Con đường Steve Jobs - Kỳ 3: Học từ những sai lầm

03/11/2011 20:18 GMT+7

Khi nhóm dự án Mac đã gần tạo ra được một chiếc máy tính có phần cứng làm việc hiệu quả và phần mềm thực hiện được tất cả chức năng cần thiết mà không xuất hiện lỗi, một hôm Steve đến xem bản chạy thử, và anh không vui.

>> Kỳ 2: Một nút bấm

Steve hỏi: "Tiếng ồn gì vậy?".

Không ai hiểu anh đang nói cái gì. Làm gì có tiếng ồn nào ngoài tiếng cánh quạt rì rầm nho nhỏ trong máy.

Steve không muốn có một tiếng động nào cả. Mọi máy tính cá nhân khác có tiếng quạt tản nhiệt rất ồn. Macintosh phải là chiếc máy tính chạy hoàn toàn yên lặng.

Các kỹ sư cố giải thích với anh: Mac không thể chạy mà không có quạt tản nhiệt. Nó sẽ bị nóng và cháy rụi.

Steve khăng khăng: không quạt!

Các kỹ sư bắt đầu xuất hiện ở phòng làm việc của tôi bảo tôi phải trao đổi với Steve đi, tôi phải thay đổi quyết định của anh ấy. Tất cả kỹ sư trong nhóm cả quyết rằng Mac phải có quạt tản nhiệt. Cả tổ chức bất đồng ý kiến với Steve nhưng anh không thay đổi.

Các kỹ sư trở về phòng nghiên cứu của họ và bắt đầu thiết kế lại Mac để nó chạy mà không có quạt tản nhiệt. Ngày tung sản phẩm ra thị trường theo kế hoạch đến rồi qua đi. Cuối cùng Macintosh được giới thiệu với thế giới trễ năm tháng.

Steve đúng về nguyên tắc. Một chiếc máy tính hoàn toàn yên lặng dùng thì thích thật, nhưng cái giá phải trả quá lớn. Một lần nữa Steve có bài học quý giá: Các chi tiết là rất quan trọng, đáng chờ đợi để làm cho hoàn thiện, nhưng có những lúc phải cân nhắc lợi ích giữa làm cho hoàn thiện với cái giá phải trả cho việc chậm có mặt trên thị trường. Steve sẽ tiếp tục trì hoãn sản phẩm để làm cho nó hoàn thiện, nhưng anh công khai thừa nhận sẽ không bao giờ để mình vào hoàn cảnh cho phép một sự trì hoãn lâu đến như vậy nữa.

Theo một số nhà phê bình Macintosh và ngay cả trong số những người ủng hộ công ty, những chiếc Mac đầu tiên với vấn đề quá nóng không tránh khỏi của chúng đã bị ví là "những chiếc lò nướng bánh màu be".

Nhưng tất cả những sản phẩm chủ chốt ra đời sau đó, từ iPod trở đi, rút kinh nghiệm mà Steve học được từ việc tạo ra những chiếc Mac đầu tiên - những bài học về quy trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, định giá, và những việc khác nữa, đều dựa trên trải nghiệm từ những ngày tập tành chế tạo sản phẩm ấy.

Đó không phải là sai lầm duy nhất của Steve trong dự án Mac. Anh đã quyết định rằng ngoài việc tạo ra phần cứng và phần mềm, anh còn muốn ráp máy tính. Việc xây dựng nhà máy sẽ tốn khoảng 20 triệu USD; hội đồng quản trị của Apple miễn cưỡng, vì không ai thật sự tin rằng Macintosh có ngày ra mắt thiên hạ - nhưng quyết định chấp thuận đã được đưa ra dễ dàng hơn đôi chút vì công ty đã có 200 triệu USD trong ngân hàng nhờ vào doanh số xuất sắc của Apple II.

Steve tìm được một nhà máy ở gần Fremont, khoảng hơn nửa tiếng đi xe từ Cupertino, và dự tính thiết kế lại thành nhà máy tự động hoàn toàn để lắp ráp Macintosh. (Dù nhiều sử sách về ngành công nghệ này luôn gọi đó là nhà máy sản xuất, nhưng thật sự nó là nhà máy lắp ráp - linh kiện được sản xuất ở Nhật hoặc nơi nào khác, và chuyển đến Fremont).

Steve đích thân làm việc với các kỹ sư thiết kế đủ loại máy móc tự động, như thường lệ anh trở nên dấn sâu vào những quyết định chi tiết về các chức năng mà từng cỗ máy này thực hiện và chúng được điều khiển thế nào. Steve như một đứa trẻ chờ tới Giáng sinh khi một chiếc máy mới được giao đến và được lắp đặt. Anh lập tức đến Fremont và xem nó vận hành. Niềm đam mê dữ dội của Steve đối với người máy dường như bắt nguồn từ niềm đam mê anh đã phát hiện được ở bàn tay con người. Trong những tuần cuối cùng trước khi nhà xưởng đi vào hoạt động, Steve và tôi lái xe đến đó ba lần mỗi tuần.

Nhưng phần này của câu chuyện đã không kết thúc có hậu. Nếu Steve dừng lại sớm hơn và vận dụng khả năng phân tích sắc sảo của anh, chắc chắn anh đã nhận ra rằng doanh số Macintosh phải cực kỳ lớn thì nhà máy lắp ráp này mới có hiệu quả kinh tế. Tôi nghĩ mỗi chiếc Macintosh xuất xưởng tại đây phải tốn khoảng 20.000 USD. Mac được bán với giá 2.000 USD một chiếc, thử làm một phép tính mà xem. Đó là một quyết định vô cùng tốn kém và góp phần hình thành một vấn đề nghiêm trọng khi Macintosh lúc mới ra đời bán không chạy.

G.K
(lược trích)

----------------

Con đường Steve Jobs, tác giả: Jay Elliot - Bill Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà - Trần Thị Kim Cúc, NXB Trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.