Thu hồi hàng triệu sim điện thoại

02/11/2011 02:22 GMT+7

Khách hàng đang hoang mang, bức xúc trước thông tin một số nhà mạng ra quyết định thu hồi hàng triệu sim số điện thoại di động trả trước đã bán cho họ nhưng chưa sử dụng.

Bán rồi, thu hồi để... bán lại?

Ngày 6.7.2011, Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) ra Quyết định số 978 quy định thời hạn kích hoạt sim/kit trả trước. Đồng thời với quyết định trên, Công ty dịch vụ viễn thông (VNP) ra thông báo đến các đại lý của Vinaphone thời điểm thu hồi sim/kit trả trước chưa kích hoạt. Theo đó, các sim số điện thoại di động được phát hành trước 0 giờ ngày 1.8.2011 sẽ có thời hạn sử dụng (kích hoạt) đến 24 giờ ngày 31.12.2013; những sim phát hành sau thời điểm trên, thời hạn sử dụng được tính từ thời điểm phát hành đến 24 giờ ngày 31.12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành.

''Chỉ tính riêng Vinaphone hiện nay, số sim/kit chưa kích hoạt đã lên đến chục triệu số và để bán hết số này chí ít cũng cần đến 10 năm nữa. Nếu bị thu hồi các đại lý sẽ mất đứt hàng ngàn tỉ đồng'' - Một đại lý của Vinaphone

Như vậy, những sim Vinaphone phát hành trước 1.8.2011 sẽ còn hơn 2 năm để kích hoạt đăng ký sử dụng và những sim phát hành sau 1.8.2011 có khoảng hơn 1 năm để bắt buộc phải đưa vào sử dụng.

Sau thời hạn sử dụng nói trên, nhà mạng Vinaphone sẽ thu hồi các số thuê bao quá hạn sử dụng, khai báo và phát hành lại theo quy định hiện hành.

Quy định này như một đòn bất ngờ, mang tính áp đặt gây bức xúc đối với những đại lý kinh doanh sim, số và cả người tiêu dùng đang có sim, số nhưng chưa có nhu cầu kích hoạt sử dụng. Vấn đề nằm ở chỗ, những sim/kit phát hành trước 1.8.2011 đã được nhà mạng tung ra thị trường đều không ghi hạn sử dụng (kích hoạt) trên thẻ sim. Vì vậy, nhiều đại lý kinh doanh và cả người tiêu dùng đều ngỡ ngàng trước quy định này.

Anh Phạm Thanh Long (Công ty TNHH viễn thông Song Long) bức xúc: “Khi biết thông tin trên, nhiều khách hàng đã đến gặp chúng tôi và phản ứng dữ dội, vì khi mua không ai ấn định thời hạn kích hoạt sử dụng, nay nhà mạng bất ngờ quy định “tuổi thọ” của sim. Bên cạnh đó, việc nhà mạng đã bán sim thu tiền, nay lại đi thu hồi để bán lại…”.


Vinaphone bất ngờ ra quy định thời hạn để kích hoạt sim số là 2 năm - Ảnh: Diệp Đức Minh

Quy định ngang như... cua

Mobifone sẽ triển khai tương tự, Viettel không thực hiện

Trao đổi với Thanh Niên ngày 1.11, đại diện của MobiFone cho biết nhà mạng này cũng đang triển khai một chính sách tương tự như Vinaphone. Đây là “chủ trương” chung của Tập đoàn VNPT, do vậy việc triển khai này của MobiFone cũng sẽ tương tự  Vinaphone.

Còn đại diện Viettel cho biết, trước mắt Viettel không áp dụng chính sách này. Theo vị cán bộ này thì thông thường cần phải có khoảng thời gian nhất định để có thể phân phối sim số xuống các tuyến cơ sở. Do vậy, chính sách trên của VNPT có phần “hơi cực đoan”. Cũng theo nhận định của vị này, nếu chỉ nhằm mục tiêu hạn chế đầu cơ sim số đẹp thì việc thu hồi sim số này chưa chắc có hiệu quả.

TR.S

Tiếp xúc với chúng tôi, các đại lý kinh doanh sim điện thoại cho rằng, quy định thời hạn sử dụng, kích hoạt sim là cần thiết để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả tài nguyên số, quản lý tốt các thuê bao và tránh hiện tượng thuê bao ảo.

Tuy nhiên, điều các đại lý và khách hàng khó chấp nhận là trước khi ban hành quyết định này, VNPT và các nhà mạng không hề có thông báo về việc quy định thời hạn sử dụng sim mà còn tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, tung ra hàng triệu sim/kit, trong đó có đại lý bỏ tiền tỉ  để “ôm” kho sim/kit về bán dần, nay phải “sống dở, chết dở”; sợ sau Vinaphone là sẽ đến các nhà mạng khác thu hồi sim.

Theo bà L. - một đại lý lớn của Vinaphone tại TP.HCM, việc nhà mạng đột ngột ban hành quyết định này làm các đại lý như bị “lừa” một vố đau điếng và có nguy cơ phá sản. Bà L. cho biết, đến nay thống kê sơ bộ đại lý này còn tồn đọng khoảng 200 ngàn sim/kit Vinaphone, trong đó có hơn 30 ngàn số đẹp. Một số cá nhân bán lẻ cũng sở hữu ít nhất vài trăm số đến vài chục ngàn số.

“Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng Vinaphone hiện nay, số sim/kit chưa kích hoạt đã lên đến chục triệu số và để bán hết số này chí ít cũng cần đến 10 năm nữa. Nếu bị thu hồi các đại lý sẽ mất đứt hàng ngàn tỉ đồng”, một đại lý bức xúc.

Không chỉ có các đại lý, nhiều khách hàng lỡ mua sim/kit số đẹp để dành, chưa sử dụng cũng phản ứng vì quy định đột ngột của nhà mạng. Anh Mai (ngụ ở Q.8) cho biết, anh đã bỏ một số tiền lớn để “săn” được 1 sim số đẹp trùng với ngày sinh của con gái, định để dành đến khi cháu thi vào cấp 3 mới cho sử dụng, nhưng nay bất ngờ nghe tin tuổi thọ của sim bị rút ngắn lại, khiến vợ chồng anh không khỏi hoang mang.

Anh Nguyễn Văn Thuận (ngụ Q.10) cũng cho rằng quy định của VNPT là quá phi lý. “Tôi bỏ 70 triệu đồng mua số đẹp 0129995999 để dành làm quà biếu vào thời điểm thuận lợi. Đã là quà tặng thì sim số phải còn nguyên chứ kích hoạt rồi đem tặng đâu còn ý nghĩa!” - anh Thuận bức xúc.

Khách hàng có thể kiện

Anh Trần Văn Thanh (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh bỏ ra 39 triệu đồng mua số 01293969999 để dành. Anh Thanh nói: “Khi mua người bán không kèm bất cứ điều kiện nào, do lúc đó sim không quy định thời hạn. Nay, với một quyết định như vậy, nhà mạng thu hồi sim của tôi sao được. Nếu Vinaphone không thu hồi quyết định này, tôi sẽ kiện đến cùng”.

Tham khảo hợp đồng mua bán giữa Công ty dịch vụ viễn thông (VNP) với các đại lý có ghi rõ: “Bên B (khách hàng, đại lý) có quyền sở hữu đối với những sản phẩm mà họ thanh toán tiền cho bên A (nhà mạng)”. Kèm theo đó là hàng loạt quy định "ép" khách hàng: để lấy được sim/kit, các đại lý phải thanh toán trước 100%; đồng thời không được phép hoàn trả bất cứ sản phẩm nào ngoại trừ thẻ sim bị lỗi trong quá trình sản xuất hoặc lỗi khai báo dữ liệu trên hệ thống.

Theo luật sư Trần Kim Hoàng - Công ty luật Tín Việt (Đoàn luật sư TP.HCM), Vinaphone sẽ vi phạm hợp đồng khi bán tài sản có thời hạn sử dụng nhưng không thể hiện trong hợp đồng và không thông báo trước cho người mua. Đứng trên góc độ kinh doanh, mua bán, nhà mạng không thể bán một sản phẩm rồi tự ra một quy định để thu hồi lại và tiếp tục bán sản phẩm đó thêm một lần nữa như cách làm này.

Cũng theo luật sư Hoàng, xét về góc độ pháp lý, quyết định của Vinaphone xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của bộ luật Dân sự. Sim số trả trước phải được xem là một tài sản như những tài sản khác và không thuộc danh mục những tài sản bị hạn chế quyền sở hữu hoặc phải đăng ký quyền sở hữu, có chăng chỉ là việc đăng ký thông tin để sử dụng theo hình thức quản lý của nhà cung cấp. Các đại lý khi mua sim của nhà cung cấp, đã trả tiền đầy đủ cho nhà sản xuất có nghĩa là họ đã được pháp luật công nhận quyền sở hữu đối với sim số điện thoại đó và quyền này được pháp luật bảo vệ. Khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa nếu bị thiệt hại.

 Lê Nga - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.