Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng: Tạo thế độc quyền trên thị trường vàng

02/11/2011 23:50 GMT+7

Dự thảo nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ. Nhưng nhiều quy định của dự thảo đang gây lo ngại khi tạo thế độc quyền cho một đơn vị.

 

Dự thảo Nghị định chưa giải quyết được căn bệnh của thị trường vàng - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sẽ chỉ còn vàng miếng SJC?

Cái gốc của đầu cơ tích trữ vàng không nằm trong khâu phân phối nên những quy định này không giải quyết được căn bệnh của thị trường hiện nay

Ông Lê Đạt Chí

Theo dự thảo, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. Với quy định này, chỉ có duy nhất Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý SJC (SJC), hiện đang chiếm khoảng 90% thị phần, mới đủ điều kiện để sản xuất, gia công vàng miếng. Phải chăng NHNN muốn tạo thế độc quyền cho SJC trong lĩnh vực này?

Dự thảo nghị định cũng quy định việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Cũng có nghĩa, SJC sẽ là đơn vị gia công cho NHNN, khi nào NHNN yêu cầu sản xuất thì sản xuất. Câu hỏi đặt ra là, khi đó vàng miếng do SJC sản xuất sẽ lấy thương hiệu gì? Xét một cách logic, SJC sản xuất thì chắc chắn phải lấy thương hiệu SJC chứ không thể có chuyện SJC sản xuất nhưng lại lấy thương hiệu khác. Nếu vậy, thị trường vàng sẽ chỉ còn duy nhất một thương hiệu vàng miếng SJC. Điều này rất vô lý bởi khi nhập khẩu thì nhiều đơn vị kinh doanh vàng được cấp hạn ngạch, nhưng khi sản xuất vàng miếng lại chỉ có duy nhất vàng SJC. Chẳng lẽ, các đơn vị nhập khẩu vàng khác như ACB, EIB, Sacombank... muốn sản xuất vàng miếng phải xin NHNN và "xin" luôn SJC sản xuất hộ?

"Chặn" vốn vàng vào sản xuất 

Chỉ còn thiếu sàn giao dịch vàng

Theo ông Lê Đạt Chí, ngay cả nhóm 7+1 (7 ngân hàng và SJC được phép bán, mua vàng tài khoản theo quy định của NHNN) thì vẫn còn thiếu một thứ, đó là sàn giao dịch vàng hoạt động công khai. Nếu có sàn giao dịch vàng, người mua vàng miếng, sau khi mua, gửi lại ngân hàng, ngân hàng bán ra trong nước thì mua lại nước ngoài. Vậy trong 7+1, sẽ có đơn vị bán ra, đơn vị mua vào chứ không nhất thiết chỉ bán ra như hiện thời.

Với việc quản lý sản xuất vàng miếng theo hạn ngạch và một đầu mối là SJC như nói trên, có nghĩa là việc tăng - giảm cung do NHNN quy định và can thiệp, không cần thiết phải hạn chế đối tượng kinh doanh vàng. Nhưng dự thảo cũng quy định, hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận. Như vậy, đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị thu hẹp. Dự kiến sẽ chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng. Hiểu một cách đơn giản là số lượng kênh phân phối vàng đến người dân sẽ giảm. Tình trạng rối loạn, xếp hàng mua vàng, đầu cơ giá lên, giá xuống... càng khó kiểm soát hơn.

Do số doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng giảm, nhu cầu người dân không được đáp ứng đầy đủ, những doanh nghiệp không được sản xuất, gia công vàng miếng sẽ tìm cách để khai thác mảng trống này. Đó là sản xuất vàng nữ trang để đáp ứng nhu cầu nắm giữ vàng của người dân. Nguồn vàng trong nước thay vì sản xuất ra vàng miếng như hiện nay và người mua có thể gửi ngân hàng sẽ được biến thể sang vàng nữ trang. Loại vàng này không được các ngân hàng thương mại huy động. Vô hình trung, quy định này đã "chẹn" cửa đưa vốn vàng vào sản xuất kinh doanh như mục tiêu mà lâu nay chúng ta vẫn hướng tới. Và tình trạng vàng "chui vào tủ" người dân sẽ càng tăng mạnh. Không chỉ thế, khi kênh phân phối chính thức bị co lại, hoạt động vàng trái phép sẽ càng có đất sống, kéo theo các vấn đề khác như tỷ giá, lãi suất... mà chúng ta nỗ lực lâu nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết được.

Tạo sân chơi

Theo ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM - vẫn là sản xuất vàng miếng tập trung nhưng, thay vì tạo thế độc quyền cho SJC, nên thành lập xưởng sản xuất vàng miếng độc lập, thuộc NHNN. Xưởng này có nhiệm vụ sản xuất theo đơn hàng của các công ty kinh doanh vàng miếng hiện nay. Còn SJC là đơn vị kinh doanh và sản xuất vàng miếng không trực thuộc NHNN, rất khó cho NHNN trong việc quản lý hoạt động sản xuất, gia công vàng miếng của SJC nếu trao thế độc quyền vào công ty này. Nếu muốn biến SJC thành xưởng sản xuất cho NHNN mà "quản chặt", hay nhúng tay vào can thiệp từ hạn ngạch, giá... chắc chắn SJC không thể chấp nhận.

"Cái gốc của đầu cơ tích trữ vàng không nằm trong khâu phân phối nên những quy định này không giải quyết được căn bệnh của thị trường hiện nay. Cái chính là tạo sân chơi cho cả nhà đầu tư và các giới đầu cơ chứ không phải hạn chế hay cấm.  Do đó, nên sớm thành lập sàn vàng để giúp tạo sân chơi công khai cho giới đầu tư. Sàn vàng này phải khác sàn vàng thời gian trước. Cụ thể, buộc người mua phải tham gia 100% và không vay nợ, không ký quỹ. Như vậy, sẽ hạn chế tối đa hậu quả cũng như rủi ro như đã từng xảy ra", ông Chí nói.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.