Đề xuất cấm xe con giờ cao điểm

17/10/2011 23:38 GMT+7

Nhiều đề xuất cấm đã được đưa ra khi Bộ Giao thông vận tải họp với các lãnh đạo, sở ngành Hà Nội, các chuyên gia về chất lượng xe buýt vào chiều 17.10.

Điều chỉnh giờ học, giờ làm

Theo ông Nguyễn Phi Thường, TGĐ TCT vận tải Hà Nội (Transerco), vấn đề lớn nhất của xe buýt là không có đường để đi, giờ cao điểm có thể chậm đến 40 phút, xe 80 chỗ nhưng phải gánh 200 hành khách. Ông Thường xin cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển xe buýt.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đặt luôn vấn đề cho ông Thường: “Lượng khách hiện nay bao nhiêu phần trăm là học sinh, sinh viên (HS-SV), nếu giải quyết kiến nghị của DN thì có thể giải quyết được các tồn tại của xe buýt không?”.

 
Hà Nội vẫn chưa thể tìm được cách đột phá nâng chất lượng của xe buýt - Ảnh: Ngọc Thắng

Khẳng định có thể làm được, nhưng lãnh đạo Transerco vẫn đưa ra những giải pháp không mới khi cho rằng, với lượng khách 80% là HS-SV, phải giải quyết về mặt cung cầu, như giảm tải về cầu (giờ học lệch giờ cao điểm), về cung (tăng khả năng lưu thoát của xe buýt bằng cách tăng tần suất, một số xe tăng cường vào giờ cao điểm).

Cắt ngang lời ông Thường, ông Thăng quyết liệt: “Các giải pháp này chưa mang tính đột phá. Tôi muốn có các giải pháp đột phá, đến giờ cao điểm cấm các loại xe khác, chỉ để xe buýt hoạt động thì có giải quyết được không? Các ông phải đề xuất những vấn đề như thế mới được, còn giải pháp như thế này vẫn đâu sẽ vào đấy hết. Mấu chốt là giờ cao điểm mà xe khác vẫn vào thì xe buýt có tăng tuyến nữa cũng không vào được”.

Dẫn lại kinh nghiệm từ Trung Quốc, theo Bộ trưởng Thăng, nước này quy định ô tô lưu thông ngày chẵn lẻ, đấu thầu lưu thông, nhưng giờ cao điểm tại một số tuyến phố chỉ có xe công cộng vào. “Mình có làm được không? Nếu đề xuất thì có vi phạm luật không, phải là giải pháp không mất thời gian, làm được ngay, vì nếu không dân vẫn bức xúc”, ông Thăng nhấn mạnh.

Tôi đề xuất giờ cao điểm cấm các xe con vào có được không? Cấm 1 tiếng tại một số trục, các anh có xe riêng phải chờ hoặc đi đường khác

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ngay cả 12 giải pháp đưa ra từ chính Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng không có nhiều chất đột phá, chẳng hạn như lựa chọn phương tiện phù hợp mặt cắt đường, mở rộng xe từ các vùng ngoại ô vào, tăng cường giáo dục đào tạo lái xe, nghiêm cấm lấn chiếm vỉa hè...

Đề xuất tương đối mới mà ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải, đưa ra là tất cả các cơ sở kinh doanh trong vành đai 2 phải mở cửa sau 9 giờ; các tuyến đường một chiều thì xe buýt được chạy hai chiều.

Theo Bộ trưởng Thăng, để giảm ùn tắc giao thông, Bộ GD-ĐT đồng ý cho điều chỉnh giờ học, bây giờ phải tính toán cụ thể giờ cho HS-SV, giờ cho các cơ quan của Hà Nội, giờ cho cơ quan T.Ư. Tuy nhiên, trên thực tế, đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm việc để giảm tải ùn tắc không hề mới, và những lần thực hiện trước đây tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã không cho kết quả như ý.

Cấm vào giờ cao điểm

“Tôi đề xuất giờ cao điểm cấm các xe con vào có được không? Cấm 1 tiếng tại một số trục, các anh có xe riêng phải chờ hoặc đi đường khác”, ông Thăng nêu vấn đề.

Dẫn lại câu chuyện Bộ Công an từng đưa ra quy định mỗi cá nhân chỉ đăng ký một phương tiện nhưng bị phản đối, ông Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, cho rằng hạn chế phương tiện cá nhân phải theo cơ chế chính sách, “tôi không cấm xe cá nhân, nhưng ai sử dụng phải chấp nhận cuộc chơi, lệ phí cao, thuế đánh cao”.

Nêu lên bất cập của các trường hợp vừa đưa con đi học, vừa đi làm ở hai tuyến đường khác nhau, dẫn tới việc người dân muốn đi xe buýt cũng khó, đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cho rằng phải tính kỹ điều này. Ông Ngọc cũng đề xuất cần hạn chế xe taxi giờ cao điểm, như đấu thầu trong một số tuyến, những tuyến lớn hai đầu xe buýt hoạt động thì không cho taxi vào. “Hà Nội hiện có hơn 100 hãng với hơn 15.000 xe taxi nhưng chưa điều tiết được, một số tuyến lưu lượng đông xe taxi đổ vào, gây ùn tắc”, ông Ngọc nói.

Thúc giục Hà Nội phải nhanh chóng đưa ra các dự án làm cầu vượt ghép tại các nút giao thông lớn, ông Thăng khẳng định: “Làm cầu vượt, Hà Nội có thể thiếu nhiều tiền nhưng không thể thiếu mấy trăm triệu làm cầu vượt ghép nhẹ. Nếu được làm tiếp, không được tháo ra, không ảnh hưởng gì. Nếu lãng phí, bộ sẽ chịu cho Hà Nội một nửa”. Ông Thăng nhấn mạnh: “Các tuyến cao điểm mà nhân dân bức xúc, dứt khoát cấm xe taxi. Đề nghị một số tuyến cấm xe taxi và hạn chế xe cá nhân bằng cách thu phí...”.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Transerco, qua khảo sát, 8% hành khách đánh giá thái độ phục vụ trên xe buýt kém, 1% đánh giá rất kém. Ngoài ra về lý do không đi xe buýt, 65% người được khảo sát cho biết không đi xe buýt do phải chờ lâu, 16% do mức độ phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe ẩu.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.