Tổng thống Pháp ngày càng cô đơn

14/10/2011 22:25 GMT+7

Chỉ còn xấp xỉ 7 tháng trước kỳ bầu cử năm 2012, nhưng đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang trong tình thế vô cùng khó khăn.

Với chiến thắng khá thuyết phục năm 2007 và sau đó, đối thủ chính là đảng Xã hội liên tiếp lâm vào cảnh chia rẽ nội bộ, con đường tái đắc cử của Tổng thống Nicolas Sarkozy tưởng chừng khá bằng phẳng. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Những cải cách của ông không thành công trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế châu u. Hậu quả là đảng cầm quyền UMP thất bại tại tất cả các kỳ bầu cử địa phương, góp phần đưa cánh tả lần đầu tiên nắm thế đa số tại Thượng viện trong mấy chục năm qua. Trên những phông nền u ám đó, hàng loạt vụ bê bối gần đây liên quan đến cánh hữu càng khiến ông Sarkozy khốn đốn.

Chưa lâm trận đã mất tướng

Hầu như những cộng sự thân tín nhất của Tổng thống Sarkozy đều bị pháp luật “hỏi thăm” trong những tháng vừa qua. Nhẹ thì bị thẩm vấn, nặng thì bị khởi tố, tạm giữ, cách chức… Bộ trưởng Ngân sách Eric Woerth phải ra đi một phần do bị tố nhận nhiều khoản tiền thiếu minh bạch từ người phụ nữ giàu nhất nước Pháp Liliane Bettencourt. Chưa hết, tờ Le Monde khởi kiện Điện Élysée vi phạm luật về nguồn tin báo chí. Theo cáo buộc của Le Monde, trong lúc phóng viên của báo đang điều tra vụ Woerth-Bettencourt thì Phủ Tổng thống đã ra lệnh cho Cục Tình báo nội vụ trung ương (DCRI) theo dõi phóng viên này.

Từ lúc còn làm Bộ trưởng Nội vụ cho đến khi đắc cử tổng thống, ông Sarkozy luôn xếp các cộng sự thân tín của mình vào vị trí lãnh đạo của các cơ quan cảnh sát, tình báo, viện công tố… Hệ thống chặt chẽ này đang bị vụ Le Monde làm lung lay. Theo tờ France Soir, thẩm phán Philippe Courroye, một nhân vật thân cận với ông Sarkozy, có thể bị khởi tố vì “thu thập dữ liệu cá nhân một cách bất hợp pháp” của phóng viên báo Le Monde. Ngoài ra, Giám đốc Tổng nha cảnh sát quốc gia Frédéric Péchenard và Giám đốc DCRI Bernard Squarcini có thể phải ra giải trình trước tòa về vai trò trong vụ việc.

Vụ Le Monde vẫn còn trong quá trình điều tra thì chính trường Pháp lại rúng động vì nhiều vụ bê bối khác. Một số nhân vật cấp cao của đảng UMP như cựu Tổng thống Jacques Chirac và cả bản thân ông Sarkozy bị đồn là có quan hệ mật thiết và nhận tiền của một số nhà lãnh đạo gây tranh cãi của châu Phi. Chưa hết, hai cộng sự thân tín của Tổng thống Sarkozy là Thierry Gaubert và Nicolas Bazire bị khởi tố vào cuối tháng trước do vướng vào bê bối tài chính liên quan tới các thương vụ bán vũ khí cho Pakistan và Ả Rập Xê Út trong thập niên 1990.

Nội công, ngoại kích

Có thể nói, “góp công” lớn nhất làm ông Sarkozy rơi vào tình thế hiện nay chính là các thẩm phán. Đây là hệ quả của quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Tổng thống Pháp với những người nắm giữ cán cân công lý. Vốn đã “hục hặc” từ lâu, sau khi đắc cử tổng thống, ông Sarkozy đã thực hiện hàng loạt cải cách ngành tư pháp, đóng cửa gần 200 tòa án loại nhỏ, theo Đài Europe 1. Tổng thống Pháp còn nhiều lần chỉ trích các thẩm phán trước công chúng. Chính vì vậy, theo tờ L’Express, việc thẳng tay thụ lý các vụ bê bối liên quan đến đảng cầm quyền là chiến lược trả đũa của giới mặc áo thụng đen.

Tổng thống Sarkozy cũng còn phải dè chừng những đối thủ tiềm ẩn ngay trong đảng UMP. Những người tin cẩn nhất thì đang sa lầy, xung quanh ông Sarkozy hiện toàn là những người không “cùng cánh” như Bộ trưởng Kinh tế François Baroin, Ngoại trưởng Alain Juppé… Thậm chí, Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire quan hệ khá gần gũi với địch thủ “không đội trời chung” của ông Sarkozy là cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng việc Tổng thống Sarkozy thất bại vào năm sau sẽ có lợi cho một số cá nhân trong đảng UMP. Những người này  chấp nhận “nhường” một nhiệm kỳ tổng thống được dự đoán là rất sóng gió vì hậu quả của khủng hoảng kinh tế cho đảng Xã hội để tập trung toàn lực cho kỳ bầu cử năm 2017.

Những đối thủ chính của Tổng thống Sarkozy

Theo kết quả thăm dò hồi đầu tháng 10 trên tờ Le Monde, ông Sarkozy chỉ nhận được sự ủng hộ của 21% cử tri Pháp. Trong khi đó, dù đến tối 16.10 mới có kết quả bầu cử nội bộ chọn người đại diện ra tranh cử vào năm 2012 nhưng cả hai ứng viên của đảng Xã hội đều đạt số điểm khá cao: 32% cho Chủ tịch Hội đồng tỉnh Corrèze François Hollande và 29% cho Thị trưởng thành phố Lille Martine Aubry. Một gương mặt nổi bật khác là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Marine Le Pen với tỷ lệ ủng hộ 17%.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.