Chính sách ưu tiên trong đào tạo chưa hiệu quả

13/10/2011 18:01 GMT+7

Tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Giáo dục ĐH do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 12.10, vấn đề sử dụng nguồn nhân lực được hưởng chính sách ưu tiên được bàn luận rất sôi nổi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đề cập: “Việc ĐTTĐCSD hiện nay đôi khi có sự biến tướng. Trường ký hợp đồng đào tạo với địa phương nhưng đôi khi chỉ nhằm mục đích tăng chỉ tiêu, còn vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp có đúng với địa chỉ sử dụng hay không thì không ai quản lý được. Do vậy, đối với diện này chỉ nên đào tạo theo diện cử tuyển hoặc ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp, để đảm bảo đào tạo đúng người vào nơi cần sử dụng lao động”.

 GS-TS Hoàng Văn Kiếm - Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), đồng ý kiến: “Việc ĐTTĐCSD thực chất là chủ trương đúng đắn, nhưng khi triển khai thì có nhiều vấn đề. Thực tế đã có những trường lợi dụng vào chủ trương này để hạ điểm tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo thông qua việc ký kết với các công ty hoặc địa phương. Do vậy, cần phải có chế tài rõ ràng và cụ thể trong vấn đề này. Đặc biệt, cần phải có sự xác nhận rõ ràng của người học về việc được được sử dụng đúng địa chỉ sau khi tốt nghiệp”.

Cũng liên quan đến đối tượng được hưởng ưu tiên trong đào tạo, PGS-TS Huỳnh Văn Hóa - Trưởng đơn vị Đảm bảo chất lượng giáo dục, trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng: “Việc bao cấp của chúng ta hiện nay với các đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong đào tạo không hiệu quả”. Ông Hóa dẫn dắt: “Nếu kinh phí đào tạo của một sinh viên (SV) trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2010- 2011 là 20 triệu đồng/ năm, thì SV hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ phải đóng 3,4 triệu đồng/năm. Nhưng với SV thuộc khu vực vùng sâu vùng xa được hưởng chính sách ưu tiên thì được miễn cả 3,4 triệu đồng này. Dù được ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo, nhưng các SV này khi tốt nghiệp lại không chịu trở về địa phương làm việc. Vì vậy thành phố lớn thừa nhân lực, trong khi vùng sâu vùng xa thiếu vẫn thiếu”. 

Thạc sĩ Trần Thanh Phong - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khẳng định: “Việc làm của SV diện cử tuyển tại địa phương cũng đang có nhiều vấn đề. Nhiều khi SV tốt nghiệp về địa phương nhưng chưa chắc đã được sử dụng”. 

TS Hóa nói thêm: “Việc ĐTTĐCSD nếu đúng tinh thần trường phải tuyển sinh đúng với hợp đồng đã ký với ủy ban nhân dân tỉnh. Tỉnh có trách nhiệm trả kinh phí đào tạo này cho SV, sau khi tốt nghiệp, SV này phải trở về địa phương để công tác. Nếu địa phương làm đúng thì vấn đề quản lý người học sau khi tốt nghiệp mới hiệu quả”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.