Interpol Việt Nam phá án - Kỳ 5: Kiên quyết quét sạch tội phạm quốc tế

01/11/2011 00:40 GMT+7

Việt Nam không phải là "đất lành" cho tội phạm quốc tế ", đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh văn phòng Interpol Việt Nam, khẳng định trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.

>> Kỳ 4: Bắt trùm tội phạm nước ngoài

Đại tá có thể cho biết thông điệp mà nước chủ nhà muốn đưa ra nhân dịp tổ chức Hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 (tại Hà Nội) là gì?

Đây là niềm vinh dự và tự hào của ngành công an nói chung và lực lượng cảnh sát Việt Nam nói riêng. Có thể nói, hội nghị lần này là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay mà ngành công an đăng cai. Đại hội đồng Interpol hiện có 188 thành viên, năm nay sẽ kết nạp thêm 3 thành viên nữa. Sẽ có hơn 150 đoàn là lãnh đạo cấp cao trong lực lượng phòng chống tội phạm từ hơn 150 nước đến Việt Nam. Việc tổ chức hội nghị lần này cho thấy chúng ta đã chủ động tích cực hội nhập. Nước chủ nhà sẽ chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy lực lượng công an nói chung và cảnh sát Việt Nam đã trưởng thành và ngày càng hiện đại, đảm bảo năng lực phối hợp tốt với đồng nghiệp từ các nước.

Trong 20 năm qua, đã bao giờ Interpol Việt Nam phát hiện những tổ chức tội phạm, băng nhóm nổi tiếng thế giới như hội Yakuza ở Nhật Bản, hội Tam Hoàng ở Hồng Kông… xuất hiện tại Việt Nam chưa?

 Chúng tôi chưa có cơ sở để khẳng định các tổ chức, băng nhóm tội phạm khét tiếng thế giới có chi nhánh ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua một số vụ việc, Interpol Việt Nam đã phát hiện có dấu hiệu của một số thành viên băng nhóm nổi tiếng nước ngoài câu kết vận chuyển ma túy. Ví dụ, đã xuất hiện một số vụ vận chuyển cocain qua đường bưu điện từ Nam Mỹ về Việt Nam hay sang nước thứ ba. Chúng tôi liên tục cập nhật thông tin từ các lực lượng chức năng nước ngoài, chủ động phối hợp với lực lượng nghiệp vụ trong nước để xác minh, ngăn chặn. Interpol Việt Nam đang và sẽ nỗ lực phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và đồng nghiệp nước ngoài để đấu tranh không khoan nhượng với bất kỳ loại tội phạm nào, dù chúng thuộc tổ chức nào, đến từ đâu.

Là người thường xuyên tiếp cận thông tin về các loại tội phạm mới trên thế giới, ông có nhận định gì về xu hướng các lĩnh vực mà tội phạm quốc tế đang và sẽ "tấn công" tại Việt Nam?

Interpol Việt Nam hằng năm tiếp nhận khoảng gần 2.000 thông tin liên quan đến những yêu cầu về phối hợp giữa cảnh sát Việt Nam với các nước khác về tình hình tội phạm có liên quan đến nước ta. Trước đây, khi nước ta bắt đầu mở cửa hợp tác đã xuất hiện rất nhiều loại tội phạm như lừa đảo kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ma túy, rửa tiền, mua bán người, di cư bất hợp pháp… Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, xuất hiện các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, dùng thẻ tín dụng giả để rút tiền.

Interpol Việt Nam nắm bắt được từ rất sớm và đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp để đề ra kế hoạch phòng chống tội phạm trong thời kỳ hội nhập của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, ở những nước phát triển có loại tội phạm nào thì Việt Nam đã, đang và sẽ có loại tội phạm đó.

Đặc biệt, xu thế liên kết của các đối tượng tội phạm nước ngoài ngày càng chặt chẽ. Trước đây, chỉ là một nhóm đối tượng người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nay các đối tượng nước ngoài câu kết với đối tượng trong nước, đối tượng trong nước liên kết với đối tượng ngoài biên giới để thiết lập đường dây tội phạm rất đa dạng. Trong tương lai, tình hình tội phạm về tài chính, kinh tế chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp.

Một loại tội phạm nữa mà chúng ta cần phải cảnh giác cao độ là cướp biển. Về vấn đề này, Interpol Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hợp tác chia sẻ thông tin và hỗ trợ giải cứu nạn nhân với các nước trong khu vực và nhiều lực lượng trên thế giới. Chúng tôi cũng tập trung chia sẻ thông tin và phối hợp xác minh các "tàu ma", là tàu mà tội phạm cướp được, sau đó chỉnh sửa lại hồ sơ, số hiệu tàu để tiếp tục lừa đảo trong vận tải hàng hải.

Thời kỳ mới mở cửa, chúng ta từng phải trả giá đắt cho các vụ lừa đảo xúc tiến đầu tư, các dự án ma có suất đầu tư hàng tỉ USD. Qua kinh nghiệm thực tiễn, ông có cảnh báo gì với các địa phương về tội phạm quốc tế lừa đảo trong lĩnh vực kinh tế?

Interpol Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước ngăn chặn được nhiều vụ có dấu hiệu lừa đảo, tránh cho nhiều tỉnh, thành, các doanh nghiệp Việt không bị lừa bởi các dự án ma có số vốn lớn. Ví dụ, vào khoảng thập niên 1990, có đối tượng là Việt kiều về “chào hàng” với TP.Hải Phòng cho vay 9 tỉ USD, nhưng qua thực tế kiểm tra, chúng tôi phát hiện đối tượng này đã có tiền sử lừa đảo ở nước ngoài. Hoặc ở Thanh Hóa cũng có doanh nghiệp nước ngoài đề nghị đầu tư hơn 10 tỉ USD, nhưng thực chất họ không có tiềm lực tài chính thật sự.

Các đối tượng sử dụng rất nhiều chiêu lừa đảo, phổ biến nhất là lấy phí dịch vụ thu xếp vốn. Các địa phương, các doanh nhân muốn vay được vốn lãi suất thấp thì phải trả trước cho bên môi giới hàng chục phần trăm. Nhưng thực chất, sau khi nhận tiền, chúng sẽ bỏ trốn.

Các đơn vị, địa phương cũng nên cảnh giác với dự án đầu tư khổng lồ mức đầu tư 5 - 7 tỉ USD. Trước khi tiếp đón, chuẩn bị hợp tác, các đơn vị nên xác minh kỹ lưỡng qua các kênh khác nhau, kể cả qua kênh hợp tác Interpol để có được thông tin tin cậy về nhân thân, lai lịch đối tác. Qua cộng đồng cảnh sát quốc tế, chúng tôi cũng có thể giúp các đơn vị doanh nghiệp, địa phương xác minh năng lực thật sự của các đối tác nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Interpol cảnh báo về tội phạm công nghệ cao

Hôm 31.10, lễ khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), với sự góp mặt của nhiều quan chức cấp cao thuộc 152 đoàn, đại diện cho các thành viên của tổ chức. Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ VN nằm trong khu vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của các loại tội phạm phức tạp có nguồn gốc trong khu vực và toàn thế giới. Do vậy, Chính phủ VN luôn đánh giá cao các hoạt động của Interpol cũng như không ngừng tăng cường các hoạt động hợp tác với tổ chức này. Trung tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - cho rằng Interpol đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc điều phối và phối hợp hành động đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trên phạm vi toàn thế giới. Trong buổi họp báo sau phiên khai mạc, Chủ tịch Interpol Khoo Boon Hui đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của VN.

Theo chương trình nghị sự, trong 4 ngày diễn ra kỳ họp, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp xử lý nhiều vấn đề liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia.

Thái Sơn

Káp Long - Lê Quân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.