"Cấm xe con vào giờ cao điểm"; "cấm các loại xe chỉ để xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm"; "cấm taxi ở các tuyến cao điểm..."... Có thể thấy, hầu hết giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trong cuộc họp về chất lượng xe buýt tổ chức ngày 17.10 tại Hà Nội đều là "cấm". So với các giải pháp mang tính hạn chế trước đó, "cấm" thể hiện sự quyết liệt, rất "đúng chất" mà người đứng đầu Bộ GTVT thể hiện thời gian qua. Nhưng có thể khẳng định, "cấm" không thể coi là giải pháp, mà đúng hơn, nó thể hiện sự bế tắc trong việc tìm lối ra cho nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng hiện nay. Bởi tư duy "không quản lý được thì cấm" thường đi ngược lại với sự phát triển.
Đặt giả thiết, nếu chúng ta rối ở đâu, vướng chỗ nào cũng "cấm" thì không cần phải đau đầu xây dựng các quy hoạch, cũng chẳng phải hết lần này, lần khác đưa vào thử nghiệm, thí điểm các giải pháp. Cứ "cấm" là xong. Cụ thể trong vấn đề ách tắc giao thông, nếu cấm hết mọi loại xe, chỉ để xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng thử nhìn lại năng lực và dịch vụ của xe buýt VN sẽ thấy, giải pháp này hoàn toàn không khả thi. Đơn cử TP.HCM hiện chỉ có 3.000 xe buýt (phần lớn đã xuống cấp) và 10.000 taxi trong khi Singapore, diện tích chỉ bằng 1/3 TP.HCM nhưng có đến 15.600 xe buýt, 24.300 taxi, chưa kể nhiều loại hình vận tải khác. Câu hỏi đặt ra là, nếu cấm các phương tiện khác, người dân sẽ đi bằng gì? Thậm chí đặt trường hợp nếu có đủ xe buýt để phục vụ đi chăng nữa thì một loạt các bất tiện khác của xe buýt tại VN như phóng nhanh vượt ẩu; bến bãi thiếu, chưa thuận tiện cho người sử dụng; thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp... cũng sẽ khiến nhiều người tẩy chay loại phương tiện này. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cũng thừa nhận, tình trạng móc túi trên xe khiến ông “sợ mất vía”...
Vậy có thỏa đáng không nếu chúng ta "ép" người dân phải đi xe buýt khi chất lượng, dịch vụ tệ như vậy?
Kẹt xe là do nhiều nguyên nhân. Đó là hệ thống đường sá quá nhỏ hẹp; phân luồng chưa hợp lý; người lao động ngoại tỉnh đổ dồn về các TP lớn; hệ thống phương tiện giao thông công cộng yếu kém; ý thức người tham gia giao thông chưa cao... Vì vậy, muốn giải quyết tình trạng này, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chứ không thể đổ tất cả "tội lỗi" cho phương tiện cá nhân. Từ đó, coi phương tiện cá nhân như tội đồ để cấm hay hạn chế bằng đủ các loại phí. Điều này không chỉ tạo nên sự thiếu công bằng mà quan trọng hơn là cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Quá nhiều nguyên nhân lại tồn tại nhiều năm nên nếu "dục tốc" sẽ khó đạt kết quả trong việc giải quyết nạn kẹt xe tại các TP lớn. Tuy nhiên, với nhiệt huyết, quyết liệt, luôn tìm tòi ý tưởng mới, đột phá... Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Bộ trưởng sẽ tháo gỡ dần dần những nút thắt của ngành giao thông bằng những giải pháp phù hợp với thực trạng của ngành giao thông hiện nay.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)