Thi công ẩu đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

22/10/2011 00:14 GMT+7

Ngày 1.11 tới đây, Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN sẽ đưa vào thông xe đoạn đường cao tốc từ QL21 đến Cầu Giẽ dài khoảng 20 km. Thế nhưng, theo khảo sát của PV Thanh Niên, trên đoạn đường này còn hàng loạt vấn đề chưa đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện.

 

Cây xanh èo uột không có tác dụng chắn lóa trên đường cao tốc - Ảnh: Hoàng Trang

Chúng tôi bắt đầu rẽ lên đường cao tốc này từ cầu vượt Liêm Tuyền (TP Phủ Lý, Hà Nam) đi ngược về phía Hà Nội. Dù chưa thông xe nhưng trên đoạn đường đã có khá nhiều phương tiện ô tô, xe máy lưu thông. Nếu chỉ thoáng qua sẽ cảm nhận con đường được thiết kế hiện đại, đẹp mắt với 4 làn xe chạy, nhưng khi cận cảnh, chúng tôi không khỏi giật mình bởi nhiều hạng mục được thi công quá ẩu trên công trình được coi là dự án trọng điểm quốc gia.

Cọc tiêu không chân

Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chậm tiến độ gần 1 năm

Bộ GTVT vừa cho biết, dự án xây dựng QL3 mới (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) đã triển khai 20/42 tháng, nhưng khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 15%. Tiến độ thi công các gói thầu chậm gần 1 năm. Nguyên nhân do BQL dự án 2, nhà thầu, tư vấn giám sát chưa phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, trong khi cơ quan tham mưu của Bộ chưa chỉ đạo quyết liệt. Bộ GTVT yêu cầu BQL dự án 2 sớm có biện pháp thực hiện tiếp để bù thời gian bị chậm. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu kiên quyết thay thế những nhà thầu kém năng lực để bảo đảm tiến độ dự án.

M.Hà

Một trong số các vấn đề đáng lo ngại trên đường cao tốc này là dãy cọc tiêu hộ lan và tôn sóng được lắp đặt ở hai bên lề đường. Theo chuẩn thiết kế, các cọc tiêu phải được đào xuống sâu 90 cm, đặt cọc tiêu bằng tôn rồi “đổ móng” bằng bê tông để cố định cọc, sau đó lắp thanh tôn sóng. Thế nhưng, theo quan sát của PV, có không ít cọc tiêu chỉ được chôn lấp sơ sài, có chỗ chỉ đắp qua loa bằng vữa trộn sỏi, có chỗ chỉ có đất và sỏi. Thậm chí, tại một số cọc tiêu cách cầu Liêm Tuyền ngược về Cầu Giẽ không xa, chúng tôi dễ dàng dùng tay không bới lớp bê tông vụn đổ dối phía trên, để lộ ra lớp đất ở dưới.

Cây chống lóa èo uột!

Một hạng mục khác có vấn đề là cây xanh ở dải phân cách. Theo hồ sơ mời thầu gói thầu cây xanh trên tuyến cao tốc này, loại cây được trồng gồm trúc đào, hoa giấy, ngâu. Đối với trúc đào phải đạt chiều cao 1,2m - 1,8m và có đường kính tán từ 0,5m đến 1m, đây cũng là loại cây được trồng phần lớn ở trên tuyến. Thế nhưng, theo quan sát của PV, không ít cây xanh không đạt chỉ số về chiều cao.

Chưa hết, trong hồ sơ mời thầu quy định, khi trồng cây xanh, hố trồng phải đào sâu xuống 1m và bồi vào toàn bộ là đất màu. Theo một người dân sống gần cầu Liêm Tuyền, các công nhân chỉ “khoét một lỗ nông choèn rồi trồng xuống”. Nếu theo chuẩn thiết kế, cây xanh trên đường cao tốc phải đạt được chiều cao và có tán nhằm chống lóa mắt vào ban đêm do đèn xe đi ngược chiều phản chiếu. Thực tế, với dải cây xanh trồng tại cung đường này, từ 1.11 tác dụng của việc trồng cây xem ra rất kém.

Nhà thầu thừa nhận sai phạm

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 56 km, có điểm đầu nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và điểm cuối gần TP Ninh Bình (đoạn từ Cầu Giẽ đến QL21 là đoạn đầu tuyến, sắp được thông xe). Đường có mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/giờ. Ngoài bề rộng mặt đường 22m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn. Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 5.422 tỉ đồng, sau đó tăng lên thành 8.974 tỉ đồng.

Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), Bộ GTVT, làm chủ đầu tư. Sáng ngày 21.10, ông Trần Ngọc Hoàng, Phó tổng giám đốc VEC, đề nghị PV Thanh Niên cùng “thị sát” trên tuyến để kiểm tra chất lượng công trình mà PV phản ánh. Đi cùng còn có đại diện nhà thầu, đơn vị giám sát. Sau khi kiểm tra, ông Hoàng nhìn nhận: “Tất là những phản ánh của PV là chính xác. Thay mặt lãnh đạo VEC tôi xin cảm ơn các nhà báo đã cung cấp thông tin. Đoạn đường này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục xong trước ngày 1.11”.

Trước yêu cầu giải trình của chủ đầu tư, đại diện Công ty CP xây dựng và cây xanh Hà Đô (trụ sở tại Hà Nội), đơn vị thi công gói thầu cây xanh, thừa nhận đã có khoảng 180m đường có cây đồng loạt không đạt chiều cao là do bị “phá hoại”, tại một số đoạn khác cũng có cây không đạt chuẩn nhưng số lượng không

nhiều (?). Cắt ngang giải trình nhà thầu, ông Hoàng yêu cầu: “Ngay trong ngày mai đơn vị thi công phải kiểm tra lại, nếu cây không đạt chuẩn phải nhổ bỏ, làm lại từ đầu”.

Đối với phần lớn cây trúc đào trồng trên tuyến không đủ tiêu chuẩn về tán chống lóa, nhà thầu giải thích khi bắt đầu trồng phải áp dụng biện pháp kỹ thuật là tỉa lá để cho cây thích nghi với điều kiện sống. Nhà thầu cũng cam kết sẽ chăm sóc đặc biệt để tháng 11 đủ điều kiện về tán.

Tại đoạn tuyến cao tốc thuộc địa phận xã Tiên Hải, H.Duy Tiên (Hà Nam), nơi có nhiều cọc tiêu hộ lan mềm không đạt chuẩn về móng bê tông, đại diện cho nhà thầu (thuộc liên doanh Tổng công ty xây dựng công trình thủy, Công ty cơ khí ô tô Ngô Gia Tự và Công ty 118) thừa nhận “do bị ép tiến độ nên công nhân đã làm ẩu”.

 

Cọc tiêu hộ lan mềm được đổ bê tông nhưng có thể dùng tay không bới lên

Thái Sơn - Káp Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.