Trồng hoa bảo vệ lúa

27/10/2011 09:23 GMT+7

Mô hình thu hút thiên địch, bảo vệ ruộng lúa bằng công nghệ sinh thái (gọi tắt là mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”), do các chuyên gia Viện Lúa quốc tế (IRRI) nghiên cứu, chuyển giao đang ngày càng lan rộng khắp các tỉnh miền Tây.

Vụ lúa đông xuân 2009-2010, tại Việt Nam, mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” lần đầu tiên được ứng dụng ở 2 huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang). “Lúc đầu, chỉ làm thí điểm trên diện tích hơn 30 ha, nhưng nông dân tụi tui còn bán tín bán nghi. Đơn giản vì một lẽ, nông dược đặc trị đôi khi sâu rầy còn kháng thuốc. Chuyện trồng hoa trên bờ ruộng để mời gọi đối thủ của sâu rầy tới mới chỉ là một chuyện, còn thiên địch có đánh thắng được sâu rầy hay không lại là chuyện khác”, ông Trương Văn Bảy, HTX Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, H.Cai Lậy), nói.

 
Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” ở Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang)  - Ảnh: Vĩnh Bình

Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến với những nông dân như ông Bảy. Trong cả vụ lúa đó, ruộng lúa không phải phun xịt thuốc mà vẫn duy trì được năng suất. Theo ông Bảy, ngoài việc tiết kiệm được chi phí nông dược (khoảng 500.000đồng/ha/vụ lúa), cái được lớn hơn là nông dân thu hoạch khối lượng sản phẩm sạch nhờ không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, rất phù hợp với quy trình sản xuất theo chuẩn Global GAP đang áp dụng tại nơi đây.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ) diễn giải, trồng một số loại cây có hoa trên bờ ruộng để tạo dẫn dụ và nuôi dưỡng nhiều loại thiên địch, trong đó có loài ong ký sinh trên sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa. Với cự ly gần, ong ký sinh sẽ bay trở lại ruộng tìm các loài sâu hại để đẻ trứng ký sinh. Theo ông Huỳnh, hiệu quả của mô hình phụ thuộc vào số lượng thiên địch hiện có trong tự nhiên tại nơi triển khai  nên việc xử lý đồng ruộng bằng cách đốt đồng sau mỗi vụ sản xuất cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, việc phun thuốc trừ bệnh cho lúa (khi thật sự cần thiết) trong mô hình cũng cần chú ý tránh làm tổn hại thiên địch vì thiên địch chính là đối thủ của các loại sâu rầy hiện có trên ruộng lúa.

Vụ đông xuân 2010 - 2011 mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” được triển khai đến các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang). Tại Chợ Gạo, ngành nông nghiệp đã triển khai trên diện tích 10 ha lúa hè thu ở xã Bình Phục Nhứt. Nông dân Nguyễn Văn Dũng bước đầu cũng tỏ ra hoài nghi, nhưng ông vẫn  làm theo tư vấn của các nhà khoa học thử xem sao. Cuối cùng, ông Dũng phải gật gù với mô hình này vì không chỉ riêng một số loài hoa dại, một số cây trồng đem lại nguồn lợi kinh tế như hướng dương, đậu bắp, mè… cũng được ứng dụng trong mô hình. Vụ hè thu vừa rồi, diện tích của mô hình tại Chợ Gạo đã tăng gấp đôi. Ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo cho biết, hiện tại mô hình được áp dụng rộng khắp các xã khu vực Bến Tranh -vùng chuyên trồng nếp của huyện. Theo ông Tới, vụ đông xuân tới mô hình này tiếp tục triển khai ở nhiều địa phương khác trong toàn huyện để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân, vừa có sản phẩm hàng hóa sạch và bảo vệ môi sinh.

“Hương hoa trên bờ ruộng” dần lan nhanh trong vùng. Vụ hè thu vừa rồi, mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” đã lan ra nhiều tỉnh  ĐBSCL. Trong đó, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã đưa mô hình về ứng dụng thí điểm tại huyện Vũng Liêm trên diện tích khoảng 10 ha. Tại An Giang, mô hình đã triển khai trên quy mô diện tích khoảng 100 ha đất lúa thuộc huyện Thoại Sơn, Châu Thành… Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm nói rằng, nếu trồng được cây màu (đậu xanh, đậu bắp, mè, hướng dương…) trên bờ ruộng để dùng hoa dẫn dụ thiên địch thì ngoài việc giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân, một nguồn thu khác từ cây hoa trên bờ cũng phải được tính đến.

Vĩnh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.