Ra trước Tòa án nhân dân huyện Đại Lộc, nguyên đơn - một chị vợ còn rất trẻ, khăng khăng bảo lưu ý kiến xin tòa cho được ly hôn với người chồng của mình. Lý do mà chị đưa ra trong đơn xin ly hôn là “Vợ chồng không hợp tính nhau”.
“Vợ chồng không hợp tính nhau” là một câu khai báo thường gặp trong án ly hôn, trẻ hay già cũng đều có thể nói như vậy. Thế nhưng đó là một câu khá mơ hồ mà phiên tòa nào cũng cố gắng làm rõ để xem còn có thể kết nối hai con người ấy lại với nhau hay không.
Tòa: “Chị khai anh và chị không hợp tính nhau. Có cái gì chứng minh cho chuyện không hợp tính đó?”. Chị vợ: “Thưa tòa, có một chuyện rất khó nói”. Tòa: “Đây là tòa án. Chị nói rõ thì chúng tôi mới giải quyết được”.
Chị vợ: “Thưa tòa, là vợ chồng với nhau thì chuyện ăn ở với nhau là bình thường. Rứa mà đêm mô ăn ở với tôi xong, chồng tôi cũng… rút bóp ra, lẳng lặng ném vào mặt tôi khi năm chục ngàn đồng, khi một trăm ngàn đồng y như cái kiểu bo cho mấy cô bia ôm ngoài đường ngoài sá”.
Lời khai của chị vợ khiến tòa ngạc nhiên. Tòa hỏi bị đơn chồng: “Anh có rút tiền ra ném vào mặt vợ sau mỗi lần quan hệ như chị khai không?”. Anh chồng: “Thưa tòa, có”. “Tại sao anh có hành động như vậy?”. Anh chồng: “Thưa tòa, con ni không chung thủy. Tôi coi hắn cũng như… mấy đứa bia ôm, phải bo rứa cho hắn biết mặt!”.
Dù bị đơn chồng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh vợ mình không chung thủy nhưng tòa vẫn kinh hãi vì hành động dùng tiền bo thường xuyên cho vợ của anh ta. Người ta quý nhau mới bo còn anh này khinh vợ thì bo. Tình hình ấy tiếp diễn lâu dài chắc chắn sẽ khiến cho chị vợ bị ức chế, nhẹ thì có thể trầm cảm mà nặng thì có thể phát bệnh tâm thần. Tòa hiểu nỗi khổ này của người vợ trẻ khi được bo! Ai nói được nhận tiền thì sướng? Thôi thì giải quyết cho họ ly hôn để sau này anh… bo cho ai đó thì tùy ý.
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)