>> Kỳ 4: Chém để giải quyết mâu thuẫn
Ba đối tượng làm giấy tờ giả bị bắt giữ - Ảnh: Tuy Phong |
Các địa điểm nhận làm giấy tờ giả thường là các tiệm photocopy, chụp hình thẻ, thậm chí là tiệm sửa chữa điện thoại, hiệu thuốc tây. Trong vai công nhân mất hết giấy tờ tùy thân, chuẩn bị phải về quê làm hồ sơ, CMND để vào xin việc, chúng tôi được nhiều công nhân mách nước: “Về quê làm lại giấy tờ chi cho mất công, ra ngoài mà mua giấy gì cũng có, kể cả CMND”.
2 tiếng có bộ hồ sơ giả!
Tại một tiệm photocopy nằm trên đường N1 (KCN Mỹ Phước I), sau khi nghe Tiến (một công nhân) trình bày bị mất CMND nhưng cần làm lại hồ sơ để đi xin việc nơi khác, chủ tiệm tên L. tặc lưỡi: “Không có thì để anh làm, mà giá cả cao hơn bộ hồ sơ bình thường”. Theo L., có hai cách để làm CMND. Cách một là làm giả mẫu CMND, con dấu công an tỉnh… nơi đương sự cư trú. Cách hai đơn giản hơn, ra tiệm cầm đồ mua một CMND cùng năm sinh đem về lột ảnh thật ra, dán hình người cần làm giả vào, ép nhựa lại. “Theo hai cách trên, công nhân muốn mua bao nhiêu CMND, hồ sơ xin việc giả đều có”, L. khẳng định và ra giá: “CMND giả hoàn toàn giá 300 ngàn đồng nhưng dễ bị phát hiện, còn CMND làm giả từ CMND của người khác đắt hơn 100 ngàn nhưng khó bị phát hiện và dùng được lâu”.
Khi Tiến quyết định chọn cách làm thứ hai, L. hướng dẫn ra tiệm cầm đồ gần đó tìm mua CMND với giá 300 ngàn đồng và cầm về cho L. hoàn tất mọi thủ tục. L. yêu cầu Tiến đóng 100 ngàn tiền công làm CMND, 180 ngàn tiền bộ hồ sơ xin việc và hẹn 2 tiếng sau quay lại lấy.
Theo chỉ dẫn của nhiều công nhân, chúng tôi tìm hiểu tại nhiều KCN ở Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, thấy việc làm giấy tờ giả quả dễ dàng và nhanh chóng. Không chỉ có hồ sơ xin việc, CMND mà cả giấy phép lái xe, sổ đỏ nhà đất cũng bị làm giả. Mới đây, vào ngày 10.10.2011, Công an P.Hiệp An (TX Thủ Dầu Một) bắt giữ Cao Văn Thư (SN 1977, quê Nghệ An), Phan Anh Đức (SN 1974, quê Quảng Trị) và Nguyễn Tống Giang (SN 1989, quê Phú Thọ) nằm trong đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước. Khám xét nơi ở các nghi can tại KP 2, P.Hiệp An, công an thu giữ tang vật gồm 2 máy in màu, 1 máy chụp hình, 1 máy vi tính cùng nhiều giấy tờ đã in, con dấu giả của UBND xã Hương Lung (H.Cẩm Khê, Phú Thọ), UBND xã Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An) và dấu của UBND P.Hiệp An (Thủ Dầu Một) cùng chữ ký giả Chủ tịch UBND P.Hiệp An. Tại cơ quan công an, Cao Văn Thư khai đã nhờ Phan Anh Đức làm giả giấy tờ để đi nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, mỗi giấy làm giả Đức lấy 20 ngàn đồng. Còn Đức khai nhờ Nguyễn Tống Giang dùng kỹ thuật đồ họa trên máy tính để in các tài liệu giả.
Ngày 21.8, Cơ quan CSĐT - Công an TX Thuận An (Bình Dương) cũng bắt giữ Nguyễn Văn Tôn (28 tuổi, xóm 8, xã Thăng Bình, H.Nông Cống, Thanh Hóa), Phạm Huy Bảo (21 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Nguyễn Khắc Thành (23 tuổi) và Phan Thế Dũng (21 tuổi, cùng quê Lộc Hà, Hà Tĩnh) về hành vi làm giả con dấu, chữ ký của cơ quan nhà nước.
CMND và hồ sơ xin việc giả - ảnh: Công Nguyên |
Tội phạm dùng giấy tờ giả để lẩn trốn
Làm và sử dụng giấy tờ giả có thể bị phạt tù 7 năm Hành vi làm và sử dụng giả hồ sơ xin việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù cao nhất 7 năm. (Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) |
Ngày 12.9.2011, trong lúc tuần tra tại khu dân cư Mỹ Phước I, Tổ phòng chống tội phạm xã Thới Hòa (Bến Cát) phát hiện một thanh niên có đặc điểm giống nghi phạm bị Công an H.Đầm Dơi (Cà Mau) truy nã. Thông tin nhanh chóng được báo về Công an xã Thới Hòa và H.Bến Cát. Bí mật theo dõi, Công an xã Thới Hòa và H.Bến Cát bắt giữ được Huỳnh Trung Kiên (SN 1976), bị Công an H.Đầm Dơi truy nã về hành vi tổ chức đánh bạc. Khi lên làm công nhân tại đây, Kiên dùng CMND giả, làm hồ sơ xin việc đi làm để lẩn trốn.
Theo chị K., nhân viên phòng tuyển dụng một công ty điện tử tại KCN Mỹ Phước I: “Trong 100 công nhân tới tuyển dụng thì phát hiện hơn 50 bộ hồ sơ là giả. Các bộ hồ sơ này làm rất tinh vi, ai không có kinh nghiệm sẽ khó phát hiện được”. Với kinh nghiệm 5 năm làm công tác tuyển dụng, chị K. chia sẻ: “Có nhiều bộ hồ sơ quê quán khác nhau nhưng cùng chung nét mực, chữ ký và cùng một chủ tịch xã”.
Hiện nay, để không tuyển phải công nhân “bất hảo”, ngoài việc xem xét kỹ lưỡng hồ sơ dự tuyển, nhiều công ty khi phỏng vấn còn kiểm tra hình xăm trên người dự tuyển, nếu có thì loại. Chị K. cho biết có nhiều công nhân vào làm việc rất chăm chỉ, nhưng khi bị công an bắt, công ty mới biết đó là nghi phạm đang trốn lệnh truy nã.
Công Nguyên - Tuy Phong
Bình luận (0)