Nếu Abu Dhabi - thủ đô, đồng thời là tiểu vương quốc rộng nhất (diện tích: 67.340km2/ 83.600km2 của UAE ) và nhiều dầu lửa nhất thì Dubai là tiểu vương quốc có dân số đông nhất (gần 2,5 triệu người) và giàu có nhất dù diện tích chỉ 4.114km2 (gấp 2 lần TP.HCM). Khác với Abu Dhabi, dầu mỏ Dubai không đáng kể, chỉ chiếm 6% GDP. Kinh tế Dubai chủ yếu dựa vào bất động sản, du lich và dịch vụ tài chính. Dubai gần như không có tài nguyên, không có cảnh quan du lịch chứ đừng nói tới di sản thế giới, 95% là sa mạc ven biển, khí hậu khắc nghiệt... Từ những điều kiện "không thể", bằng các chính sách quyết đoán, táo bạo, Dubai đã "có thể” làm nên tất cả. Đầu tiên là chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp và sau đó là miễn thuế thu nhập cá nhân. Không cần "trải thảm đỏ" hoặc hô hào khẩu hiệu, các nhà đầu tư ở khắp thế giới đổ xô về Dubai. Dubai là thiên đường để thực hiện các ý tưởng sáng tạo về kiến trúc. Hồng Kông, New York, Singapore... có nhiều cao ốc và nhiều nét tương đồng. Dubai thì khác hẳn.
|
Chỉ riêng du lịch, Dubai có trên 50 khách sạn 5 sao. Mỗi khách sạn đều có dấu ấn riêng, từ tổng thể đến nội thất, từ dịch vụ đến từng họa tiết nhỏ. Có điều, các hồ bơi đều bé tẹo. Khách sạn Hayatt có cả một góc rừng xum xuê cây cối, róc rách suối chảy hơn 1.000m2 trong nhà. Năm 2010, Dubai đón gần 12 triệu khách quốc tế. Khách sạn “7 sao” Burj Al Arab cao 321m, một trong những biểu tượng của Dubai, như cánh buồm lộng gió đang ngạo nghễ ra khơi, cách bờ biển Jumeiah 280m. Tại khách sạn nổi mang danh “Ngọn tháp của Ả Rập” này, cứ có bao nhiêu khách là có bấy nhiêu nhân viên, đảm bảo phục vụ mọi yêu cầu của khách. Từng khách được đưa đón bằng Rolls Royce Limousine hoặc trực thăng. Giá phòng thấp nhất là 1.000 USD/đêm, cao nhất là 27.000 USD. Giá ngất trời nhưng công suất phòng luôn đạt trên 65%! Nếu không đủ tiền thuê phòng thì có thể vào các nhà hàng thưởng thức buffet. Thức ăn chưa chắc ngon nhưng lạ, thái độ phục vụ chuyên nghiệp và không gian ấm cúng. Xe Limousine đưa đón từng người với giá cả trọn gói khá hấp dẫn: 150 USD. Buổi tối, Burj Al Arab nổi bật giữa biển xanh, long lanh, ấn tượng và hư ảo nhờ hệ thống chiếu sáng hiên đại, từ trong ra ngoài. Cả "Cánh buồm khổng lồ" như nhún nhảy theo màu sắc, cứ 15 phút là thay đổi theo nhạc nước. Bắt đầu từ 19 giờ, Burj Al Arap bừng lên sống động, như một tuyệt tác điêu khắc bởi nước - lửa và khát vọng con người. Tuy vậy Burj Al Arab chỉ xếp thứ 2 về độ cao của các khách sạn. Đứng đầu bảng là Rose Rayhaan Hotel - cũng ở Dubai, cao 333m.
Tháp Burj Khalifa, cao 828m, khai trương ngày 4.1.2010, vút cao tựa cây kim khổng lồ, nhọn hoắt, đâm thẳng từ dưới đất, như muốn xé toạc bầu trời, được mệnh danh là “thành phố thẳng đứng", làm lu mờ mọi cao ốc hiện nay của thế giới. Tháp cao 164 tầng. Tầng 124 có ban công vòng quanh để chiêm ngưỡng toàn cảnh Dubai. Chỉ riêng hệ thống máy lạnh đã tạo ra lượng nước khổng lồ, đủ chứa đầy 20 hồ bơi Olympic hằng năm. Tháp không chỉ giữ kỷ lục về chiều cao mà còn nhiều kỷ lục khác như: ban công quan sát cao nhất (628m), thang máy nhanh nhất (64km/giờ), đài phun nước dài 275m và cao 300m, được trang bị 500.000 đèn chiếu sáng, 6.600 đèn pha siêu sáng, 25 máy phát màu phản quang. Đài phun được khoảng 1.000 kiểu phun nước nghệ thuật, dòng nước cao nhất hơn 300m! Nếu trời quang, buổi tối có thể nhìn thấy từ xa hàng chục km. Chân tháp hình chạc ba (chữ Y), tượng trưng cho loài hoa Hymenocallis ở sa mạc Dubai. Phải mất vài tuần lễ mới khám phá hết được kỳ quan kiến trúc này. Đứng cạnh tháp, ngửa cổ nhìn cũng không thể thấy đỉnh. Tôi đứng dưới chân tháp và suy nghĩ tần ngần: “Công trình tầm cỡ thế này mà kênh Văn hóa du lịch CNNgo của hãng CNN xếp hạng 18 trong bảng bình chọn 20 tòa nhà chọc trời ấn tượng nhất thế giới, còn tòa nhà Bitexco ở Sài Gòn xếp thứ 5? Không hiểu họ xếp hạng theo những tiêu chí nào?
Dubai có khu trượt tuyết trong nhà lớn thứ 3 và độc đáo nhất thế giới. Mỗi đêm phải tạo ra 30 tấn tuyết, phủ kín diện tích 22.500 m2 với cấu trúc cao 25 tầng, dài 400m, có độ nghiêng 60 độ và dày 70 cm! Dù bên ngoài trời nóng hơn 40 độ C, dân Dubai và du khách vẫn có thể khoác trang phục chuyên nghiệp để trượt tuyết... trong nhà hoặc ngồi bên đống lửa, ngắm tuyết rơi mà không cần chờ mùa đông!
Choáng ngợp bởi quá nhiều công trình “không tưởng” nhưng cực kỳ độc đáo, tôi đành thay đổi cảm xúc bằng chương trình Discovery Desert Safari. Các Land Cruiser mới toanh (sau 7 năm phải đổi xe), sang hơn thì có Hummer đưa khách chinh phục sa mạc suốt 40 phút. Dubai quy định lái xe sa mạc phải có bằng chuyên nghiệp và thẻ hướng dẫn, trên 25 tuổi, mỗi xe có gắn máy định vị toàn cầu để giám sát. Chừng khoảng 15 giờ 30, hàng trăm xe tỏa đi khắp sa mạc, nhìn từ xa tựa bầy bọ hung bò trên cát. Trước khi lên xe, nhớ không được ăn no và phải đi vệ sinh. Phải cài sitbelt thật chặt, tay giữ chắc các thanh nối an toàn. Khỏi cần chơi trò cảm giác mạnh, xe băng lên cao rồi phóng thẳng xuống hoặc tạt ngang như xiếc, không ít lần làm thót tim. Sau khi đã đời với cát, mọi người tụ hội về khu Camping. Giữa sa mạc mà nhà vệ sinh sạch tinh dù nước được chở từ Dubai đến, cách chừng 60km! Tôi đã thử cảm giác cưỡi lạc đà và lái xe địa hình trên sa mạc, rất tuyệt. Có các quầy lưu niệm, khắc tên vào tranh cát, vẽ trên tay miễn phí… và BBQ thoải mái. Buổi tối càng náo nhiệt bởi chương trình văn nghệ đậm chất Ả Rập, đặc biệt là các tiết mục múa bụng. Sân khấu hình tròn, đường kính hơn 30m. Khách ngồi bệt trên nệm thảm, vừa ăn uống vừa xem múa hát. Đến thăm bảo tàng Dubai vốn là một pháo đài cổ, xây dựng từ 1799, tôi càng nể cách làm của họ. Bảo tàng khá khiêm tốn nhưng được bày trí rất khoa học và sống động. Đi một vòng là có thể sơ lược về lịch sử Dubai. Ấn tượng nhất là việc sử dụng hình ảnh 3D giữa không gian hiện vật, tạo âm thanh và cảm giác rất thật….
Dubai có nhiều điểm nhấn như đi khinh khí cầu, tham quan bằng trực thăng hay thủy phi cơ. Hoặc đi du thuyền và ăn tối trên Dubai Creek – rạch nước mặn, ngắm thành phố về đêm. Có cả Wonder bus, lọai xe Bus citysight có thể chạy trên bờ lẫn dưới nước. Lần đầu thấy xe lao xuống nước, tôi giật mình tưởng xe đứt thắng bị tai nạn như ở Việt Nam!
Khách du lịch đến Dubai là thỏa sức mua sắm. Vì chính sách miễn thuế và sales off lên đến 75% nên dân tình khắp thế giới đổ đến đây mua sắm hàng hiệu. Khi ghé cửa hàng lưu niệm cao cấp, người quản lý hỏi tôi lương tháng, dù đã "nổ" là 2.000 USD nhưng vẫn bị chê là thấp quá. Dễ hiểu thôi, bởi GDP đầu người của UAE là 57.000 USD, còn của Dubai phải hơn 65.000 USD! Dragon Mall của Trung Quốc có gần 4.000 cửa hàng, trải dài hơn 1km nhưng dân Dubai chê, chủ yếu dành cho khách nhập cư và dân hợp tác lao động. Điều khó chịu là Mobifone roaming quốc tế qua Qatar và UAE đều tê liệt nhưng mạng Vinafone lại cực mạnh!
Dubai là thành phố toàn cầu nên dân nhập cư và hợp tác lao động đông hơn bản xứ. Có khoảng 15.000 người Việt ở Dubai. Nhiều người từng tham gia thi công hệ thống đường sắt trên cao hiện đại của Dubai trong vai trò nhà thầu phụ của Nhật Bản. Tôi cũng đã gặp một số bạn trẻ tìm được việc làm ở đây qua mạng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các lao động phổ thông làm việc ngoài trời cực kỳ vất vả, lương không cao, giá sinh hoạt đắt đỏ nên gặp nhiều khó khăn. Dubai cũng đang đối mặt với các thử thách về nợ do đầu tư ồ ạt và tăng trưởng quá nhanh… Dù vậy, đây vẫn là xứ sở lý tưởng, trừ khí hậu.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)