phóng xạ năng lượng cực cao vào vũ trụ.

Nếu trước đây các chuyên gia chỉ tìm kiếm và quan sát các GRB với con mắt đầy tò mò, hiện họ đã bắt đầu kết nối thời điểm diễn ra các vụ nổ này với những lần tuyệt chủng trên trái đất thông qua các hóa thạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy một dạng GRB, chính xác là GRB ngắn, dường như tạo ra năng lượng hủy diệt mạnh hơn những trận GRB kéo dài. Theo nhà nghiên cứu Brian Thomas của Đại học Washburn, thời gian kéo dài không quan trọng bằng khối lượng bức xạ được tống ra sau vụ nổ.

Có 2 loại GRB: một dạng diễn ra trong thời gian lâu hơn và “hoành tráng” hơn so với một vụ nổ cực ngắn, chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 giây. Theo chuyên gia Thomas, nếu một GRB ngắn xảy ra bên trong Dải Ngân hà, ảnh hưởng của nó đến trái đất có thể diễn ra trong một thời gian dài. Khi những tia gamma trong vụ nổ chạm đến khí quyển của hành tinh xanh, chúng sẽ tác động khiến các nguyên tử oxy và nitơ tự do va đập vào nhau, và một số sẽ kết hợp lại trở thành hợp chất N2O, kẻ phá hủy tầng ozone.

Việc phá hoại tầng ozone sẽ khiến tia tử ngoại từ mặt trời tiến sâu vào bề mặt trái đất, gây hậu quả thảm khốc cho nhiều loài sinh vật, mà một trong số đó là khiến chúng bị biến đổi gien

N2O tồn tại lâu trong khí quyển, và chúng cứ tiếp tục hủy diệt ozone cho đến khi rơi xuống đất thông qua những trận mưa. Những GRB ngắn có thể xảy ra do sự va chạm giữa 2 ngôi sao, hoặc một ngôi sao bị hố đen xé toạc. Ước tính các vụ nổ kiểu này có lẽ xuất hiện trong mỗi 100 triệu năm tại bất cứ thiên hà nào. Với tỷ lệ trên, trái đất dường như đã hứng chịu vài lần GRB ngắn trong suốt lịch sử 4,5 tỉ năm của mình.

Việc phá hoại tầng ozone sẽ khiến tia tử ngoại từ mặt trời tiến sâu vào bề mặt trái đất, gây hậu quả thảm khốc cho nhiều loài sinh vật, mà một trong số đó là khiến chúng bị biến đổi gien. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo sợ nhất là GRB ngắn có thể tàn phá chuỗi thức ăn và dẫn đến sự hủy diệt trên toàn cầu.

Hiện vệ tinh SWIFT của NASA đang ghi nhận ngày càng nhiều dữ liệu về những GRB tại các thiên hà khác, từ đó cung cấp các thông tin quan trọng về ảnh hưởng của GRB ngắn đối với sự sống trên trái đất. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm thêm thông tin về những vụ GRB trong quá khứ, bao gồm các yếu tố đặc biệt chỉ được tạo ra trong những lần bức xạ gamma tấn công hành tinh chúng ta, chẳng hạn như sự xuất hiện của một dạng nguyên tố sắt nặng. Chuyên gia Thomas cho hay ông đang hợp tác với các nhà cổ sinh vật học trong nỗ lực xác định sự liên hệ giữa hàm lượng nguyên tố sắt nặng với những vụ tuyệt chủng hàng loạt nhờ vào dữ liệu có trong hóa thạch.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.