Học kỳ trên biển về đến Cà Mau

19/10/2011 19:12 GMT+7

(TNO) Hôm nay 19.10, Đoàn Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển đã đến bến Vàm Lũng (H.Ngọc Hiển, Cà Mau).

Sau khi tàu HQ 996 cập bến Năm Căn, đoàn đã vượt gần 30 km bằng thuyền để đến bến Vàm Lũng.  

Tại bến Vàm Lũng, ngày 19.10.1962, tàu Phương Đông 1 từ miền Bắc chở vũ khí vào cập bến an toàn, khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Sau đó đã có 75 chuyến tàu không số khác chở 4.294 tấn vũ khí cập bến thành công.

Đến Vàm Lũng, đoàn hành trình đã đến thăm gia đình anh hùng Bông Văn Dĩa, người mở đường Hồ Chí Minh trên biển và là một trong những cánh chim đầu đàn của đoàn tàu không số năm xưa; trao 6 căn nhà, 22 sổ tiết kiệm cho các gia đình cựu thủy thủ tàu không số tại Cà Mau; thăm lại dấu tích các con tàu không số năm xưa đã cập bến và được người dân che giấu.

Gặp lại các anh “bộ đội miền Bắc” sau gần 40 năm xa cách, bà Út Lợi (Phan Thị Lợi) vui mừng khôn xiết. Năm 1962, khi mới 13 tuổi, cô bé hạt tiêu Út Lợi đã tham gia cách mạng với vai trò gác tại cửa biển Chim Đẻ gần Vàm Lũng để cảnh giới cho các chuyến tàu không số từ miền Bắc vào cập bến và bốc dỡ vũ khí; đặc biệt là canh gác cửa sông nơi giấu tàu trong một thời gian dài, không cho bất cứ ai xâm phạm, đảm bảo an toàn tuyệt mật.

Mẹ con bà Út Lợi đã từng nhường nhà mình cho bộ đội ở và che giấu tàu. Ông Đỗ Xuân Tâm - cựu thủy thủ tàu không số năm xưa xúc động nói: “Bà ấy ngày xưa bé tẹo nhưng gan lì và lanh lợi lắm. Địch kiểm soát rất gắt gao, truy lùng rất dữ, nhưng chúng tôi vẫn đưa được tàu đến đích an toàn là nhờ được sự che chở, giúp đỡ của mẹ con cô Út và người dân Cà Mau. Lúc đó, mỗi người dân Cà Mau như là một chiến sĩ”.

Trở lại Vàm Lũng, trong ký ức ông Nguyễn Đắc Thớ - cựu thủy thủ tàu không số, Vàm Lũng bây giờ vẫn còn nguyên nhiều nét của hơn 40 năm trước: Kênh, rạch chằng chịt và những rừng cây ngập mặn rợp bóng ven bờ, tuy nhiên rừng đã trụi hơn nhiều. Những rừng cây này xưa kia là nơi che giấu tàu rất tốt của đội quân tàu không số sau khi tàu cập bến.  

“Điểm đến này để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trong điều kiện khó khăn về đường đi, về sự kiểm soát của địch như ở Cà Mau nhưng những thủy thủ tàu không số vẫn vượt qua thử thách để đưa được hàng chục chuyến tàu cập bến thì đúng là chỉ có trong huyền thoại” - bạn Nguyễn Thị Như Trang (ĐH Vinh, Nghệ An) nói. 

 
Đoàn Hành trình lên thuyền chuyển tải di chuyển gần 30 km về huyện Ngọc Hiển - nơi có di tích tàu không số Vàm Lũng


Thuyền chở đoàn lướt trên sóng nước Cà Mau


Về huyện Ngọc Hiển, đoàn hành trình lại được chào đón bằng những chiếc khăn rằn quàng lên cổ rất ấn tượng


Cựu binh tàu không số vẫy chào thế hệ trẻ Cà Mau


Thành viên đoàn hành trình hân hoan khi được về đất Cà Mau anh hùng


Cựu binh tàu không số Đỗ Xuân Tâm và bà Phan Thị  Lợi (là du kích ở xã Tân n, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) vui mừng gặp lại nhau sau hơn 30 năm


Những đồng đội cũ sau nhiều năm gặp lại


Điểm nhấn của hành trình ở Cà Mau là các trung đội tham gia trò chơi tìm dấu tích huyền thoại tàu không số tại khu vực cửa Vàm Lũng như nơi neo đậu tàu, kho vũ khí, nơi giấu tàu, nơi phá hủy tàu...


Các đội đi tìm những dấu tích tàu không số khu vực Vàm Lũng, Cà Mau


Một đội tìm ra nơi neo đậu của tàu không số


Và tiếp tục giải mật mã tìm các điểm đến khác

 
Thăm nhà người thuyền trưởng đầu tiên Bông Văn Dĩa 

Khánh Hoan - Trương Quang Nam - Hạ Mi
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.