Trò chuyện với người vẽ "Sát thủ đầu mưng mủ"

05/11/2011 14:38 GMT+7

(TNTS) Những ngày qua, cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu (họa sĩ Thành Phong vẽ) là điểm nóng trên các diễn đàn, hay trên mặt báo với những ý kiến ủng hộ, phản đối khác nhau. TNTS đã có cuộc trò chuyện cởi mở với họa sĩ Thành Phong sau khi NXB Mỹ Thuật quyết định thu hồi cuốn sách để chỉnh sửa.

Khi nhận được lời đề nghị thực hiện cuốn sách, bạn đã lường trước sau khi sách hoàn thành sẽ có hai luồng dư luận trái chiều?

Trước và trong khi thực hiện cuốn sách, tôi biết sẽ có người rất ghét và phản đối dòng sách này. Nhưng không vì thế mà tôi không làm. Tôi nghĩ cái gì đã tồn tại trong cuộc sống khá lâu và người ta hẳn có lý do để chấp nhận nó, đưa lên thành sách không có gì quá to tát.

 

Bạn nghĩ thế nào về ý kiến trong cuốn sách có những câu nói vô nghĩa đơn thuần chỉ là cho có vần, có câu phản cảm như Một điều nhịn chín điều nhục, Được voi đòi Hai Bà Trưng, Một con ngựa đau cả tàu thêm cỏ...?

Tôi thấy đó đơn thuần chỉ là những câu được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Đôi khi nếu mổ xẻ nó một cách quá sâu xa thì chả thấy có gì buồn cười cả. Nhưng nếu trên tinh thần hài hước, một chút châm biếm, giễu nhại thì lại thấy ngược lại. Có những người có thể họ không quen với cách tư duy hài thế này vì hài có nhiều kiểu, có người thích kiểu này, người thích kiểu kia. Có những kiểu mà họ không cảm nhận được cái hài trong đấy thì không cười. Tôi biết có người hoàn toàn không hiểu ý trong bức vẽ Ác như con tê giác. Tôi muốn lật ngược lại vấn đề để chế nhạo sự độc ác của con người. Mọi người vẫn quen hình tượng con người săn bắt động vật, bây giờ thử giả sử con người là đối tượng săn bắt sẽ thế nào. Nhiều người lại thấy phản cảm: Con người sao bị chặt đầu rồi treo ở trên tường thế kia?

Có thể câu đùa hơi quá, hoặc không hợp gu một số người thì người ta cảm thấy phản cảm, nhưng không thể vì lý do đó mà cuốn sách vi phạm hay làm thay đổi chuẩn mực sống được. Câu Một con ngựa đau cả tàu thêm cỏ đã bị nhiều người phê phán, nhưng đó là họ đứng trên quan điểm đạo đức. Nếu đứng trên quan điểm giễu nhại thói ích kỷ hiện nay chẳng hạn thì câu nói đó hoàn toàn là cơ sở.

Ác như con tê giác là câu chả có nghĩa gì chỉ là vần, nhưng đọc lên thấy vui và thu hút người nghe hơn về ý diễn đạt của người nói. Câu Được voi đòi Hai Bà Trưng cũng là câu nói tếu táo, câu gốc là Được voi đòi tiên. Voi và Hai Bà Trưng gắn liền hình ảnh với nhau, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Chả vì cái đó mà người ta liên tưởng lệch lạc, đó chỉ là câu đùa mà thôi.

Nhưng bạn có nghĩ những câu nói đùa như vậy có ảnh hưởng không tốt đến ngôn ngữ của giới trẻ?

Bản thân cuốn sách này không phải là cuốn sách giáo khoa để nhìn vào đó để đưa ra chuẩn mực. Người ta không thể nào mà giơ một cuốn truyện tiếu lâm hay là cuốn truyện hài bảo người ta sống theo thế này cả. Đây là cách nhìn nhận của từng người thôi. Người ta không bao giờ đánh giá cuốn sách giải trí như cuốn sách giáo khoa, ngay từ lúc đầu chúng tôi dự định thực hiện cuốn sách cũng không có ý như thế.

Bạn cảm thấy thế nào khi NXB Mỹ Thuật yêu cầu thu hồi cuốn sách?

Tôi cảm thấy tiếc vì lúc đó chưa hiểu được đằng sau quyết định đó là gì. Nhưng sau khi được biết cái lý do thu hồi vì thủ tục hành chính chưa được chấp hành nghiêm túc, tôi rất mong sau khi chỉnh sửa, cuốn sách này sẽ được tiếp tục phát hành ra thị trường.

Liệu thời gian thực hiện cuốn sách có hơi vội vã? Bạn có nghĩ nên có sự đóng góp của các nhà ngôn ngữ học để cuốn sách hoàn chỉnh hơn?

Tôi nghĩ cuốn sách thực hiện tương đối nhanh, bắt đầu từ tháng 5, sau một tháng rưỡi hoàn thành cơ bản, sau đó chỉ là những chỉnh sửa nhỏ. Tôi rất hoan nghênh nếu có nhà ngôn ngữ học hay các chuyên gia đóng góp thêm ý kiến để sách này hoàn thiện hơn, bớt đi những điều mà nhiều người đang lo ngại hay tranh cãi.

 
Họa sĩ Thành Phong - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sinh năm 1986, Thành Phong được đánh giá là họa sĩ truyện tranh trẻ, tài năng. Anh đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế về truyện tranh, đáng chú ý có giải đặc biệt với tác phẩm Người hóa hổ tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á (Aisan Youth Animation & Comis Contest) vừa diễn ra tại Trung Quốc. Anh đã tham gia triển lãm truyện tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore... Thành Phong là tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm truyện tranh như Orange, Nhi và Tũng, Cậu bé và máy bay giấy, Bicof Story, Truyền thuyết Long thần tướng...

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.