Hán hóa

28/10/2011 08:59 GMT+7

(TNTS) Thời các vua ta dựng nước và mở nước, các vùng đất lớn đã được đặt tên bằng âm Việt Hán. Bởi thời đó chưa có chữ viết riêng, văn bản hành chính của các triều đại vẫn dùng chữ Hán. May mắn, hệ thống chữ Hán đó được đọc theo khẩu âm thuần túy của người Việt, thoát ly hẳn các loại khẩu âm của người Trung Quốc. Cho nên, chúng ta có được một hệ thống từ ngữ Việt - Hán phong phú trong văn viết và văn nói, trở thành máu thịt của ngôn ngữ Việt Nam.

Trở lại vấn đề những vùng đất lớn ngày xưa được đặt tên theo phương cách Hán hóa. Thăng Long, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định, Vĩnh Long, An Giang... là những địa danh hành chính Hán hóa quen thuộc. Ta chấp nhận điều này bởi các địa danh ấy là thực tế lịch sử.

Có miền đất, có con người sinh sống thì miền đất phải có tên. Các triều đại quân chủ Đại Việt vẫn tôn trọng một số địa danh trong đó có yếu tố ngôn ngữ dân tộc bản địa, không muốn đặt tên mới khác đi. Chính vì vậy mà các vùng đất nhỏ còn giữ lại được các tên gọi dễ thương: Hiên, Giằng, Trà Mi (Quảng Nam); Ba Tơ, Trà Bồng (Quảng Ngãi); Đăk Mi (Bình Thuận); Chư Pah, Kơ Bang, Krong Chơ Ro (Gia Lai); Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ (Đăk Lăk); Tức Dụp (An Giang)...

 

Trên bước đường mở nước, người Việt đi đến đâu, thấy được cái gì độc đáo là đặt tên đất theo cách gọi nôm na, dân dã của mình tới đó. Thành phố Sài Gòn còn giữ được nhiều tên dân dã dễ thương: (chợ) Cây Quéo; (đường) Cây Trâm; (đồng) Chó Ngáp; (cầu) Ba Cẳng; (rạch) Chà Và; Xóm Chiếu, Xóm Gà, Xóm Vôi, Xóm Củi... Hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng còn giữ lại những địa danh dân dã dễ thương như Trà Kha, Trà Khứa, Trà Canh, Trà Quýt, Trà Meng… Tỉnh Trà Vinh cũng ráng giữ những tên dân dã cấp huyện: Cầu Ngang, Cầu Kè.

Người Việt vốn là con người chân tình. Bất cứ nhân vật nào đi trước làm được một công trình công ích gì hoặc có đóng góp một chút công sức để xây dựng cho cộng đồng cũng được người Việt ghi nhận công lao, tỏ lòng nhớ ơn. Cho nên, Sài Gòn có những công trình nhỏ, địa phương nhỏ mang tên con người cụ thể: (Giồng) Ông Tố; (chợ Ông Tạ); (rạch Bà Tàng); (kênh) Nhiêu Lộc… Các nơi khác có cầu Sư Son, cầu Chệt Niêu (Bạc Liêu); cầu Simona (Sa Đéc), cầu Bà Bướm (Trà Vinh)…

Khi có địa danh, người đương thời và những thế hệ tiếp theo cứ vậy mà gọi. Địa danh ấy dù lớn hay nhỏ, dù là Việt Hán hay thuần túy dân dã, cũng trở thành nơi thân thuộc của những con người được sinh ra, lớn lên trên miền đất ấy. Yêu quê nhà là một tình cảm thiêng liêng, hết sức văn hóa mà người Việt hằng giữ gìn. Không có nơi nào đẹp hơn quê nhà của mình. Niềm tự hào đó quả thật chính đáng.

Năm 1955, ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống ở miền Nam. Có lẽ xuất thân từ một gia đình có nền tảng Hán học thâm hậu, ông Diệm quyết định thay đổi một số địa danh theo từ ngữ Việt Hán. Một phần đất cao nguyên Lâm Đồng thành tỉnh Quảng Đức; một phần đất Gia Lai thành tỉnh Phú Bổn; vùng đất Nam Quảng Nam thành tỉnh Quảng Tín... Quan điểm của ông Diệm rõ ràng là phải Hán hóa các địa danh: Bến Tre thành Trúc Giang; Bảy Núi thành Thất Sơn; Ayun Pa thành Phú Bổn, Trà Vinh thành Vĩnh Bình;  Sóc Trăng thành Ba Xuyên; Cà Mau thành An Xuyên... Quan điểm của chính quyền ông Diệm là chia để trị nên địa giới hành chính của tỉnh và quận (huyện) nhỏ hơn thời Pháp thuộc trước đó. Ví dụ tỉnh Quảng Nam bị chia ra thành Quảng Nam và Quảng Tín; thị xã Hội An bị chia ra thành Hội An và quận Hiếu Nhơn; thị xã Tam Kỳ bị chia ra Tam Kỳ và quận Lý Tín…

Chế độ mới của chúng ta ban đầu có khuynh hướng sáp nhập, muốn làm cho địa giới các tỉnh lớn lên. Quảng Ngãi sáp nhập Bình Định thành Nghĩa Bình; Phú Yên sáp nhập Khánh Hòa thành Phú Khánh; Ninh Thuận sáp nhập Bình Thuận thành Thuận Hải; Vĩnh Long sáp nhập Trà Vinh thành Cửu Long; Chương Thiện, Sóc Trăng sáp nhập Cần Thơ và Phong Dinh thành Hậu Giang; Bạc Liêu sáp nhập Cà Mau thành Minh Hải. Ở chừng mực nào đó, tên các tỉnh có vẻ gượng ép, đọc lên nghe... không sướng: Minh Hải không tiêu biểu gì cho Cà Mau và Bạc Liêu; Thuận Hải không tiêu biểu gì cho Bình Thuận và Ninh Thuận. Ngãi - tiếng trại âm của Nghĩa, hoàn toàn mất đi trong Nghĩa Bình.

Sau này, các tỉnh lớn đã được tách ra và trả tên gọi cũ về lại cho các tỉnh nhỏ. Phải nói là nhân dân thật sự vui mừng khi các tỉnh được tách ra và trả lại tên gọi dân dã, thân quen mà họ thường gọi: Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre…

Thế nhưng gần đây, khuynh hướng Hán hóa có vẻ muốn trở lại. Một số địa danh cấp huyện bị bỏ cái tên dân dã quen thuộc cũ, đổi sang từ Việt Hán. Ở Quảng Nam, huyện Hiên được đổi tên là huyện Đông Giang, huyện Giằng được đổi tên là huyện Tây Giang. Ở Bạc Liêu, huyện Gành Hào - một nơi mà bần đạo rút ruột ra viết Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, bị đổi tên thành huyện Đông Hải.

Trời ơi, tỉnh nào mà không có một dòng sông, hướng đông và hướng tây của sông đó không có hai miền đất? Đông Giang và Tây Giang thì làm gì hay hơn Hiên và Giằng, vốn có trên 500 năm qua? Từ Quảng Ninh về đến Kiên Giang là một bờ biển dài trên dưới 3.300 cây số. Biết bao nhiêu huyện hướng ra biển Đông sao mình còn dùng Đông Hải để thay cho Gành Hào? Hai tiếng thuần Việt Gành Hào đẹp gấp trăm lần hai từ Hán Việt Đông Hải.

Đồng ý rằng trong những địa danh dân dã có nhiều từ mang theo yếu tố dân tộc bản địa. Nhưng ta phải công nhận đó là sự thật lịch sử để lại. Thừa Thiên vẫn giữ được A Sao, A Lưới; Quảng Nam vẫn giữ được Trà Mi, Trà Pui, Tắc Pỏ, Mà Côoi, La Dêe; Trà Vinh vẫn giữ được Trà Cú, Trà Ôn. Ai cũng yêu thích những địa danh ấy. Bỏ đi để thay bằng một từ Hán Việt nào, dù ngữ nghĩa hay đến mấy, cũng rất uổng, lại phụ lòng người xưa.

Việc thay đổi địa danh lại làm khó cho công dân không ít, đặc biệt là khi công dân đi làm các giấy tờ hộ tịch hay tùy thân. Thành phố Bạc Liêu ngày nay vốn là xã Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu ngày xưa. Một đứa bé làm khai sinh tại xã Vĩnh Lợi. Khi làm hộ khẩu, cơ quan công an ở tỉnh khác không chấp nhận chánh quán là xã Vĩnh Lợi. Cơ quan công an chỉ muốn chánh quán là thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải cơ. Thế nhưng ngày nay, thị xã Bạc Liêu không còn (vì nó đã lên thành phố), tỉnh Minh Hải cũng không còn. Bần đạo bảo đảm có nhiều người gặp không ít trở ngại nếu trong lý lịch cũ có các từ Minh Hải, Hậu Giang, Cửu Long, Nghĩa Bình, Thuận Hải, Phú Khánh, Bình Trị Thiên...

Một hôm, vài người học trò của tôi ở Bạc Liêu vui miệng nói: “Tụi em chỉ mong thầy sống lâu. Nhưng nếu thầy trăm tuổi, có lẽ tụi em sẽ lấy bút danh của thầy để đặt tên đường cho vui”. Tôi nào mong chi tên đường với tên ngõ nhưng nghe các anh nói vậy, cũng hài hước theo một chút: “Cứ lấy con hẻm nào nho nhỏ, thui thúi ở Gành Hào đặt tên cũng được”. Ấy bởi vì Gành Hào là một cảng cá và vì tôi yêu miền đất này quá cỡ thợ mộc rồi. Nay, Gành Hào là Đông Hải.

Tôi hát thử: “Đồng Hại ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm”. Hát vậy thì nghe cũng được, nhưng Đồng Hại thì không thể là Đông Hải, lại không “ngọt” và dễ thương bằng Gành Hào. Hán hóa làm chi, thật ngặt cho tôi quá.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.