Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cho biết: "Do những năm trước đây ông Tiệp chủ yếu thăm dò bằng phương pháp thủ công nên UBND tỉnh đã cho ngưng vì không có kết quả. Nay ông Tiệp đã ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội tiến hành khảo sát bằng máy đo từ trường MP-21T. Hơn nữa, ông Tiệp đã cùng các cộng sự trình bày hẳn một phương án thăm dò bằng máy móc hiện đại. Ông Tiệp cũng cung cấp bản đồ kho vàng, gia phả, các hiện vật, hình ảnh và các thông số kỹ thuật từ kết quả đo và phân tích bằng máy đo từ trường. Đây là những chứng cứ mà ông Tiệp thu thập được trong nhiều năm qua; cùng với tâm huyết của ông Tiệp quyết tâm theo đuổi tìm kho vàng rất lâu. Từ các lý do trên, UBND tỉnh đồng ý cho ông tiếp tục thăm dò nhưng dưới sự kiểm soát của nhà nước”.
|
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: “Ông Tiệp sẽ không được khiếu nại điều gì trong quá trình thăm dò và phải chịu mọi phí tổn”. Hết thời hạn (270 ngày) mà vẫn không tìm thấy dấu vết kho vàng thì phải ngưng mà không được phép gia hạn.
“Chỉ cần 3 - 5 tháng để lấy kho vàng lên!”
Tối 13.10, PV Thanh Niên gặp ông Tiệp tại nhà riêng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Dù đã 96 tuổi, hơi nặng tai, nhưng ông vẫn khỏe mạnh, đặc biệt là nhớ rất rõ những gì liên quan đến kho báu mà ông và các cộng sự “chuẩn bị đào lên”.
“Thứ hai này (17.10 - PV), tôi sẽ đích thân cầm 500 triệu đồng ra đóng tiền ký quỹ theo yêu cầu của tỉnh Bình Thuận. Sau đó, tôi và các con, cháu sẽ mất khoảng nửa tháng chuẩn bị người, xe ủi, máy móc. Hiện tôi đã chuẩn bị lực lượng gần 30 nhân công và sắp xếp người trông coi công trình và phân công anh Sáu (gọi ông Tiệp bằng bác) chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành công việc trong quá trình khai quật kho báu. Còn trên giấy tờ thì tôi vẫn đứng ra ký”, ông Tiệp nói.
Cũng theo ông Tiệp, ngoài số tiền, vàng đã bỏ ra nhiều năm nay để tìm kho báu, tiền ký quỹ, ông đã chuẩn bị xong 3 tỉ để thuê máy móc, trả lương nhân công.
“Cơ sở nào bác tin có kho báu và bác tin chắc lần này sẽ khai quật được kho báu?”, thấy chúng tôi có ý nghi ngờ, ông Tiệp lấy ra một xấp hồ sơ trên đó ghi rõ “Hồ sơ kho báu núi Tàu - Bình Thuận 1992-2008”, rồi nói như đinh đóng cột: “Toàn bộ sơ đồ kho báu đều nằm ở đây. Trong đó có đầy đủ tài liệu của người Nhật, Mỹ và cả dân địa phương ở khu vực núi Tàu. Tôi đã đi và đào trúng rồi, nhưng tôi chỉ lấy ra vài đồ yểm của kho báu thôi, chẳng hạn như thanh kiếm Nhật, đồng tiền yen của Nhật. Còn kho báu tôi chưa dám đụng tới vì lúc đó chỉ một thân một mình, không ai hỗ trợ, không có xe ủi, máy móc gì cả. Hơn nữa, nếu tôi lấy ra lúc đó thì dễ dàng bị bọn xấu giết để cướp đi kho báu thì sao. Còn bây giờ sau khi được chính quyền cho phép, có lực lượng bảo vệ đàng hoàng thì tôi mới yên tâm. Trước giờ tôi vẫn giữ bí mật, chưa cho ai xem hồ sơ này”, ông Tiệp nói.
Ông Tiệp cũng nói UBND tỉnh Bình Thuận cho ông đến 270 ngày (kể từ ngày 10.10.2011) để thăm dò kho báu là… quá thừa. “Nếu thời tiết thuận lợi thì tôi chỉ cần mất từ 3-5 tháng là lấy sạch đủ 4 kho báu, với hơn 4.000 tấn vàng”, ông Tiệp quả quyết.
Kế hoạch mới của ông Tiệp Ông Tiệp và các cộng sự trình bày chứng cứ mới: Qua phân tích bằng máy đo từ trường thì phát hiện dãy dị thường hẹp (chiều ngang khoảng 5m, chiều dài khoảng 100m); có sự tập trung điển hình dị thường với độ thăng giáng từ 5000 nT đến 7000 nT so với trường bình thường; dị thường này có thể là các khối quặng kim loại mang từ tính tự nhiên hoặc nhân tạo. Bằng phương pháp phân kim so sánh với 2 phương pháp đo độc lập Từ và Điện trước đó có thể nhận định như sau: Dị thường trùng lặp ở cả 3 phương pháp, độ rộng và độ lớn. Để đánh giá vùng dị thường này bắt buộc phải khoan thăm dò với các mũi khoan sâu tới 50m. Theo kế hoạch này, sẽ có 5 mũi khoan trên sườn phía đông núi Tàu để xác định vị trí "kho vàng". Quế Hà |
Minh Nam - Quế Hà
Bình luận (0)