Festival lúa gạo lần thứ II - Sóc Trăng 2011: Sẵn sàng cho ngày khai mạc

03/11/2011 09:23 GMT+7

Chỉ còn 5 ngày nữa là khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II - năm 2011. Lúc này, trên đồng hồ mang biểu tượng bông lúa đặt tại ngã ba Trà Men ở TP.Sóc Trăng, thời gian đang được đếm ngược từng giờ.

Theo Ban tổ chức (BTC), mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất theo kế hoạch, hứa hẹn một kỳ Festival hoành tráng, sôi động, hấp dẫn và bổ ích…

Không khí Festival đã bắt đầu lan tỏa trên khắp các con đường, ngõ hẻm, góc phố ở Sóc Trăng. Năm nay, Festival lúa gạo trùng với thời điểm diễn ra lễ hội Ooc om boc của người Khmer, khiến cho không khí chuẩn bị lễ hội càng thêm sôi động.

 
Mọi công tác chuẩn cho cho Festival lúa gạo lần thứ II năm 2011 đã hoàn thành để chờ ngày khai mạc 8.11 - Ảnh: Mỹ Xuyên

TP nhiều màu sắc

Đoạn quốc lộ 1A dài hàng chục km từ thị trấn Châu Thành dẫn vào TP.Sóc Trăng như rộng và đẹp hơn do những bụi rậm, cỏ dại ven đường được phát dọn sạch sẽ. Người dân hai bên đường còn treo quốc kỳ trước nhà để chào đón Festival. Càng vào sâu trong nội ô, không khí chuẩn bị càng trở nên sôi nổi. Những hàng quán trong TP, đặc biệt là trong Khu văn hóa - triển lãm Hồ nước ngọt (Hồ nước ngọt), nơi diễn ra nhiều hoạt động chính tại Festival, được sơn phết, trang trí lại trông thật bắt mắt. Một chủ quán nước giải khát cho biết, vừa mướn thêm nhân viên phục vụ để chuẩn bị đón khách nhân dịp Festival. “Tôi đang cố gắng chuẩn bị thật tốt để thu hút khách nhân cơ hội này”, một chủ quán nước trong khu Hồ nước ngọt nói.

3 cuộc hội thảo

Tại Festival lần này sẽ có 3 cuộc hội thảo với các vấn đề liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh lúa gạo.

- Ngày 9.11: Hội thảo quốc tế chủ đề “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Gạo Việt Nam: Ai bán? Ai mua?”.

- Ngày 10.11: Hội thảo “Việt Nam - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”.

- Ngày 11.11: Hội thảo “Bãi Xàu (Ba Xuyên) - Sóc Trăng: Từ cảng biển quốc tế đầu tiên, nhìn đến tương lai phát triển”.

Tham gia hội thảo có đại diện các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia đầu ngành trong nước như: GS-TS Nguyễn Văn Luật, GS-TS Võ Tòng Xuân, PGS -TS Nguyễn Ngọc Đệ, PGS -TS Mai Thành Phụng, TS Lê Văn Bảnh... cùng nhiều chuyên gia thế giới.

Ngay sau cổng chào  hình bông lúa thật to với tạo hình chữ “V” mang hàm ý về một sự thành công là đường Hùng Vương - con đường chính dẫn vào TP được thiết kế và trang trí đầy màu sắc. Đoạn đường dài 1.200m từ ngã ba Trà Men đến cổng Hồ nước ngọt được BTC tận dụng làm “Khu triển lãm Con đường lúa gạo”, do Sở NN-PTNT tỉnh và Công ty IFA phối hợp thực hiện. Có đến 47.000 chậu lúa được trưng bày trên dải phân cách, theo thứ tự từ lúa còn xanh đến lúa làm đòng, lúa trổ bông và chín. Kết thúc Khu triển lãm Con đường lúa gạo ở trước cổng vào Hồ nước ngọt là mô hình một chiếc thuyền lớn, mang ý nghĩa tượng trưng về một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, tại đài phun nước trong Hồ nước ngọt là mô hình một hạt lúa vàng cao 10m, được trang trí thật đẹp để tạo điểm nhấn.

Những mô hình sản xuất, giống lúa và nông ngư cụ

Sau khi kết thúc “Khu triển lãm Con đường lúa gạo”,  một khu triển lãm mang tên “Vinh danh hạt ngọc Việt” nằm bên trong Hồ nước ngọt sẽ được mở ra trước mắt du khách. Đây là khu trưng bày giới thiệu mô hình sự phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, viện, trường. Khu này nhằm mục đích giới thiệu các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu ở các địa phương bao gồm các giống lúa mới, các giống lúa nguyên chủng, giống lai tạo… Bên cạnh đó là triển lãm các mô hình trồng lúa của các vùng miền, các phương pháp canh tác hiện đại, số liệu và hình ảnh biểu đồ về năng lực và tiềm năng thị trường lúa gạo Việt Nam.

Khu triển lãm này cũng sẽ giới thiệu với khách tham quan về các giống  lúa hoang, lúa mùa, lúa cao sản, lúa lai của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó là sa bàn trưng bày các mô hình canh tác lúa như: Lúa cạn với giống lúa Nàng Nhen, OM6840 của Việt Nam và khoảng 6 giống lúa của thế giới. Lúa nước sâu được gieo trồng trong điều kiện nước từ 0,5 - 1m, với gần 20 giống lúa các loại. Lúa nổi, là giống lúa sống trong điều kiện mực nước sâu có thể lên đến 4m. Đặc biệt, tại đây, cảnh đồng quê Nam Bộ cũng được tái hiện thật sinh động với nhà rơm, cầu tre, trâu cày, gàu tát nước, cảnh giã gạo…

Tại khu triển lãm nông cụ từ thời khẩn hoang đến hiện đại, sẽ giới thiệu đến du khách từ những nông cụ cày, bừa, cào cỏ, cuốc, gầu guồng tát nước, máy cày, máy cấy đến các dụng cụ máy móc dùng để thu hoạch như máy gặt, máy suốt, cối xay,  nong nia, dần, sàng…

Theo BTC, những khu triển lãm trên chính là phần được ưu tiên nhất của Festival lần này vì nó sẽ cho người xem một cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của cây lúa Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều khu triển lãm khác như: khu triển lãm của các doanh nghiệp, khu thương mại tổng hợp, khu ẩm thực…

Bên lề

Chùa Dơi có cổng chào mới

Để chuẩn bị đón khách trong dịp Festival, cổng chào và đường vào chùa Dơi đã được làm mới, với tổng vốn đầu tư trên 15 tỉ đồng. Cổng chào được cách điệu như một ngôi chùa với 3 tầng mái thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống trên địa bàn. Bên cạnh đó là các mảng cách điệu các chú dơi đang vươn cánh bay lên, thể hiện khu du lịch tâm linh kết hợp bảo tồn loài dơi quạ - một trong những loài động vật quý hiếm.

20 người đẹp miệt vườn vào chung kết

Ban tổ chức hội thi “Người đẹp miệt vườn”, cho biết có 20 thí sinh vào vòng chung kết. Đây là những thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 9 - 10.11, tại Trung tâm văn hóa - triển lãm Hồ nước ngọt tỉnh Sóc Trăng. Ở vòng chung kết, các thí sinh sẽ dự thi ở các nội dung trang phục áo dài, áo bà ba, trang phục tự chọn và thi ứng xử. Đây là một trong những hoạt động hấp dân tại Festival lúa gạo lần thứ II - Sóc Trăng 2011.

300 tình nguyện viên phục vụ Festival

Tất cả đều là sinh viên, học sinh đến từ các trường: Cao đẳng (CĐ) Sư phạm, CĐ Cộng đồng và Trung học Văn hóa nghệ thuật Sóc Trăng. BTC chia tình nguyện viên thành 10 nhóm phục vụ tại các điểm diễn ra hoạt động Festival như: Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Quảng trường 30/4, Trung tâm thi đấu TDTT, các tuyến đường chính và những điểm có khách trong ngoài nước đến tham gia Festival.

Sân khấu chính hình chiếc thuyền 

Phối cảnh tổng thể sân khấu nổi trên mặt hồ tại Khu văn hóa Hồ nước ngọt phục vụ lễ khai mạc, bế mạc Festival và các hoạt động văn hóa văn nghệ có hình dáng như một chiếc thuyền. Được trang trí bằng những họa tiết thể hiện nền văn minh lúa nước Việt Nam và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng. Mặt sàn của sân khấu nổi có tổng diện tích gần 900m2; khu sân khấu biểu diễn rộng 300m2. Riêng khu khán đài được thi công bằng khung thép, có sức chứa tối đa 1.500 người, trong đó khu khán đài VIP 200 chỗ.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.