Trường tư thiếu sân chơi

31/10/2011 23:31 GMT+7

Dù có mức phí mỗi tháng cao hơn trường công lập ít nhất 3 lần nhưng đa số trường mầm non tư thục chỉ chú ý đến phòng học máy lạnh, chương trình quốc tế… mà bỏ qua sự cần thiết của sân chơi đối với sự phát triển của trẻ.

Trường học bít bùng

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay TP.HCM có 333 trường mầm non ngoài công lập nhận nuôi giữ trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên. Chỉ một số ít trường đảm bảo được sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có cây xanh cho trẻ... Còn lại đa số đều không có sân chơi riêng mà chỉ là một khoảng trống nho nhỏ ngay ở cửa ra vào hoặc hành lang để bày vài con thú nhún, một hai cái cầu tuột nhỏ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT - cho rằng thực tế này bắt nguồn từ phần lớn các trường mầm non dân lập, tư thục đều phải thuê cơ sở là những nhà phố, biệt thự… vốn dĩ không được xây dựng với công năng làm trường học, nên không thiết kế khoảng không gian nào để các bé vui chơi.

Nếu cứ căn cứ một cách cứng nhắc vào quy định trên để cấp phép thì lấy đâu chỗ cho trẻ học vì trường công không đủ đáp ứng

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD-ĐT

Tại cơ sở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), sân chơi của Trường mầm non dân lập Sân Lá Cọ được tận dụng từ lối đi ngay cổng bước vào và được trải các tấm lót màu xanh. Trong vai phụ huynh học sinh đi tìm trường cho con, chúng tôi băn khoăn về chỗ chơi quá nhỏ hẹp, ngoài hồ bơi có kích thước khoảng 2mx3m cạn nước, đồ chơi đơn giản chỉ có cầu tuột, thú nhún, sâu chui... Một nhân viên tuyển sinh của trường cho biết: "Hiện trường có 5 lớp với 75 học sinh nên đến giờ chơi, các lớp chia nhau lần lượt xuống sân, còn lại thì chơi trong phòng học".

Học sinh của Trường mầm non Sân Lá Cọ còn được hít thở không khí ngoài trời, trong khi gần 400 học sinh của Trường mầm non dân lập quốc tế Mỹ Úc (Q.11) thì chỉ biết 4 bức tường xung quanh. Cơ sở của trường đặt tại cư xá Bình Thới gồm nhiều căn nhà phố liền kề ghép lại có 3 mặt tiền đường. Hằng ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, học sinh hoạt động, vui chơi, sinh hoạt trong ngôi trường bít bùng với 3 phía bằng cửa kiếng, đèn điện và máy lạnh. Tầng trệt được sử dụng làm khối văn phòng, tuyển sinh và có đặt một số đồ chơi nhưng nhân viên phụ trách tuyển sinh cho biết: "Trẻ chỉ chơi ở tầng trệt vào giờ đến trường và trước khi ra về, còn hằng ngày, các bé chơi ở hành lang, các cô chia thời gian để bé ra chơi". Qua tìm hiểu, mỗi tầng có từ 2 đến 3 lớp học và hành lang có kích thước khoảng 3mx6m vừa là nơi để vật dụng cá nhân của học sinh, vừa là khu vui chơi với một bộ đồ chơi được đặt mỗi góc.

 
Sân chơi của nhóm trẻ mầm non Ban Mai (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tình trạng tương tự cũng tồn tại ở Trường mầm non Ánh Dương với cơ sở là căn biệt thự phố khá đẹp ngay mặt tiền đường Trương Định (Q.3). Tầng trệt ngôi nhà là nơi vui chơi của học sinh và cũng là nơi phụ huynh đăng ký học cho con mình, các lầu còn lại được gắn cửa kính để làm phòng học.

Không đủ chuẩn vẫn phải cấp phép

Mặc dù không hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, thiếu sân chơi như vậy nhưng các trường tư này vẫn được khá đông phụ huynh gửi gắm con em với mức học phí tương đối cao. Giải thích hiện tượng trên, nguyên lãnh đạo Phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Vì các trường này là trường tư, có thể chủ động về các khoản thu, phụ huynh nào thấy phù hợp thì gửi nên trường cũng chủ động được trong việc quyết định sĩ số của lớp học. Bên cạnh đó, các trường này nhận giữ trẻ từ rất nhỏ, trông trẻ muộn, có thể đến 6 - 7 giờ tối…, điều mà các trường công lập khó thực hiện".

Phần lớn trường, nhóm lớp mầm non tư thục có chi phí cao hơn các trường công lập ít nhất 3 lần. Chẳng hạn như nhóm trẻ Ban Mai (Q.1), tùy vào tháng tuổi, học phí bao gồm tiền ăn từ 2,5 đến 3,7 triệu đồng/tháng. Mức học phí của Trường mầm non dân lập quốc tế Mỹ Úc từ 3,8 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/tháng. Trường mầm non Ánh Dương thu học phí từ 4,3 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng/tháng.

Theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non của Bộ GD-ĐT, nhà trường phải có sân, vườn và khu vực cho trẻ chơi đảm bảo yêu cầu được quy hoạch, thiết kế phù hợp, có cây xanh, được cắt tỉa đẹp, tạo bóng mát sân trường. Riêng khu vực trẻ chơi ngoài trời được lát gạch, láng xi măng hoặc trồng thảm cỏ... Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tại sao đa số các trường mầm non tư thục không thỏa mãn được yêu cầu trên mà vẫn được cấp phép hoạt động, bà Nguyễn Thị Kim Dung thẳng thắn cho biết: "Chức năng cấp phép cho các trường mầm non tư thục, dân lập thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện, còn ngành GD chỉ kiểm tra về chuyên môn. Trong quá trình kiểm tra, Sở có yêu cầu các trường phải tận dụng tối đa khoảng không gian hiện có để tạo sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, nếu cứ căn cứ một cách cứng nhắc vào quy định trên để cấp phép thì lấy đâu chỗ cho trẻ học vì trường công không đủ đáp ứng. Hệ thống trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình hiện đang nuôi dạy khoảng 40% tổng số trẻ mầm non".

Trẻ thụ động nếu vận động trong môi trường tù túng

Chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục của tổng đài 1088, Phạm Thị Lệ Chi chia sẻ: "Về khía cạnh thể chất, việc vận động và hít thở không khí tự nhiên rất cần thiết cho trẻ mầm non vì được nhận và tổng hợp nguồn vitamin và các khoáng chất tự nhiên như vitamin D, canxi… Bên cạnh đó, nếu chỉ vận động trong môi trường hạn hẹp, tù túng, vô hình trung sẽ tạo cho trẻ sự thụ động, không có khả năng thích ứng khi thay đổi môi trường sống".

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.