Ngoài ra, lãnh đạo CCT Q.1 không cương quyết chỉ đạo việc truy thu thuế của HTX xe du lịch số 2 (HTX số 2), để hết hiệu lực truy thu thuế gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỉ đồng.
Tiền trong tài khoản chưa mất không có nghĩa là không gây ra thiệt hại
Trước hết, đối với khoản hơn 1.400 tỉ đồng như kết luận của Tổng cục Thuế thì “số tiền trên tài khoản 921 hay tài khoản 741 đều là các khoản tiền nộp vào Kho bạc Nhà nước, Chi cục Thuế không thể rút ra sử dụng vào mục đích khác”. Kết luận này theo chúng tôi là không thỏa đáng, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nghiêm trọng của việc “ngâm” một khoản tiền đặc biệt lớn trong “két sắt” một thời gian dài, mà lẽ ra nó phải được lưu thông, sinh lời. Chưa cần phải tính toán cụ thể, thì ai cũng biết nếu số tiền này được đưa vào lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì tiền lãi cũng lên tới hàng chục tỉ đồng. Kết luận như Tổng cục Thuế thì khác gì “đánh bùn sang ao”, huề cả làng. Khi quy định hai loại tài khoản khác nhau, tức là cơ quan thuế đã tính đến tác dụng của hai loại tài khoản này. Tiền trong tài khoản chưa mất không có nghĩa là không gây ra thiệt hại. Như Thanh Niên số ra ngày 14.10.2011, trong bài Có thất thoát hay không thất thoát?, tác giả Đàm Huy đã phân tích tương đối cụ thể. Còn thiệt hại cụ thể là bao nhiêu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 hay khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự thì Cơ quan điều tra phải chứng minh; việc chứng minh không phải là không làm được.
Xin nói thêm rằng, thiệt hại do hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ bao gồm những thiệt hại do hành vi cố ý trực tiếp gây ra (bị chiếm đoạt, bị mất...), mà còn bao gồm các thiệt hại gián tiếp do hành vi cố ý gây ra. Ngoài thiệt hại về vật chất, hành vi “ngâm” hơn 1.400 tỉ đồng trong tài khoản 921 còn gây ra những thiệt hại phi vật chất, gây bất bình cho các doanh nghiệp và gây mất lòng tin của xã hội vào các cơ quan thuế.
Nếu lãnh đạo CCT Q.1 có chủ trương cho các doanh nghiệp chuyển tiền vào TK921, hoặc biết trong TK921 có một số tiền lớn “nằm chết” mà theo quy định sau khi kiểm tra phát hiện được vẫn cố tình không chuyển sang TK741 thì đó là hành vi phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Chắc chắn, lãnh đạo CCT Q.1 chẳng bao giờ thừa nhận có chủ trương cho các doanh nghiệp chuyển tiền vào TK921, còn các doanh nghiệp cũng chẳng dại gì lại nhận mình được lãnh đạo CCT Q.1 chỉ đạo. Tuy nhiên, bằng những quy định của Nhà nước về việc thông báo nộp thuế và trình tự nộp thuế, vẫn có thể kết luận được có cố ý hay vô tình đã chuyển “nhầm” tiền thuế vào TK921. Nếu chỉ có một vài doanh nghiệp hoặc một vài lần chuyển “nhầm” tiền thuế vào TK921 thì có thể lý giải được, còn ở đây từ năm 2009 đến 2011, có nhiều doanh nghiệp nộp nhầm vào TK921 với số tiền hàng chục tỉ đồng và sự nhầm lẫn này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 4.2010 đến hết tháng 7.2011, trong khi hằng tháng CCT Q.1 thường xuyên kiểm tra mà nói là chuyển “nhầm” thì không thể chấp nhận.
Gây thiệt hai tới 1,3 tỉ đồng chẳng lẽ lại “chưa cấu thành tội phạm"?
Ngoài khoản tiền thuế bị chuyển “nhầm” vào TK921, lãnh đạo CCT Q.1 không cương quyết chỉ đạo việc truy thu thuế của HTX xe du lịch số 2 (HTX số 2), để hết hiệu lực truy thu thuế gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỉ đồng. Vì sao không cương quyết? Vì “quên” hay vì lý do nào khác mà để Nhà nước thất thu 1,3 tỉ thì cũng không thể nói như Tổng cục Thuế là chỉ kiểm điểm xử lý “kỷ luật”, mà hành vi này là hành vi phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm tù. Là tội phạm rất nghiêm trọng vậy mà Tổng cục Thuế chỉ yêu cầu CCT Q.1 kiểm điểm thì sao có thể thuyết phục.
Thực tiễn xét xử nhiều Tòa án đã kết án hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mà thiệt hại vật chất 300-400 triệu đồng, còn gây thiệt hại tới 1,3 tỉ đồng chẳng lẽ lại “chưa cấu thành tội phạm"?
Liên quan đến thông tin UBND TP.HCM chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Hữu Tuyền và ông Đào Quang Sơn về một số hành vi vi phạm của ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng CCT Q.1, ông Nguyễn Hữu Tuyền đã đến Tòa soạn Báo Thanh Niên và khẳng định ông chỉ làm đơn khiếu nại về quyền tác giả đối với “phần mềm hậu kiểm” tại CCT Q.1, chứ không tố cáo đối với vụ việc “ngâm” hơn 1.400 tỉ đồng. Sau khi ông khiếu nại, Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định điều chỉnh quyền tác giả từ cá nhân bà Đ.T.M.X thành tập thể tác giả, trong đó có ông Tuyền. (M.Đ) |
Đinh Văn Quế
(Nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Bình luận (0)