Tạp chí The Diplomat vừa có bài phân tích về lực lượng tàu ngầm ở châu Á - Thái Bình Dương. Tờ này dẫn lời giới chuyên gia quân sự nhận định tàu ngầm là vũ khí hữu hiệu cả trong tấn công lẫn phòng thủ trên biển, được đánh giá như một khắc tinh của tàu sân bay. Vì thế, nhiều nước đang nỗ lực phát triển lực lượng tàu ngầm để tăng cường sức mạnh hải quân.
|
Tạp chí Asian Military Review cũng vừa tiết lộ một số thông tin về tàu ngầm của các nước. Theo đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có đội ngũ tàu ngầm rất hùng hậu. Trung Quốc có khoảng 60 tàu các loại, hải quân Ấn Độ được trang bị 18 tàu ngầm hiện đại, Nhật Bản sở hữu 16 chiếc, còn Hàn Quốc có 19 tàu.
Các tàu ngầm của Nhật Bản đều là loại hiện đại có tốc độ tác chiến nhanh, di chuyển êm và được trang bị ngư lôi tối tân. Ấn Độ thì sở hữu tàu ngầm tấn công hạng nặng sử dụng năng lượng hạt nhân. Trong đó, tàu ngầm lớp Arihant có độ rẽ nước lên đến 6.000 tấn, trang bị khả năng phóng tên lửa đạn đạo, ngư lôi, cài thủy lôi… kết hợp cùng hệ thống định vị tối tân.
Các nước Đông Nam Á cũng sở hữu đội tàu ngầm thiện chiến. Singapore có 6 tàu ngầm, và 2 trong số đó thuộc lớp Archer, do Thụy Điển đóng, có khả năng di chuyển cực êm, hệ thống định vị chuẩn xác, trang bị đến 9 ống phóng ngư lôi. Malaysia có 2 tàu ngầm thuộc lớp Scorpene do Pháp chế tạo với năng lực tác chiến ấn tượng.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định Nga và Mỹ đang có xu hướng chuộng tàu ngầm nhỏ. RIA-Novosti vừa dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin rằng nước này sẽ cho nghỉ hưu tất cả tàu ngầm lớp Typhoon vốn được biên chế chiến đấu từ thập niên 1980. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng sớm muộn gì Nga cũng sẽ thay thế lớp Typhoon bằng lớp Borey cũng bắn được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng nhỏ gọn hơn, khả năng ẩn mình cao hơn. Ngoài ra, hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được ký với Mỹ hồi năm ngoái cũng có thể khiến Nga phải giảm bớt số lượng tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.
Mỹ cũng đang chế tạo tàu ngầm lớp Virginia để chuẩn bị thay thế 4 tàu ngầm lớp Ohio, theo The Diplomat. Là loại tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu lớp Virginia có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi. Ngoài ra, tàu lớp Virginia có chi phí chế tạo rẻ hơn, kích thước nhỏ hơn và độ rẽ nước ít hơn so với lớp Ohio.
Tàu ngầm Trung Quốc bị chê
Cách đây 5 năm, có nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng đuổi kịp đội ngũ tàu ngầm Mỹ. Tuy nhiên, bài viết của The Diplomat hồi tuần trước nhận định dự đoán trên là thái quá. Theo đó, quy mô tổng thể của đội tàu ngầm Trung Quốc đã bị thu hẹp rõ rệt trong mấy năm qua, số lượng tàu ngầm sản xuất mới cũng giảm sút. Trong khi đó, các nước trong khu vực đang không ngừng tăng quy mô và hiện đại hóa tàu ngầm như đã nêu. Nhật Bản hồi cuối năm ngoái cho biết sẽ tăng số tàu ngầm từ 16 lên 22, Úc tăng từ 6 lên 12 và một số nước Đông Nam Á cũng sẽ làm tương tự. Ấn Độ cũng đang bổ sung thêm hơn 10 tàu ngầm mới, gồm 5 “siêu tàu ngầm” lớp Arihant và 6 chiếc lớp Scorpene.
Ngoài ra, không ít báo chí quốc tế cũng nhận định tàu ngầm Trung Quốc vẫn chưa đồng đều về trình độ kỹ thuật và chất lượng. Phúc trình thường niên năm 2011 của Lầu Năm Góc về quân sự Trung Quốc cho biết chỉ 5 trong số 60 tàu ngầm nước này chạy bằng năng lượng hạt nhân, còn lại đều sử dụng diesel. Theo Cục Tình báo trung ương Mỹ, cho đến năm 2003, Nga vẫn là nhà cung cấp chính yếu về kỹ thuật và trang thiết bị cho các dự án của hải quân Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng, Nga đã ngưng bán tàu ngầm cho Trung Quốc và nước này đang phải tự xoay xở chế tạo. Mỹ và Nga lại đang tăng cường hỗ trợ đào tạo nhân sự, kỹ thuật định vị bằng sóng âm (sonar) cho nhiều nước trong khu vực. Theo giới chuyên gia, định vị sonar đóng vai trò rất quan trọng khi tác chiến bằng tàu ngầm.
Ngọc Bi - Ngô Minh Trí
Bình luận (0)