Truyện Nguyễn Nhật Ánh và tôi

16/10/2011 02:09 GMT+7

Hồi nhỏ đọc sách, tôi nhất quyết nghĩ rằng nhà văn toàn là những người đã… chết rồi. Chép lại câu văn này, phát biểu nọ của các nhà văn trong sổ tay, sổ làm thơ, tôi hằng đinh ninh trong nội tâm, họ ở đâu đó rất xa, ở thế giới bên kia, ở thời quá khứ, tôi không bao giờ gặp họ, nhưng họ vẫn đang hiện diện trước tôi đây, cả những người tôi biết mười mươi đã chết từ thời cổ đại Hy Lạp, qua các trang sách mở. Sau này, tôi cảm thấy rõ hơn mối liên hệ bí mật nào đó của tôi với đời sống của những cuốn sách, mà tôi cho rằng nó là một dạng thân xác phi thân xác, vừa bất hoại vừa tan loãng vô tận trong không gian, thời gian.

Giờ tôi hiểu rõ hơn, tại sao hồi nhỏ mình lại yêu đến thế những cuốn sách buồn cười và làm đầu óc sảng khoái. Sách của Nguyễn Nhật Ánh là vậy. Ông bổ sung vào cái đời sống ít tiếng cười, nhiều mơ mộng của tôi loại vitamin ngon lành sống động…

Một tác giả khi được ái mộ, cũng rất dễ trở nên một thứ thời thượng. Cả sự ái mộ đó cũng dễ trở nên thời thượng. Thế mà với trường hợp Nguyễn Nhật Ánh, tôi muốn gạt ra ngoài cảm giác “thời thượng” hay “thời trang”: may sao, tôi vẫn thấy ông xa vời đâu đó, để tôi dù không gặp ông, vẫn cứ là đang trò chuyện với một người bạn cũ.

Nguyễn Nhật Ánh được trời phú cho cái số đắt sách. Ông nhất định không phải nhà văn “ăn khách”, ông là nhà văn đắt sách, bởi “ăn khách” theo kiểu đắt show, xuất hiện thường xuyên trên các báo, ắt không phải ông. Tôi cho rằng có những người không bận tâm về “mốt” mà lại rất “mốt” mà lại không bao giờ lỗi mốt, lạ thật đó chứ!

***

Nguyễn Nhật Ánh có am tường tâm lý trẻ thơ bây giờ không? Tôi không dám chắc, nhưng tôi nghĩ ông vẫn là một nhà thơ.

Hôm khai trương chi nhánh NXB Trẻ ở Hà Nội, tôi nhòm ngay thấy tập Lá nằm trong lá bìa cứng bìa mềm lẫn hai tập sách của Phan Thị Vàng Anh, hai “tình yêu nhỏ nhỏ” khác nhau của tôi một thời, đòi tặng lẫn đòi mua đều… không có sách. Rồi phần bận bịu, phần trời mưa, mạch máu tôi nhất quyết chảy toàn những âm u, bỗng đêm nay tự nhiên cái nhịp điệu réo rắt “lá nằm trong lá” làm tôi háo hức, tôi cầm cuốn sách lúc đã gần 2 giờ sáng, đọc mấy trang đầu, có vẻ “không được cười”, rồi đụng phải chuyện “bút nhóm”, gặp chính chuyện của mình, thế là, lại cuốn vào như thường lệ, tôi lại đọc một lèo Lá nằm trong lá.

Trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, cái lãng mạn cái trữ tình và cái đời thường nhất quyết không phải những thứ ăn nhập gì nhau, mà là những thứ dĩ nhiên phải quấn quyện vào nhau. Thành ra, nó không lãng mạn hóa, nó rất hiện thực, ngược lại, không hiện thực hóa, nó quá chừng lãng mạn.

Tôi không có nhu cầu đọc Nguyễn Nhật Ánh để “biết” thêm điều gì mới, nhưng tôi vẫn cứ đọc Nguyễn Nhật Ánh, chung thủy vô tội. Tôi cũng không biết, sách Nguyễn Nhật Ánh in ra nhiều thế, các bạn bây giờ ở tầm tuổi tôi ngày xưa đọc Nguyễn Nhật Ánh ra sao. Chắc hẳn những chuyện ông kể, những tình bạn, tình yêu ông kể, chắc đã khác xa bây giờ, chắc gì các bạn trẻ đã đọc ông vì “đồng cảm” hay nhân vật của ông “đồng cảnh” với họ, như thế hệ chúng tôi. Bây giờ đọc Nguyễn Nhật Ánh, biết đâu chẳng phải do ở mỗi người, lúc nào cũng… lưu ban một góc lãng mạn, hoài cổ, có khi, một cậu/cô nhóc nào lúc sắp rời trường cũng từng nghĩ đến việc “hay ta lưu ban thêm một năm, ở lại đây cho bớt nhớ thương”.

Lúc đầu, tôi định gọi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn đắt sách, giờ tôi lại muốn gọi ông là nhà văn hoài cố! Sách mới ra, tôi không vồ lấy nữa, không phải giành giật với ai nữa, tôi để nó nằm đó, tôi ngắm cái hình vẽ minh họa đơn giản quen thuộc, gặp lại một người bạn cũ, đôi khi gặp lại bạn cũ lòng ta cũng nguội ngắt ngơ, nhưng tôi vẫn còn nhớ là tôi đã từng yêu mến người bạn của mình đến thế nào, điều đó làm tôi dịu dàng hơn. Tôi đọc Nguyễn Nhật Ánh vội vàng hơn, nhưng nhất định vẫn không thôi yêu mến.

Nhưng dẫu thế nào, tôi nghĩ bạn đọc, những bạn đọc còn một đứa bé trong mình, lúc nào cũng có thể đón chờ quà tặng của Nguyễn Nhật Ánh: những cuốn sách của ông luôn mời mọc sự khám phá, cái thú hiếu kỳ với mọi sự đời thường, miễn là còn trái tim phập phồng và còn đôi mắt reo vui khi thấy “lá nằm trong lá”. Cái thú hiếu kỳ đó, là phẩm chất đẹp đẽ của mọi cuốn sách của trẻ thơ.

8.10.2011

Nhã Thuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.