Chính thức diễn tập chữa cháy, cứu người tại hầm Thủ Thiêm

22/10/2011 12:20 GMT+7

(TNO) Sáng 22.10, UBND TP.HCM đã cùng các sở, ngành, các đơn vị liên quan chính thức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ tại đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

>> Nghẹt thở xem diễn tập chữa cháy, cứu nạn trong hầm Thủ Thiêm
>> Ngày 20.11, thông xe hầm Thủ Thiêm
>> Chưa thu phí các phương tiện qua hầm Thủ Thiêm

Tình huống giả định là một xe tải gặp nạn tại đốt hầm thứ hai trong đường hầm Thủ Thiêm (hướng từ Q.1 sang Q.2) và bốc cháy gây tai nạn liên hoàn cho 15 ô tô theo sau. 

Khói độc tỏa ra mù mịt đe dọa tính mạng, sức khỏe của hàng trăm người có mặt trong hầm vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Nhiệm vụ của các đơn vị, sở ngành liên quan là cứu hộ - cứu nạn, giảm thiểu số nạn nhân tử vong, bị thương.

Sau buổi diễn tập, ông Lê Minh Trí - Phó chủ tịch UBND thành phố, trưởng ban chỉ đạo buổi diễn tập - đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị tham gia nhằm rút ra những kinh nghiệm phục vụ cho việc cứu hộ - cứu nạn nếu tai nạn thực tế xảy ra trong đường hầm Thủ Thiêm.

Theo ông Trí, nếu tai nạn cháy nổ ở đường hầm Thủ Thiêm xảy ra trong thực tế, các đơn vị liên quan cần bỏ qua những thủ tục báo cáo hành chính rườm rà làm chậm thời gian xử lý cứu người.

Ông Trí cũng lưu ý đến tình huống thực tế nếu có xảy ra cháy, nổ trong hầm Thủ Thiêm, lượng khói tỏa ra nhiều dễ làm nạn nhân chết ngạt.

“Rất cần ban hành cẩm nang lưu thông qua hầm Thủ Thiêm, trong đó quy định, giới thiệu, cảnh báo những điều cần thiết để mọi người biết và phòng thân”.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, nói buổi diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng của tất cả lực lượng tham gia thực hiện chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn; khả năng chỉ huy, điều hành chỉ đạo và phối hợp của các lực lượng tham gia.

Theo thiếu tướng Dương, tình huống tai nạn giả định xảy ra ở đốt hầm thứ hai được đưa vào buổi diễn tập vì vị trí này là nơi phức tạp nhất nếu xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn.

Hiện nay, lực lượng ứng cứu tại chỗ của trung tâm khai thác đường hầm Thủ Thiêm được Sở Cảnh sát PCCC thành phố huấn luyện rất kỹ và đường hầm Thủ Thiêm được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ tiên tiến nhất trong những đường hầm đã có.

Tuy nhiên, thiếu tướng Dương nói trong thời gian đầu khi đường hầm được đưa vào khai thác, một đội chữa cháy chuyên nghiệp sẽ túc trực thường xuyên tại đường hầm.

Dự kiến vào ngày 20.11, đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ được đưa vào sử dụng.

Thiếu tướng Dương cho biết, Sở Cảnh sát PCCC sẽ đề nghị và tham mưu cho UBND TP.HCM thành lập đội PCCC khu vực Thủ Thiêm để phục vụ chữa cháy khu vực xung quanh Q.2, Q.1 và đường hầm Thủ Thiêm.

Riêng đối với đường hầm vượt sông, thiếu tướng Dương cho rằng nên có quy định khoảng cách an toàn dài hơn trên đường bộ đối với các phương tiện tham gia giao thông.

Đối với những người lưu thông qua hầm trong thời gian tới, thiếu tướng Dương khuyến cáo, tùy loại xe, chủ phương tiện nên trang bị bình chữa cháy loại nhỏ cũng như thiết bị thở vì trong đường hầm Thủ Thiêm, một sự cố cháy nhỏ cũng tỏa ra rất nhiều khói dễ gây ngạt cho nạn nhân.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, thiếu tướng Dương cho rằng: “Rất cần ban hành cẩm nang lưu thông qua hầm Thủ Thiêm, trong đó quy định, giới thiệu, cảnh báo những điều cần thiết để mọi người biết và phòng thân”.


Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM phát lệnh diễn tập - Ảnh: Trần Duy


Lệnh đóng hầm, ngăn phương tiện lưu thông qua hầm trong thời gian xảy ra tai nạn - Ảnh: Trần Duy


Quang cảnh cứu thương trông như thật - Ảnh: Trần Duy


Đội cấp cứu tại hiện trường thuộc Hội chữ thập đỏ Q.1 (TP.HCM) sơ cứu cho một nạn nhân vụ tai nạn - Ảnh: Trần Duy


Nạn nhân của vụ tai nạn liên tiếp được đưa ra cửa hầm phía Q.1 để cấp cứu - Ảnh: Trần Duy


Một nạn nhân trên người bê bết máu (máu giả) - Ảnh: Trần Duy


Khiêng nạn nhân đi ra xe cứu thương - Ảnh: Trần Duy


Ê-kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện Sài Gòn đang khám cho một nạn nhân - Ảnh: Trần Duy


Cảnh sát PCCC TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: Trần Duy

 

Để phục vụ cho buổi diễn tập diễn ra trong hơn 1 tiếng, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đã huy động 65 chiến sĩ đóng giả người tham gia giao thông thực hiện công tác thoát nạn theo sự hướng dẫn của lực lượng PCCC đường hầm Thủ Thiêm; 16 cán bộ chiến sĩ đóng giả nạn nhân bị thương tích.

Bộ Tư lệnh thành phố đã sử dụng 30 quả đạn khói (do Sở Cảnh sát PCCC thành phố cung cấp) để tạo khói tại khu vực giả định cháy trong quá trình tập luyện, tổng duyệt và diễn tập.

Ngoài ra, Sở GTVT, Trung tâm quản lý đường hầm Thủ Thiêm, lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đã huy động 20 ô tô các loại, 50 xe gắn máy và hàng trăm diễn viên quần chúng đóng giả người tham gia lưu thông qua hầm Thủ Thiêm.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.