Cũng xin nói rằng, chuyện “sống chung với lũ” và “sống chung với triều cường” là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Lũ thì mang lại cái lợi nhiều hơn cái hại là điều được nhiều người thừa nhận, còn triều cường thì gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và cơ sở hạ tầng. Do vậy, “sống chung” với triều cường là chuyện chẳng đặng đừng.
Có nhiều nguyên nhân trực tiếp để giải thích cho tình trạng trên. Đó là sự phát triển quá nhanh của các đô thị, nhưng lại quy hoạch thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chống chỗ này thì ngập nơi khác. Kênh rạch trong nội ô bị lấn chiếm trong khi hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh làm cho tình trạng ngập thường xuyên xảy ra trên diện rộng. Do ĐBSCL có độ cao trung bình thấp so với mực nước biển nên cốt nền của các đô thị cũng thấp là một trong những nguyên nhân. Từ việc nhận định những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các giải pháp công trình cụ thể như: nâng cao cốt nền, xây dựng đê bao, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, sử dụng máy bơm…
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu môi trường cũng cho rằng, bên cạnh đó còn có những tác động gián tiếp. Có thể kể đến như việc đắp đê ngăn nước triệt để ở các vùng trũng trên thượng nguồn sẽ gây ngập ở khu vực lân cận và phía hạ nguồn. Các hệ thống đê bao ở vùng ven biển để bảo vệ ruộng lúa, hoa màu, thủy sản cũng góp phần làm triều cường tăng cao. Hay sự tác động quá mức của con người vào tự nhiên gây biến đổi khí hậu, từ đó thiên nhiên phản ứng ngược trở lại. Do đó, việc chống ngập bền vững cho các đô thị cần kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình - thích nghi với tự nhiên. Cụ thể như các khu vực trũng, thấp nhất là ở vùng thượng nguồn cần được giữ để làm các hồ chứa nước tự nhiên. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các đô thị cần có tầm nhìn dài hạn và phải tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Chí Nhân
Bình luận (0)