Nhìn lại tình hình sử dụng vốn TPCP giai đoạn từ 2003 đến 2010, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chỉ gói gọn: mục tiêu mỗi năm huy động 63.000 tỉ đồng, nhưng đến 2011 đã phải điều chỉnh huy động 246.447 tỉ đồng, con số thực tế hết 2011 lên tới 641.000 tỉ đồng.
Theo ĐB Sinh, điều đáng lo hơn là hiệu quả đầu tư công bằng nguồn vốn này vẫn còn dàn trải, chất lượng công trình còn thấp. Chủ trương sắp tới Chính phủ dự định huy động 45.000 tỉ đồng/năm, theo ĐB Sinh cũng không nên quá cứng nhắc, có thể cân đối tăng cao hơn, miễn không vượt quá khả năng để giải quyết các dự án đã triển khai và hoàn thành được từ trên 40% khối lượng. Bởi nhiều dự án đang phơi sương, phơi nắng, nếu không tiếp tục mà cắt hàng loạt, máy móc như theo Nghị quyết 11 còn gây lãng phí hơn.
|
ĐB Phạm Văn Tiếp (Cần Thơ) băn khoăn về việc cắt giảm vốn TPCP theo NQ 11: “Tại Cần Thơ trong 2011, chúng tôi phải đi vay 541 tỉ đồng để thanh toán cho các công trình hoàn thành. Năm 2012 cần khoảng 1.000 tỉ đồng nữa cho số dự án thực hiện đến 65%-70% khối lượng. Nếu cứ cắt giảm mà không bố trí vốn, các dự án thực hiện rồi nay phải dừng lại cũng rất lãng phí. Đề nghị bộ, ngành cần xem xét cấp vốn cho Cần Thơ như dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc đã trễ hẹn 1 năm so kế hoạch; Bệnh viện Nhi Đồng phục vụ hết cho đồng bằng sông Cửu Long, đã khởi công, bố trí vốn, nhưng cấp vốn không có, thi công rất chậm”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng từ 2003 đến nay huy động vốn trái phiếu tăng rất mạnh so với mục tiêu, trong khi nợ công quá lớn. Trong 2011 phải huy động với lãi suất cao, giai đoạn tới thắt chặt tiền tệ các ngân hàng thương mại - đối tượng chủ yếu mua TPCP sẽ không có nhu cầu mua nữa thì nguồn vốn càng eo hẹp. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cảnh báo việc sử dụng TPCP năm qua và năm tới đang giống kiểu “phóng lao phải theo lao”, mỗi thứ làm một ít, giờ lo không phát hành nốt TPCP sợ các công trình, dự án bỏ hoang lãng phí. ĐB Lịch đề nghị, với các công trình dang dở, cái nào thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP thì đầu tư, còn lại những dự án đã được rót 20-30% vốn nhưng không đủ nguồn để gánh nốt số còn lại thì thu hút nguồn vốn khác.
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia, hầu hết các ý kiến của đoàn đại biểu Hà Nội đều cho rằng cần phải có sự rà soát, đánh giá lại một cách nghiêm túc tất cả các chương trình đã triển khai trong thời gian qua, hiệu quả đến đâu, không hiệu quả là do nguyên nhân nào. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng các chương trình mục tiêu chồng chéo, không hiệu quả đã được Ủy ban Thường vụ QH nói rất nhiều. Có hiện tượng cứ nghĩ ra chương trình mục tiêu để tiêu tiền.
Trước thực tế có tới 8/12 chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều chỉ tiêu không đạt được trong thời gian qua theo báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị: phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu ban quản lý các chương trình mục tiêu nếu làm sai và làm không hiệu quả.
Đề nghị mở rộng kênh giám sát qua báo chí và cử tri Tại phiên họp sáng 31.10, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) đề nghị QH xem xét, quyết định hai trong ba chuyên đề để QH tiến hành giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2012, đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc thực hiện chính sách, pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính; và việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Không nằm trong các phương án được Ủy ban TVQH đề xuất nhưng vấn đề an toàn giao thông (ATGT) đã được đa số ĐBQH đề nghị đưa vào chương trình giám sát của QH năm tới khi thảo luận về nội dung giám sát tại nghị trường sáng 31.10. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị giám sát vấn đề ATGT phải tập trung vào 2 nhóm nội dung trọng điểm, đó là ATGT đường bộ, trong đó tập trung vào vấn đề điểm tắc nghẽn giao thông, những điểm ngập nước, giải phóng ùn tắc, và giám sát vấn đề đào tạo lái xe, cấp bằng lái xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm hành chính... Để tăng chất lượng giám sát của QH, nhiều ĐB vừa kiến nghị siết công đoạn “hậu giám sát” vừa cho rằng phải mở rộng các kênh giám sát của QH thông qua báo chí và cử tri. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cần mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí vào hoạt động giám sát của Quốc hội vì sức mạnh của QH chính là sức mạnh của cử tri. Bảo Cầm |
A.Vũ - T.Nguyễn - N.Minh
Bình luận (0)