Trong đó có các biện pháp cụ thể như giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP xuống dưới mức 4%/năm, thông qua các biện pháp triệt để cắt giảm đầu tư công kém hiệu quả gắn chặt với thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa trong quá trình chi tiêu ngân sách nhà nước; chủ động chuyển đổi mạnh hơn nữa hướng phân bổ tín dụng ngân hàng (NH) từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (hiệu quả đầu tư thấp) sang khu vực tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (hiệu quả đầu tư cao hơn gắn với tạo nhiều việc làm trong nền kinh tế), cũng như từ lĩnh vực phi sản xuất sang sản xuất.
Đồng thời với đó, cải cách chính sách tiền tệ theo hướng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô dựa chủ yếu trên việc triển khai các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp nhằm đảm bảo cung cầu thị trường, hạn chế dần các công cụ mang tính hành chính.
Đặc biệt, UBKT đề nghị Chính phủ “cần triệt để giảm chi tiêu ngân sách với tốc độ cao hơn giảm thu ngân sách”.
|
Đầu tư công phải đúng địa chỉ, đối tượng
Trao đổi với Thanh Niên bên hành lang kỳ họp, Phó chủ nhiệm UBKT - ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, để kiểm soát lạm phát dưới 1 con số trong năm tới, cần phải kiên định chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt. Lấy ví dụ thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa ở lĩnh vực đầu tư công, ông Kiên cho rằng trong năm tới quan trọng nhất khi triển khai Nghị quyết 11 là phải triển khai có địa chỉ cụ thể. Chẳng hạn, nói tái cấu trúc lại đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, thì “phải nói ngay là tái cấu trúc những ngành nào, lĩnh vực nào sử dụng vốn ngân sách nhà nước”. Ngay cả khi đã xác định vốn ngân sách chỉ rót vào lĩnh vực điện, đường, trường, trạm y tế thì cũng phải chọn ra một số địa chỉ cụ thể để thực hiện đầu tư đảm bảo trong khả năng nguồn vốn bố trí, chứ không làm đồng loạt, dàn trải. Làm như vậy sẽ tăng hiệu quả đầu tư, giảm hệ số Icor và người dân sớm được hưởng lợi từ thành quả đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.
Ông Kiên cũng đặc biệt lưu ý cần phải tuyên truyền rõ để DN tránh tâm lý trông chờ vào vốn vay NH như trước nay mà phải thông qua các kênh huy động vốn khác, chẳng hạn như thị trường chứng khoán (TTCK).
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) phân tích thêm, để giảm lạm phát năm tới, cần giảm áp lực lãi suất bằng cách giảm áp lực vay vốn từ hệ thống các NH thông qua phát huy tác dụng của những kênh huy động vốn khác, ví như TTCK. Cơ hội để DN huy động vốn từ các kênh khác ngoài NH có thể nhìn thấy rõ trong bối cảnh lãi suất huy động khống chế về mức trần 14%, cộng thêm hàng loạt vụ vỡ hụi, tín dụng đen gần đây khiến người dân không thể kỳ vọng mức lãi suất cao vì sợ rủi ro lớn. Từ đó, họ sẽ tìm đến kênh an toàn hơn và đó chính là cơ hội mở rộng TTCK. “Phải mạnh dạn cổ phần hóa các DN làm ăn lớn, có hiệu quả với khả năng sinh lời đồng vốn từ 12 - 15% thì dòng tiền sẽ chảy vào TTCK, giảm áp lực vay lên NH. Lúc đó, các DN vừa và nhỏ sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay phục vụ kinh doanh, sản xuất”, ông Hòa nhấn mạnh.
Việt Nam nằm trong top 4 nước dẫn đầu thế giới về lạm phát Trong Bản tin Kinh tế vĩ mô, trong 8 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ lạm phát của VN vẫn ở mức rất cao khiến các tổ chức quốc tế như UNDP, vào tháng 5.2011, đã xếp hạng VN vào trong nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao, tiếp đó là đến cuối tháng 8.2011, VN tiếp tục dẫn đầu châu Á và đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao so với cùng kỳ năm trước. “Mặc dù tỷ lệ lạm phát của VN so với tháng 12.2010 sẽ có xu hướng giảm tốc và đạt mức dự báo khoảng 19% vào cuối năm 2011, song con số này quả thực vẫn sẽ đưa VN vào nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011. Điều đó cho thấy tồn tại nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khá cao về bất ổn kinh tế vĩ mô ở VN”, UBKT nhận định. |
Bảo Cầm
Bình luận (0)