Không chỉ bức xúc về việc cắt giảm đầu tư công thiếu hiệu quả, chưa nghiêm túc, tại phiên thảo luận tổ ngày 24.10 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2011, dự toán 2012, nhiều ĐB Quốc hội muốn Chính phủ phải giải trình rõ: Bao nhiêu dự án bị cắt, vì sao cắt và cái nào cắt nhầm? Dự án nào khởi công mới sai quy định?
“Cần phải rà soát lại việc xây dựng các cơ quan công quyền của nhà nước. Qua sự phản ảnh của cử tri, nhiều địa phương còn rất nghèo, dân rất khổ nhưng trụ sở của các cơ quan công quyền lại quá hoành tráng là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Phải rà soát lại tổng thể trên cả nước còn bao nhiêu khu vực dân cư mà nhân dân phải đi bằng cầu khỉ, trẻ em phải bơi qua sông đến trường để bố trí vốn, giải quyết khó khăn cho người dân vùng sâu, vùng xa đi lại, giao thông thuận tiện” - ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) |
“Cái đáng cắt thì không cắt”
ĐB Trịnh Ngọc Thạch - đoàn Hà Nội bức xúc trước tình trạng đầu tư dàn trải, đại trà. Chỗ nào cũng làm nhưng thiếu hiệu quả. “Có những dự án rất cần thiết nhưng vì chủ trương cắt giảm đầu tư công nên đã bị dừng lại. Ví dụ, dự án di dời các trường ĐH, bệnh viện ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM thời gian vừa qua không thấy “động đậy” gì. Về giáo dục đào tạo, trong khoản chi ngân sách khoảng 20% nhưng cũng chưa rõ cần đầu tư vào vấn đề gì lớn nhất. Lẽ ra phải chú trọng tới đầu tư cho trường học, giải quyết tình trạng thiếu trường, trường lớp xập xệ như hiện nay”, ĐB Thạch nói.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng cái dở nhất của cắt giảm là đề ra nhiều tiêu chí chung chung, nào là an sinh, thiên tai, lũ lụt, quốc phòng... khiến dự án nào cũng quan trọng. Địa phương không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên, hiệu quả của từng dự án. Đến khi báo cáo lần 1 bị dư luận “chê” cắt ít, áp lực lớn quá thì lần 2 cắt đại trà, cắt máy móc, cắt cả dự án hiệu quả. “Đơn cử như dự án lắp đèn tín hiệu giao thông ở một quận của TP.HCM để phòng chống tai nạn. Tiền có rồi, bây giờ dừng lại, kho bạc không chi dẫn tới những phần làm được thì phơi nắng hư hỏng theo thời gian, tai nạn giao thông thì vẫn rình rập gây nguy hiểm cho người dân”, ông nói.
Tại tổ Đà Nẵng, ĐB Thân Đức Nam tỏ ra trăn trở khi các cử tri băn khoăn về việc nhiều cơ quan nhà nước trụ sở hoành tráng, bề thế, trong khi người dân vẫn phải đi cầu khỉ, bơi qua sông đi học. Theo ĐB Nam, cần tiếp tục dừng việc xây dựng, tập trung rà soát, bố trí vốn cho các dự án cầu yếu, giải quyết khó khăn cho người dân vùng sâu, vùng xa đi lại. Đợt cắt giảm đầu tư công trong 2011, nhiều dự án của ngành giao thông phải đình, giãn hoãn, thậm chí kể cả các dự án cấp bách, trọng điểm mà không rõ tiêu chí. Trong 2012, ngành giao thông cần khoảng 14.800 tỉ đồng nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng 5.590 tỉ đồng, không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các dự án sắp hoàn thành. Còn nếu không có nguồn, chắc chắn ngành GTVT sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều đơn vị sẽ phá sản do nợ nần kéo dài, không có nguồn thanh toán, gây lãng phí lớn.
|
Làm rõ trách nhiệm
Sự thiếu hiệu quả trong cắt giảm đầu tư công, theo ĐB Trần Du Lịch, bắt nguồn từ những tiêu chí thiếu rõ ràng. Hai tiêu chí phí tổn cơ hội và hiệu quả tính đồng bộ là quan trọng nhất khi tiến hành cắt giảm nhưng vừa rồi không được quan tâm. Cũng theo ĐB Lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu phải chịu trách nhiệm giải trình, ngoài ra còn có trách nhiệm của từng địa phương, bộ ngành. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) trích báo cáo của Chính phủ, trong năm 2011 còn nhiều dự án triển khai chậm, có dự án đầu tư, phân bổ vốn trái quy định... rồi phát biểu: “Ngay năm 2011 triển khai tinh thần kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ mà còn tiêu cực như vậy thì liệu có thể hy vọng vào năm sau thực hiện nghiêm túc hay không?”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tiếp cận đầu tư công ở góc độ khác, ông nói: “Vấn đề không phải chi bao nhiêu mà hiệu quả chi đầu tư thế nào. Năm nay tập trung thực hiện Nghị quyết 11, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, thắt chặt như vậy chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán hơn 15%, lạm phát vẫn cao, cần phải xem xét lại”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), cũng dẫn báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy, Quốc hội chỉ đồng ý cho 40 dự án công trình vốn trái phiếu khởi công mới trong năm nhưng cuối cùng có tới 333 dự án. “Phải làm rõ thẩm quyền xét duyệt dự án ngoài danh mục, phải giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm phê duyệt, xét duyệt cho phép khởi công các dự án mới ngoài danh mục cho phép. Tất nhiên có thể có dự án cấp bách phát sinh ngoài danh mục quy định. Nhưng điều quan trọng là phải minh bạch, rõ ràng về vấn đề này”, ĐB Tâm bày tỏ.
ĐB Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cho rằng đầu tư công nên hạn chế trần tối đa 20%, không nên để tới 23%. Các dự án, công trình đã dự kiến phân bổ ngân sách nhưng chậm tới 1 - 2 năm, Chính phủ cần cung cấp thông tin để các đoàn ĐB Quốc hội tham gia giám sát.
A.Vũ - N.Minh - Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)