Những hạt sạn quá cỡ trong "Văn minh vật chất của người Việt"

14/10/2011 23:11 GMT+7

Cuốn Văn minh vật chất của người Việt (VMVCCNV) của Họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng là một công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu bao gồm nhiều lĩnh vực: văn hóa, xã hội, văn học, lịch sử, mỹ thuật, rồi cả khảo cổ nữa...

Nhưng vì ông đã tự tin và dũng cảm một mình một ngựa rong ruổi trên khắp “thảo nguyên” mênh mông và sâu thẳm của nền văn minh vật chất của người Việt nên đã không tránh khỏi những hồ đồ, thậm chí là ngộ nhận rất tai hại nguy hiểm.

Người viết bài này không ý định vạch lá tìm sâu, nhưng cực chẳng đã, không thể không lên tiếng.

Chỉ ở riêng góc độ văn hóa, mà khi xem, đọc đến những chi tiết sẽ nêu sau đây, tôi cứ thấy nó gai gai ở sống lưng, có cảm giác như lúc đang nhai một miếng ngon bất ngờ gặp hạt sạn quá cỡ.

Ở trang 37 tác giả in lại hình vẽ trích trong sách Kỹ thuật của người An Nam, của Henri Oger, NXB Thế giới 2009 với hình hai ngôi nhà có những dòng chữ Nôm ở trên tường cùng một chú thích: Phố An Nam. Trên tường nhà có ghi: Đ. Mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này. Có phải là người Việt xưa tự chửi mình không? Hay là Tây nó chửi mình? Mà sao nỡ chép lại, trích lại một cách tự nhiên, hồn nhiên thế, vô ý thức đến thế?

Ở trang 256, tác giả nói về việc hai con chó đi tơ (giao phối) và viết “cả người lớn và trẻ con xúm lại xem như một trò tiêu khiển thích thú”. Khổ quá! Một cái việc “lẹo mắt” tục tĩu tục tằn thô thiển đến thế sao lại nỡ viết là “trò tiêu khiển thích thú” được?

 

Trang 562, tác giả viết: “Ở thành phố, những giấy thải dùng sau khi phóng uế cũng được nhặt lại rửa sạch và đúc thành mũ cát”. Ở chi tiết này thì tác giả vừa hồ đồ lại vừa mất vệ sinh. Hồ đồ ở chỗ mũ cát ngày trước được làm từ những loại cây thân xốp (nhẹ như bấc, vùng Nam Định gọi là cây nhút, Thanh Hóa gọi cây phao đỉa) chứ không phải bằng bột giấy đúc (hay lá ép). Mất vệ sinh ở chỗ không ai mang cái thứ đã làm vệ sinh ấy mà chế ra cái thứ đội ở đầu cả. Đành là (và đồng ý là) dân ta nghèo, càng xa xưa càng nghèo. Nghèo nhưng mà không hèn, không bẩn, không hạ tiện. Ông bà xưa đã dạy nhau và dạy ta rằng “Đói cho sạch rách cho thơm”.

Trang 297 tác giả viết: “khi dùng mật trong xây dựng người ta thường đái vào đó một bãi để thợ khỏi ăn vụng”. Đúng là người Việt xưa khi xây nhà thường trộn mật mía vào vữa để tăng độ liên kết bền chắc. Song không phải ai cũng đủ tiền để mua mật trộn vữa. Và thường thì người ta chỉ trộn mật để xây đình, chùa, đền miếu và những bộ phận quan trọng là con trạch hoặc đầu đao trên mái nhà. Trộm hỏi có người Việt cổ nào dám cả gan to mật mà tiểu tiện vào những thứ linh thiêng ấy.

Trang 555, khi bàn về sự “va vấp với đời sống vật chất hiện đại, theo cách hiểu nào đó là va vấp với đời sống kỹ nghệ phương Tây có mặt ở Việt Nam”, tác giả trích hai câu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu: “Bữa thấy bòng bong che  trắng lốp, muốn tới ăn gan/Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ”. Rồi tác giả diễn giải: “Bòng bong ở đây là cái lều trại của quân đội thực dân Pháp, và ống khói chạy đen xì là tàu thủy thôi. Đó là những kỹ nghệ phương Tây đầu tiên mà người dân Nam Bộ trông thấy và khiếp sợ (...). Rồi người Việt lại quay ra sùng bái văn minh vật chất phương Tây...”.

Mới nhìn đã giận dữ muốn ăn gan, đã căm thù muốn cắn cổ rồi, thì sao lại sùng bái sợ hãi. Đã sùng bái và khiếp sợ thì còn động lực nào mà dám cắn cổ ăn gan nữa?...

Giá như tên cuốn sách được đặt là “Cảm nhận về VMVCCNV”. Ừ, thì thôi. Đó là cảm nhận riêng của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Nhưng đằng này, nó lại là VMVCCNV như là một thứ “bán từ điển” cho đời nay và cho đời sau tham khảo, tra cứu về gốc gác văn minh của cha ông mình, thì quả là tai hại!

Minh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.