Thế giới 7 tỉ người

29/10/2011 23:23 GMT+7

Ngày mai 31.10, nhân loại sẽ đạt cột mốc 7 tỉ người, kéo theo hàng loạt thách thức phải vượt qua để trái đất có thể phát triển bền vững.

Hiện nay, tất cả các nước đều có điều tra nhân khẩu học. Tuy quy trình ở mỗi nước có thể khác nhau nhưng vẫn giúp LHQ có được số liệu chi tiết để xác định dân số thế giới một cách chính xác. Nhờ đó, từ nhiều tháng trước, chúng ta đã biết công dân địa cầu thứ 7 tỉ sẽ chào đời vào ngày 31.10.2011.

Kể từ ngày đầu tiên xuất hiện trên trái đất, loài người mất khoảng 200.000 năm để đạt dân số 1 tỉ người vào năm 1804. Nhưng từ cột mốc 6 tỉ (ngày 12.10.1999) đến 7 tỉ, chúng ta chỉ mất vỏn vẹn 12 năm.

Theo báo cáo công bố ngày 26.10 của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giáo dục và kinh tế là nguyên nhân bùng nổ dân số nửa sau thế kỷ 20. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của con người tăng từ 48 tuổi vào đầu thập niên 1950 lên 68 tuổi hiện nay. Các chương trình chủng ngừa trên diện rộng và điều kiện vệ sinh, y tế được cải thiện cũng đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. 

 
Nhân loại đứng trước cơ hội lẫn thách thức với 7 tỉ người - Ảnh: Reuters

Tăng 200.000 người/ngày

Toàn cảnh nhân loại

- 60% là người châu Á: Hơn 4 tỉ người trong tổng số 7 tỉ sống tại châu Á. Tiếp theo là châu Phi (hơn 1 tỉ người), châu Mỹ (gần 1 tỉ người) và châu u (750 triệu người). Ngoài ra, cứ 5 người sẽ có 2 người mang quốc tịch Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

- Dân thành thị chiếm đa số: Hơn 3,5 tỉ người trên 7 tỉ cư dân địa cầu sống tại các khu thị tứ. Số lượng các “siêu đô thị”, tức thành phố trên 10 triệu dân, cũng tăng từ 2 thành phố vào năm 1950 lên 20 trong năm nay.

- 2 tỉ người ở tuổi vị thành niên: Trong 7 tỉ người sẽ có hơn 50% dưới 29 tuổi và 25% dưới 15 tuổi, chỉ có 600 triệu người trên 65 tuổi, gây áp lực lớn về việc làm. Tuy nhiên sự phân bố sẽ không đồng đều giữa các nước. Tại Uganda, 1/2 dân số dưới 15 tuổi trong khi tỷ lệ này tại Nhật chỉ 1/8.

Tờ Le Parisien dẫn lời Giám đốc Viện nghiên cứu nhân khẩu học quốc gia Pháp (INED) Gilles Pison cho biết mỗi giây có 4 em bé được sinh ra và 2 người qua đời. Như vậy, dân số toàn cầu tăng 200.000 người mỗi ngày. Nếu giữ tỷ lệ tăng trưởng 1,2% hiện tại thì dân số sẽ đạt 100 tỉ người năm 2200 và 1.000 tỉ người năm 2450. May mắn là trên thực tế, điều này không thể xảy ra vì tỷ lệ tăng dân số đã giảm dần từ nhiều năm qua. Năm 1960, tỷ lệ này là 2%, đến nay đã giảm gần một nửa. Các chuyên gia nhân khẩu học dự đoán khi lên đến 9 tỉ người năm 2050, dân số thế giới gần đạt mức ổn định và chỉ tăng rất chậm để chạm ngưỡng 10 tỉ người vào năm 2100.

Tuy nhiên, sinh suất của nhiều nước ở khu vực châu Phi hạ Sahara vẫn còn rất cao. Đơn cử, trung bình phụ nữ Niger vẫn có khoảng 7 con, gần gấp 5 lần so với phụ nữ Thụy Sĩ. Vì thế, theo dự báo, người châu Phi sẽ ngày càng đông đúc và chiếm 35,3% dân số toàn cầu vào năm 2100. Ngược lại, dân số châu u sẽ tăng rất ít, chỉ còn chiếm 1/15 dân số thế giới vào cuối thế kỷ 21. 

1 tỉ người đang thiếu ăn

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là liệu trái đất có thể “cầm cự” được bao lâu trước 7 tỉ người hiện tại và 9 tỉ người trong tương lai gần? Một thế giới “đất chật người đông” cùng lúc dẫn đến 2 thách thức về lương thực và môi trường.

Theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), giá lương thực tăng cao trong năm nay đã đẩy 70 triệu người phải sống ở mức “nghèo khổ cùng cực” và trên thế giới hiện còn gần 1 tỉ người chịu cảnh thiếu ăn. Tiêu biểu là nạn đói đang hoành hành tại Somalia chỉ trong vòng 3 tháng đã làm hơn 29.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong và hàng triệu người đói khát. FAO ước tính cần phải tăng năng suất nông nghiệp của thế giới lên 70% từ đây đến năm 2050 mới có thể loại bỏ được nạn đói.

Ngoài ra, theo FAO, hằng năm có 1,3 tỉ tấn, tương đương 1/3 tổng sản lượng lương thực toàn cầu bị lãng phí. Trung bình mỗi người dân ở châu u và Bắc Mỹ phung phí 95-115 kg lương thực/năm, chủ yếu do hệ thống phân phối, sử dụng thường dẫn đến việc vất bỏ nhiều loại thực phẩm vẫn còn dùng được. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, lương thực bị lãng phí do kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản chưa đem lại hiệu quả cao.

 

2.700 tỉ lít nước thải/ngày

Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp phải dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững để không gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Mỗi ngày, hoạt động của con người tạo ra 2.700 tỉ lít nước thải và khiến 960.000 ha rừng “tan thành khói bụi”, theo Le Parisien. Cùng lúc đó, cứ 20 phút lại có một loài động vật hoặc thực vật tuyệt chủng. Làm thế nào để các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi không làm kiệt quệ nguồn nước ngầm, khiến đất mất hết độ màu mỡ hay làm tăng lượng khí thải nhà kính là câu hỏi không dễ giải đáp.

Một số vấn đề khác được UNFPA nhấn mạnh là giảm tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ (43% dân số thế giới dưới 25 tuổi); lập chiến lược để quá trình đô thị hóa hợp lý hơn; các quốc gia phải phối hợp chặt chẽ để quản lý các luồng di - nhập cư trong bối cảnh tỷ lệ gia tăng dân số giữa các châu lục không đồng đều…

Xuất hiện tình trạng “đa phu”?

Nam giới hiện đông hơn phái đẹp khoảng 150 triệu người, hậu quả từ việc chuộng “quý tử” ở một số quốc gia. Tỷ lệ để giữ được sự cân bằng tự nhiên là 106 nam - 100 nữ (nam giới cần đông hơn chút ít vì phụ nữ có tuổi thọ trung bình cao hơn), theo AFP. Tuy nhiên, tỷ lệ này không được đảm bảo ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc (120-100), Ấn Độ hay Việt Nam (112-100) cũng như ở một số quốc gia thuộc các khu vực khác như Georgia, Armenia, Serbia, Bosnia (cùng xấp xỉ 115-100). Các chuyên gia về nhân khẩu học lo ngại tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hậu quả trước mắt là hàng trăm triệu “nam nhi” ở các nước nói trên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm vợ. Kế đến, các loại tội phạm tình dục, những đường dây buôn người có nguy cơ gia tăng và thậm chí có thể xuất hiện tình trạng “đa phu”. 

Việt Nam: dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thì sau 50 năm thực hiện KHHGĐ, mức sinh ở Việt Nam giảm mạnh với một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện trung bình chỉ có 2 con. Năm 2011, quy mô dân số ước đạt 87,8 triệu người. Tuổi thọ bình quân đạt 73, tăng 4,3 tuổi so với năm 2010 và ước đạt 73,2 tuổi trong năm 2011 nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 66 tuổi.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong giai đoạn “nhạy cảm” với nhiều yếu tố tác động có thể khiến mức sinh tăng trở lại, chẳng hạn như tâm lý mong muốn đông con và phải có con trai còn rất nặng nề. Đặc biệt, số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục tăng, dự đoán đạt xấp xỉ 27 triệu người vào năm 2020 và đạt cực đại (khoảng 28 triệu người) vào 2030. Cũng trong 10 năm tới, số phụ nữ tuổi 20-30 có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân khẩu học Việt Nam có thể gây nên “bùng nổ dân số” lần hai.

Bên cạnh đó, nước ta có mật độ dân số thuộc nhóm cao trên thế giới: 259 người/km2. Diện tích đất canh tác bình quân đầu người ngày càng thu hẹp, chỉ còn 0,1 ha/người, bằng 1/4 mức diện tích canh tác tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực, theo tiêu chuẩn của FAO.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số LHQ vừa công bố ngày 27.10 tại Hà Nội, Việt Nam hiện có nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử với 1/3 dân số cả nước ở độ tuổi từ 10-24 tuổi. Nếu được đầu tư đúng mức, đây sẽ là lợi thế đáng kể trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, nước ta đang có cơ cấu “dân số vàng” với người trong độ tuổi lao động tăng lên. Dự kiến số người trong độ tuổi lao động đạt cực đại với khoảng 70 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Nếu biết tận dụng, “dân số vàng” sẽ  giúp tăng 30% tổng sản phẩm quốc dân và tăng tích lũy để đầu tư phát triển.

Một thách thức khác là dân số nước ta đang già đi với tốc độ nhanh chóng, gây áp lực mạnh đến đảm bảo an sinh xã hội. Dự báo, đến năm 2020, số người cao tuổi sẽ quá 10 triệu người, chiếm trên 10% dân số, sau đó mỗi thập niên sẽ tăng thêm khoảng 5 triệu người và đạt 28 triệu người vào giữa thế kỷ 21.

Liên Châu

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.