Vào khoảng 24 giờ ngày 27.6.2008, bồn chứa của một cơ sở sản xuất cồn thô bị bể khiến khoảng 30 tấn mật đường tràn ra kênh Bò Ót và chảy ra sông Hậu. Hôm sau, cá nuôi trong bè của các hộ dân P.Trung Kiên vàP.Thốt Nốt bị chết hàng loạt. Khi phát hiện cá chết, các hộ dân này đã báo với công an và chính quyền địa phương. Công an vào cuộc xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với chủ cơ sở sản xuất cồn. Các hộ nuôi cá bè khởi kiện chủ cơ sở trên để yêu cầu bồi thường trên 2 tỉ đồng. TAND Q.Thốt Nốt xử sơ thẩm và buộc chủ cơ sở sản xuất cồn phải bồi thường cho các hộ nuôi cá với tổng số tiền trên 751 triệu đồng. Nhưng sau đó, cả hai bên đều có đơn kháng cáo.
Kết quả phiên phúc thẩm là phía bị đơn không phải bồi thường thiệt hại do phía nguyên đơn không chứng minh được mối quan hệ nhân quả trực tiếp và tất yếu trong việc bồn chứa mật đường bị bể khiến mật đường tràn ra sông gây chết cá. Kết luận giám định của Bộ Công an cũng không khẳng định được điều này.
Theo một số luật sư, trong sự việc này, các hộ nuôi cá thua kiện vì thiếu hiểu biết về pháp luật và sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng. Cụ thể, khi cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu nước thì sự cố đã xảy ra hơn 24 giờ, trên một dòng sông đang vào mùa nước đổ nên mẫu nước thu được không còn đúng với nước tại thời điểm xảy ra sự cố. Điều quan trọng thứ hai là các cơ quan chức năng đã không tiến hành lấy mẫu cá để phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá này cũng không có đăng ký với chính quyền địa phương và khi cá chết thì tiến hành “bán đổ bán tháo” để gỡ gạc, nên khi ra tòa không có cơ sở để chứng minh về giá trị tài sản bị thiệt hại. “Nông dân thiếu kiến thức về pháp luật, không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên dẫn tới việc thua thiệt. Vấn đề càng đáng quan tâm hơn khi ĐBCSL có nhiều người sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Họ cần được phổ biến những kiến thức pháp luật cơ bản để tự bảo vệ mình trong những trường hợp tương tự”, một luật sư nói.
Chí Nhân
Bình luận (0)