Theo báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, từ 1.10.2010 đến 31.7.2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 163 vụ việc tham nhũng với 349 bị can về các tội thuộc nhóm tội tham nhũng; VKSND các cấp đã truy tố 194 vụ tham nhũng với 391 bị can; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 171 vụ với 409 bị can… Đã có 67 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, trong đó cách chức 14 người, cảnh cáo 16, khiển trách 34… Chính phủ nhận định mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng năm qua song nhìn chung tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp.
Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, việc phát hiện vi phạm tham nhũng tới hơn 11.400 tỉ đồng nhưng chỉ mới thu hồi được trên 300 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 2,6%) là quá ít.
“Sốt ruột” vì cho rằng báo cáo phòng chống tham nhũng Chính phủ trình chưa rõ các giải pháp để giải quyết những tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng - vấn đề vốn được nêu đi nêu lại nhiều năm trong báo cáo - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phân tích làm rõ hơn các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác này để đặt ra một lộ trình cụ thể giải quyết các tồn tại đó, “đẩy lùi tham nhũng” như báo cáo nêu hoặc là trong năm tới, hoặc vài ba năm tới chứ không thể khẳng định “đẩy lùi” mà không rõ đến thời hạn nào sẽ làm được như vậy.
Lãng phí, thất thoát vẫn “nhức nhối”
Thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng: hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí đã và đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đến quyết toán công trình. Cũng theo báo cáo thẩm tra, sự lãng phí còn thể hiện cả trong tiêu dùng của nhân dân với tâm lý tiêu dùng còn thực dụng, phô trương, hình thức; vượt quá mức thu nhập bình quân. Tình trạng sính hàng ngoại như ô tô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia… đang nảy sinh trong một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Năm 2011, có khoảng 500 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ. “Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương gây lãng phí lớn cho xã hội”, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Đề xuất giám sát đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Tại phiên họp sáng 14.10, Ủy ban TVQH đã chốt danh sách các chuyên đề về hoạt động giám sát của QH và Ủy ban TVQH trong năm 2012. Theo đó, về hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH nhất trí đề xuất QH 3 chuyên đề để lựa chọn ra 2 chuyên đề giám sát trong năm tới, gồm: giám sát đầu tư công với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn; giám sát về đất đai liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đền bù giải tỏa; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và thực hiện Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tương tự, nội dung dự kiến để UBTVQH giám sát trong năm tới cũng được đề xuất để QH quyết định chọn 2 trong số 3 chuyên đề, gồm: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người có công; giám sát việc thực hiện chính sách đất ở và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. |
Bảo Cầm
Bình luận (0)